Pháp luật
Đề nghị truy tố nếu nhập lậu trên 500 bao thuốc lá
15:17, 01/11/2014 (GMT+7)
Trước tình trạng buôn lậu thuốc lá tràn lan gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng tới sản xuất trong nước và sức khỏe người dân, có ý kiến cho rằng nên truy cứu trách nhiệm hình sự nếu buôn lậu trên 500 bao thay vì 1.500 như trước đây.
Đây là ý kiến của ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty thuốc lá Việt Nam tại buổi tọa đàm “Vì thị trường lành mạnh” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 31/10.
Thất thu hàng nghìn tỷ mỗi năm
Ông Vũ Văn Cường cho biết, nếu như năm 2013, thuốc lá lậu vào Việt Nam là 17 tỷ điếu thì con số này trong năm 2014 dự kiến sẽ tăng 30-40%. Trong năm 2013, chúng ta thất thu 6.500 tỷ thì năm 2014 dự báo sẽ mất tới 8.000 tỷ đồng vì thuốc lá lậu.
Trước đây chủ yếu nhập lậu Jet, Hero với giá khá cao khoảng 15.000-16.000/bao thì hiện nay đã xuất hiện hàng trăm loại thuốc lá với khoảng giá rất phong phú từ 3.000 tới hàng chục nghìn đồng mỗi bao. Nếu như trước đây thuốc lá lậu tập trung chủ yếu ở các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ và TPHCM thì giờ đây đã “phủ sóng toàn quốc”. Ở đâu người ta cũng dễ dàng mua được thuốc lá lậu.
Ngoài những ảnh hưởng về mặt kinh tế, thuốc lá lậu cũng gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới công ăn việc làm của 5 triệu lao động, mất đi sản lượng nguyên liệu 18.000 tấn tương ứng với 10.000 ha trồng cây thuốc lá.
Hơn nữa, theo phân tích của Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá thì thuốc lá lậu tiềm ẩn nhưng nguy cơ về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng do không kiểm soát được chất lượng.
Qua phân tích, hàm lượng Nicotin trong khói của một điếu thuốc lá: Mẫu JET đã vượt ngưỡng cho phép 49,2%; Mẫu HERO đã vượt ngưỡng cho phép 45,7%. Hàm lượng Tar trong khói của một điếu thuốc lá: Mẫu JET đã vượt ngưỡng cho phép 12,2% ; Mẫu HERO đã vượt ngưỡng cho phép 11,8%.
Các vị khách mời tham gia buổi tọa đàm |
Bên cạnh đó, cả hai mẫu Je và Hero đều có hàm lượng CO trong khói nằm ở ngưỡng khá cao so các sản thuốc lá điếu trên thế giới… Nhiều thành phần nghiên cứu khác của hai loại thuốc trên đều có hàm lượng các chất độc hại cao hơn mức thông thường, vượt ngưỡng cho phép của Bộ Y tế Việt Nam.
Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), chỉ rõ những địa phương mà từ đó thuốc lá lậu đang tuồn vào Việt Nam. Ở miền Trung, Quảng Trị là địa bàn nóng nhất về thuốc lá lậu. “Hãy đi dọc dòng sông Sepon nằm giữa Lào và Việt Nam mà xem buôn lậu thuốc lá như thế nào”, ông Tín chia sẻ.
Ở Tây Nam Bộ, thuốc lá lậu tập trung ở Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và TPHCM. Trong khi đó, thuốc lá lậu ở miền Bắc chủ yếu được vận chuyển từ Phúc Kiến qua đường biển về Quảng Ninh, Hải Phòng. Trong số đó, Long An là địa bàn nóng bỏng nhất vì có đường biên giới thuận lợi cho việc tập kết, tiêu thụ để chuyển hàng về TPHCM.
Lợi nhuận cao, tràn lan thuốc lậu
Ông Vũ Văn Cường cho biết từ khi luật phòng chống tác hại thuốc lá được ban hành quy định tất cả thuốc lá sản xuất tại Việt Nam phải in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh thì tình trạng buôn lậu thuốc lá gia tăng rất nhanh. Tốc độ tăng hơn 30-40% so với năm trước về cả số lượng, chủng loại và địa bàn.
Ngoài ra, mức thuế cao khiến Việt Nam trở thành “vùng trũng” để thuốc lá lậu tuồn về. Là mặt hàng gọn nhẹ, dễ vận chuyển, thuốc lá lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là 65%, VAT 10% trong khi thuế nhập khẩu là 135%. Mức thuế này so với nhiều nước ở châu Âu là chưa cao, nhưng có độ chênh rất lớn so với những nước có chung đường biên giới với Việt Nam.
Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá tại Campuchia là 10%, tại Lào 35% và Trung Quốc là 40%. Thuế nhập khẩu tại Campuchia là 7%, tại Lào là 40% trong khi Trung Quốc chỉ áp thuế ở mức 25%.
Với lợi nhuận cao gấp 30 lần so với việc buôn bán thuốc lá sản xuất nội địa, buôn lậu thuốc lá trở thành “quốc nạn”, ông Cường chia sẻ.
Người tiêu dùng có thu nhập thấp cộng với điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế trong thời gian qua dẫn đến tình trạng chuyển sang sử dụng thuốc lá lậu. Ngoài ra, với hơn 3.700 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia, giới buôn lậu lại sử dụng trang thiết bị, phương tiện hiện đại trong khi lực lượng chức năng mỏng, trang bị hạn chế dẫn đến việc kiểm tra, kiểm soát còn khiêm tốn.
Chống buôn lậu nên đi trước việc tăng thuế
Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam Vũ Văn Cường cho biết, các doanh nghiệp trong Hiệp hội hoàn toàn đồng tình, ủng hộ với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Tuy nhiên, ông Cường cũng mong muốn các cơ quan chức năng cân nhắc để làm sao việc tăng thuế có lộ trình, đạt được mục tiêu là bảo vệ sức khỏe người dân và tăng thu ngân sách cho Nhà nước.
Theo ông Cường, mức thuế áp cho mặt hàng thuốc lá của chúng ta cao hơn so với các nước láng giềng dẫn đến Việt Nam trở thành vùng trũng để buôn lậu thuốc lá phát triển. Nếu việc kiểm soát buôn lậu không tốt, thì vô hình trung việc tăng thuế sẽ làm giảm sản lượng thuốc sản xuất trong nước trong khi buôn lậu gia tăng.
Như vậy, tổng tiêu dùng thuốc lá thậm chí còn tăng lên do thuốc lá lậu giá rẻ tràn ngập thị trường. Các mục tiêu tăng thu ngân sách, giảm tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân đều không đạt được.
Truy tố nếu buôn lậu trên 500 bao
Theo ông Vũ Văn Cường, tình trạng buôn lậu thuốc lá hoàn toàn có thể xử lý được tận gốc nếu thực hiện đúng Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cần triển khai đồng bộ cả ở “đầu vào” và “đầu ra”. Cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu tại các cửa khẩu, khu vực biên giới, đường mòn, lối mở.
Ngoài ra cần thanh tra, kiểm tra tại thị trường nội địa, tại các cửa hàng, tủ thuốc lá ở địa phương. Chỉ thị này cũng nêu rõ địa phương nào để xảy ra buôn lậu thì lãnh đạo nơi đó phải chịu trách nhiệm.
Ông Cường cũng kiến nghị trang bị và hỗ trợ thêm cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu. Bởi trong khi những đầu nậu sử dụng tàu có tốc độ gấp 3 lần tàu của cảnh sát biển, dùng ô tô, mô tô phân khối lớn thì lực lượng chức năng chỉ dùng những trang thiết bị lạc hậu, cũ kỹ.
Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết hiệp hội đã tích cực hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc chống buôn lậu bằng việc cung cấp thông tin, hỗ trợ kinh phí. Trong thời gian qua, tổng kinh phí mà hiệp hội hỗ trợ các lực lượng chức năng là 45 tỷ, với mức 1.100 đồng cho mỗi bao thuốc lá lậu bị bắt giữ, tiêu hủy. Hiện nay, hiệp hội đang kiến nghị nâng mức độ hỗ trợ lên 3.500 đồng/bao.
Theo Nghị định 76 quy định sẽ truy cứu hình sự nếu buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trên 1.500 bao thuốc lá. Nhưng các đối tượng buôn lậu thường lách luật bằng cách xé lẻ lô thuốc ra. Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị sửa đổi theo hướng truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi buôn lậu 500 bao thuốc lá trở lên.
Ông Nguyễn Trọng Tín bổ sung, cần kiểm tra chặt chẽ khu vực biên giới bằng việc lập các chốt kiểm soát lưu động và tăng cường sự phối, kết hợp chặt chẽ hơn giữa các ngành.
Nguồn: chinhphu.vn