Pháp luật

Tăng cường xử lý vi phạm vận tải qua thiết bị giám sát hành trình

08:50, 03/11/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Sự ra đời của thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) bước đầu mang lại nhiều lợi ích cả về phía doanh nghiệp vận tải lẫn công tác quản lý. Tuy nhiên, việc quản lý các phương tiện kinh doanh vận tải qua loại thiết bị này hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn và bất cập nhất định.
 
Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải không chấp hành
 
Nghị định 91/2009/NĐ-CP và 93/2012/NĐ-CP của Chính phủ, về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô quy định: Các xe hợp đồng bắt buộc phải lắp đặt, duy trì TBGSHT, đảm bảo lưu giữ các thông tin về tốc độ chạy xe, số lần, thời gian dừng đỗ, đóng, mở cửa xe, thời gian lái xe liên tục… để cơ quan chức năng kiểm tra, quản lý.
 
Từ ngày 1/7/2013, Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt TBGSHT có hiệu lực. Theo đó, xe vận tải hành khách, hàng hóa không gắn TBGSHT hoặc có lắp đặt thiết bị nhưng không hoạt động sẽ bị xử phạt từ 2 - 3 triệu đồng kèm theo hình phạt bổ sung là tước giấy phép kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, kết quả trích xuất dữ liệu từ TBGSHT tháng 9/2014 cho thấy, tỉ lệ truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ của các phương tiện kinh doanh vận tải thuộc tỉnh Nghệ An đạt khoảng 70%.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm vận tải qua TBGSHT - Ảnh minh họa
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm vận tải qua TBGSHT - Ảnh minh họa
Trong đó, có nhiều đơn vị kinh doanh vận tải bị phê bình, nhắc nhở trong tháng 8/2014 như Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Hòa Quang, HTX Dịch vụ vận tải và Thương mại miền Tây, HTX Vận tải Huy Hải, Công ty TNHH DV&DL Tân Phương Thảo… đã thực hiện việc truyền dữ liệu, tuy nhiên, tỉ lệ truyền còn thấp. Đơn cử như trường hợp Doanh nghiệp An Phú Lâm, mặc dù Sở GTVT đã nhiều lần nhắc nhở và đã đình chỉ hoạt động đối với 2 phương tiện trên tuyến cố định Bến xe Nghĩa Đàn - Bến xe Nước ngầm, song đến ngày 24/10, đơn vị này vẫn chưa thực hiện việc truyền dữ liệu theo quy định.
 
Hay Công ty TNHH Minh Hiếu, tỉ lệ truyền dữ liệu chỉ đạt 9,52% (chỉ có 2/21 phương tiện thực hiện việc truyền dữ liệu). Bên cạnh đó, tình hình vi phạm về tốc độ xe chạy tuy có giảm so với tháng 8/2014, nhưng vẫn ở mức khá cao, nhiều đơn vị lặp lại nhiều lần vi phạm.
 
Anh Nguyễn Văn Đ., chủ xe ở xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu cho biết, cách đây 2 năm, gia đình anh mua xe ôtô 24 chỗ làm dịch vụ vận tải khách. Anh được Sở GTVT hướng dẫn lắp đặt TBGSHT và hoàn thiện thủ tục xin cấp phù hiệu xe hợp đồng theo quy định. Theo anh Đ., một số trường hợp xe không truyền dữ liệu về máy chủ là do thiết bị lỗi sim, mất sóng, lúc dừng, đỗ nhiều ngày, lái xe tự cắt nguồn điện để tránh chập, cháy, hao tổn điện năng. 
 
Cũng qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sở dĩ một số phương tiện lắp đặt thiết bị không hoạt động, không trích xuất đầy đủ dữ liệu là do tâm lý một số chủ xe ham giá rẻ nên lắp đặt thiết bị kém chất lượng, chỉ hoạt động được một thời gian ngắn thì bị mất kết nối hoàn toàn. Cũng có trường hợp nhiều lúc chạy đường dài, các lái xe tự ngắt thiết bị để tránh việc bị cơ quan chức năng giám sát phát hiện, xử lý... Thực tế, việc lạm dụng phù hiệu xe hợp đồng do Sở GTVT cấp như là “bùa hộ mệnh” để chạy “dù”, đón khách dọc đường còn tái diễn thường xuyên. Khi bị phát hiện, để dễ dàng “qua mặt” lực lượng chức năng, phương thức được các lái xe sử dụng là dùng những bản hợp đồng có sẵn, nhờ một hành khách bất kỳ ký tên vào chỗ khách thuê xe.
 
Tăng cường xử lý nghiêm minh
 
Toàn tỉnh hiện có 52 đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô, với 920 phương tiện. Thực tế cho thấy, việc sử dụng TBGSHT tiết kiệm nhiều chi phí cho doanh nghiệp vận tải như nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa…; đồng thời, mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, kinh doanh vận tải hành khách đối với các đơn vị kinh doanh vận tải.
 
Thông qua TBGSHT, các thông tin về lộ trình di chuyển, vận tốc, vị trí, tín hiệu đóng, mở cửa, số lần vượt quá tốc độ, mở cửa khi xe chạy, dừng, đỗ sai quy định luôn được hiển thị rõ trên thiết bị, giúp công tác quản lý phương tiện một cách dễ dàng. Từ đó, giúp người quản lý phương tiện có cơ sở kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh lái xe chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho hành khách cũng như đảm bảo an toàn giao thông đối với người và các phương tiện tham gia giao thông khác.
 
Theo ông Nguyễn Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Nghệ An: Việc triển khai lắp đặt TBGSHT đối với các phương tiện, đặc biệt là xe chở khách hợp đồng gặp khó khăn bởi nhiều hạn chế trong khâu quản lý đối với các loại phương tiện này, các thông tin nhà xe cung cấp và đơn vị quản lý chưa thống nhất.
 
Mặt khác, đây là hình thức mới đang trong quá trình hoàn thiện, những bất cập trong lĩnh vực công nghệ thông tin khiến cho việc truyền dữ liệu bị gián đoạn, ảnh hưởng tới công tác quản lý, xử phạt. Bên cạnh đó, có nhiều loại xe chạy hợp đồng đã cũ, giá trị xe thấp, chỉ chạy các tuyến ngắn như: Vinh - Dùng, Vinh - Đô Lương, Vinh - Hoàng Mai… lại phải cạnh tranh với các xe buýt tuyến cố định, ít khách, thu nhập hạn chế nên việc trang bị TBGSHT đạt tiêu chuẩn chất lượng bị nhiều chủ xe, đơn vị “ngó lơ”. 
 
Song, với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của Sở GTVT, công tác triển khai lắp đặt TBGSHT và xử lý đối với các phương tiện vi phạm được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Theo đó, các đơn vị và phương tiện vi phạm theo các mức độ khác nhau sẽ chịu các hình thức xử lý từ thấp đến cao: Nhắc nhở phê bình, thu hồi văn bản chấp thuận khai thác tuyến, thu hồi phù hiệu xe công-ten-nơ và đình chỉ hoạt động theo quy định.
 
Như vậy, phải nhìn nhận rằng: Để TBGSHT phát huy tối đa hiệu quả trong việc giám sát các tài xế cũng như doanh nghiệp vận tải, nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, không chỉ cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng mà còn chính từ ý thức của chủ xe, đơn vị kinh doanh vận tải trong việc đảm bảo an toàn tính mạng của chính bản thân và các hành khách.

Hồng Hạnh - Cao Loan

Các tin khác