(Congannghean.vn)-Nghệ An được xác định là một trong những địa phương trọng điểm, phức tạp về ANTT. Những năm qua, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, công tác xóa bỏ, chuyển hóa địa bàn phức tạp được chú trọng thực hiện. Để công tác này mang lại hiệu quả, việc lựa chọn huyện điểm, xã điểm phức tạp để thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm kìm giữ tình trạng gia tăng tội phạm luôn được tập trung triển khai.
Trước khi thực hiện chủ trương “Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT”, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương là địa phương có tình hình ANTT phức tạp của huyện và tỉnh. Qua khảo sát, từ năm 2012 trở về trước, ở xã Lưu Kiền, tội phạm liên quan đến ma túy có chiều hướng gia tăng với 189 người nghiện ma túy, 8 điểm bán lẻ và 2 tụ điểm phức tạp về ma túy. Bên cạnh đó, các loại tội phạm như trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, mua bán người còn diễn ra.
Xét xử lưu động các vụ án nhằm tuyên truyền pháp luật tại địa bàn phức tạp về ANTT ở xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương |
Tháng 2/2012, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, HIV/AIDS, ma túy, mại dâm Trung ương (BCĐ 138/CP), Bộ Công an, UBND tỉnh đã khảo sát và chọn xã Lưu Kiền làm điểm chỉ đạo thực hiện chuyển hóa địa bàn phức tạp. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá của các địa phương, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện Tương Dương cùng các phòng nghiệp vụ liên quan tăng cường cán bộ xuống cơ sở phối hợp, hỗ trợ thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để chuyển hóa các địa bàn trọng điểm. Cùng với đó, Công an tỉnh đã tham mưu Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể phối hợp thực hiện các kế hoạch, mở đợt vận động tập trung phát động phong trào toàn dân tham gia giải quyết các địa bàn phức tạp về ANTT.
Công an xã đã phối hợp với Công an huyện Tương Dương, các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, tích cực tố giác tội phạm tại 6/6 xóm, bản với sự tham gia đông đảo của người dân; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, Ban Dân vận Huyện ủy và Công an huyện tổ chức tuyên truyền phòng chống di cư tự do cho bà con người Mông ở Lưu Thông.
Ngoài ra, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành Công an, Viện KSND và TAND huyện tổ chức xét xử lưu động một số vụ án liên quan tại xã Lưu Kiền nhằm răn đe, giáo dục các đối tượng cũng như cho người dân. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và sự phối hợp các biện pháp nghiệp vụ của các đơn vị liên quan đã góp phần hạn chế tội phạm trên địa bàn xã. Đến nay, qua khảo sát, so với trước khi triển khai, tội phạm và tệ nạn xã hội tại Lưu Kiền giảm 40%.
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm mua bán người tỉnh Nghệ An, trước tình hình ANTT ở địa bàn diễn biến phức tạp, năm 2013, cùng với xã Lưu Kiền (Tương Dương), các đơn vị: xã Đồng Hợp (Quỳ Họp), thị trấn Đô Lương (Đô Lương), xã Diễn Yên (Diễn Châu) và phường Hưng Dũng, xã Nghi Phú (TP Vinh) được Công an tỉnh chọn chỉ đạo để triển khai, nhân rộng. Nhờ sự quan tâm của cấp trên và sự vào cuộc của các ngành chức năng, nhất là các đợt ra quân tập trung truy quét tội phạm của Công an huyện đã từng bước làm giảm tội phạm trên địa bàn.
Cùng với đó, Công an tỉnh đã tham mưu, phối hợp thực hiện các kế hoạch mở đợt vận động tập trung, phát động phong trào toàn dân tham gia giải quyết các địa bàn phức tạp về ANTT, gắn việc tổ chức tổng kết 10 năm Chỉ thị 07 của Tỉnh ủy về “Tăng cường đấu tranh phòng chống ma túy”, Chỉ thị 13/2013 về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống ma túy trong tình hình mới”, Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy miền Tây Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015”..., nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm; đồng thời, làm tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa người lầm lỗi, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng.
Với phương châm “Phòng ngừa là chính, ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp nhằm mục tiêu trở thành địa bàn không có tội phạm hoặc giảm đến mức thấp nhất tình hình phức tạp về ANTT, là nhiệm vụ xuyên suốt phải thực hiện, nhằm phát huy vai trò của các cấp, ngành và toàn dân tham gia phòng chống tội phạm; tập trung lực lượng mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
.