Pháp luật
ATGT vùng nông thôn, miền núi: Cần hướng tới giải pháp đặc thù
08:12, 30/10/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, diện mạo khu vực nông thôn, miền núi trên toàn tỉnh đã thay đổi rõ nét. Tuy nhiên, các huyện miền núi đang phải đối mặt với thách thức lớn trong công tác đảm bảo ATGT. Nguyên nhân của thực tế này là do các loại phương tiện ôtô, môtô phát triển nhanh chóng, trong khi hạ tầng giao thông yếu kém, địa bàn hiểm trở.
Bên cạnh đó, hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ của đại bộ phận người dân còn thấp, công tác tuyên truyền chưa được triển khai đúng mức, việc xử phạt nghiêm minh đối với những người vi phạm chưa kiên quyết... Vì vậy, hiện nay, tai nạn giao thông ở vùng nông thôn, miền núi xảy ra cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung.
Bài 2: Giải pháp cụ thể, đồng bộ và quyết liệt
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới triển khai tại tỉnh ta mới đi qua giai đoạn đầu trong lộ trình đến năm 2020, nhưng kết quả đạt được trong việc tạo ra bộ mặt nông thôn các miền quê đã hiện ra rõ nét. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, huy động nội lực từ nhân dân trong việc thực hiện 19 tiêu chí, thì giao thông nông thôn được xem là một trong những tiêu chí quan trọng (đứng thứ 2 sau tiêu chí quy hoạch).
Xác định được tầm quan trọng này, những năm qua, hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, cải thiện đáng kể. Hàng trăm km đường liên xã, liên xóm đã được rải nhựa, bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả tỉnh.
Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra những vấn đề cần quan tâm, đó là hàng nghìn tuyến đường liên thôn, xã được xây dựng kéo theo số đường nhánh, các ngõ xuất hiện ngày càng nhiều, tạo thành những vị trí giao nhau đầy nguy hiểm. Bởi các tuyến đường trong khu dân cư thường có vị trí hẹp, tầm nhìn bị che khuất, trong khi các phương tiện tham gia giao thông chạy với tốc độ cao, khi gặp tình huống bất ngờ rất khó xử lý kịp thời.
Các ban, ngành huyện Quế Phong phối hợp tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông |
Mặt khác, phần lớn "điểm đen" giao thông trên các địa bàn đều nằm trên tuyến giao thông nông thôn, mặc dù đã được khảo sát, báo cáo nhưng chậm được xử lý, khắc phục. Bên cạnh đó, dù hạ tầng giao thông nông thôn được cải thiện nhưng phải khẳng định rằng, sự kết nối giữa một số tuyến đường giao thông nông thôn với quốc lộ, tỉnh lộ vẫn chưa có sự đồng bộ, hợp lý, chưa tạo được sự an toàn, thông suốt trên toàn tuyến. Nhiều đoạn đường dốc, địa hình khúc khuỷu, quanh co chỉ cần một chút sơ suất nhỏ, người tham gia giao thông có thể gặp nạn bất cứ lúc nào.
Thời gian qua, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ đảm bảo TTATGT, nhất là vùng nông thôn, ở các địa phương đã có nhiều cách làm hay, mang lại hiệu quả như: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT dưới mọi hình thức; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, từ đó có tác động, làm chuyển biến trong nhận thức của người dân. Đồng thời, lực lượng CSGT Công an ở các huyện đã tham mưu, chỉ đạo mỗi xã thành lập một đội tuần tra, kiểm soát có sự tham gia của lực lượng Công an cơ sở, tạo nên ý thức chấp hành và ngăn ngừa hạn chế TNGT.
Trong số những nguyên nhân được xem là trực tiếp gây ra TNGT thì nguyên nhân do ý thức chấp hành của người tham gia giao thông còn thấp được xem là cơ bản. Vì thế, đảm bảo ATGT nói chung và đẩy lùi, kiềm chế tai nạn, đảm bảo TTATGT trên địa bàn nông thôn, miền núi nói riêng thì giải pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATGT, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng được xem là yếu tố hàng đầu và lâu dài.
Công tác tuyên truyền phải làm sao để người dân chuyển biến từ trong nhận thức, cần thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức, đến tận các xóm, bản vùng sâu và hiệu quả nhất vẫn là người dân tự nhắc nhở lẫn nhau; tranh thủ cán bộ văn hóa xã, già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia tuyên truyền, vận động bà con. Thế nhưng, để thực hiện có hiệu quả công tác này cần có những giải pháp cụ thể, không phải tuyên truyền một cách chung chung mà phải tập trung vào những gì mà người dân nông thôn đang cần và đang thiếu như các kỹ năng điều khiển môtô, xe máy, điểu khiển xe khi đi qua đường, rẽ trái, tránh vượt, dừng xe, đảm bảo tốc độ hợp lý trên từng con đường... Bên cạnh đó, cần nhân rộng và phát huy vai trò mô hình, câu lạc bộ, lực lượng tự quản tại cơ sở về ATGT hoạt động có hiệu quả của các tổ chức đoàn thể, để việc tuyên truyền sát thực, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Ngoài ra, cần chú trọng công tác tổ chức giao thông nông thôn như: Lắp đặt các biển báo, tín hiệu giao thông ở những điểm quan trọng; vận động nhân dân trong xã hội hóa để lắp đèn chiếu sáng, phát quang, giải tỏa những điểm bị che khuất tầm nhìn. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để có quy định tốc độ tối đa trên các tuyến đường nông thôn; quản lý chặt chẽ các loại phương tiện như công nông, máy kéo tự chế... không đủ điều kiện lưu hành.
Theo ông Vi Hải Thành, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn: Vùng nông thôn, miền núi thường tập trung đông đồng bào các dân tộc thiểu số, sống trong khu vực khó khăn về mọi mặt. Học vấn của đồng bào đa số còn thấp, bà con ít giao tiếp, thậm chí nói tiếng Kinh chưa sành sỏi. Do đó, chúng ta không thể áp dụng những hình thức tuyên truyền, đào tạo cấp giấy phép lái xe hay in tờ rơi cùng nội dung như các đối tượng tham gia giao thông khác mà có thể áp dụng các hình thức đào tạo cấp phép lái xe thông qua mô hình; cần biên dịch nội dung tuyên truyền về pháp luật ATGT ra tiếng dân tộc để bà con đọc, dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc mở những lớp đào tạo sơ cứu y tế cho bà con nhằm giảm bớt thiệt hại về người do TNGT gây ra. Bởi qua khảo sát, số người chết do TNGT ở miền núi cao, nhiều trường hợp vì không được cấp cứu kịp thời. Làm được như vậy, xem ra tình hình vi phạm giao thông nói chung và TNGT ở các vùng nông thôn, miền núi mới có điều kiện được "hạ nhiệt".
Xuân Thống