Pháp luật
ATGT vùng nông thôn, miền núi: Cần hướng tới giải pháp đặc thù
07:39, 28/10/2014 (GMT+7)
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, diện mạo khu vực nông thôn, miền núi trên toàn tỉnh đã thay đổi rõ nét. Tuy nhiên, các huyện miền núi đang phải đối mặt với thách thức lớn trong công tác đảm bảo ATGT. Nguyên nhân của thực tế này là do các loại phương tiện ôtô, môtô phát triển nhanh chóng, trong khi hạ tầng giao thông yếu kém, địa bàn hiểm trở.
Bên cạnh đó, hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ của đại bộ phận người dân còn thấp, công tác tuyên truyền chưa được triển khai đúng mức, việc xử phạt nghiêm minh đối với những người vi phạm chưa kiên quyết... Vì vậy, hiện nay, tai nạn giao thông ở vùng nông thôn, miền núi xảy ra cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung.
Bài 1: Hạ tầng bất cập, ý thức hạn chế
Nghệ An là địa phương có mạng lưới giao thông khá đồng bộ, trải dài từ đô thị, đồng bằng đến nông thôn, miền núi với đầy đủ hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, xã. Đường giao thông nông thôn được xác định gồm đường huyện, đường liên xã, đường trục xã, đường liên thôn, đường trong thôn xóm, đường nội đồng và đường hẻm ở các khu dân cư. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là hệ thống đường giao thông nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ và ngày một xuống cấp. Cùng với nguyên nhân do ý thức của người tham gia giao thông, công tác quản lý của ngành chức năng, hạ tầng giao thông bất cập... Tất cả đã tác động đến công tác đảm bảo ATGT của tỉnh, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng cao.
Theo khảo sát, trên địa bàn tỉnh có 23 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài gần 760 km, được mở đến khắp các huyện, thành, thị, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Toàn tỉnh hiện có trên 40 tuyến đường huyện, với tổng chiều dài trên 4.000 km, nhưng mới chỉ có 0,15% đường được bê tông nhựa, còn lại là đường rải đá dăm, bê tông bằng xi măng, đường cấp phối chiếm 57%, số còn lại là đường đất chiếm trên 42%. Hệ thống giao thông do huyện quản lý đang xuống cấp nhanh, chậm được sửa chữa, trong khi ngân sách khó khăn, quản lý địa bàn rộng, diễn biến thời tiết phức tạp, lượng xe quá khổ, quá tải hoạt động nhiều đã gây hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất cao.
Tình trạng họp chợ vi phạm hành lang giao thông còn diễn ra nhiều nơi ở khu vực nông thôn |
Không ít người vẫn nghĩ rằng, tai nạn giao thông dẫn đến thương vong thường chỉ xảy ra trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nên có phần chủ quan khi tham gia giao thông trên các tuyến đường liên xã, xóm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đã có không ít vụ tai nạn xảy ra trên các tuyến giao thông nông thôn, miền núi gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều người dân bản Chiếng, xã Hạnh Dịch - nơi có trục đường liên xã Hạnh Dịch - Mường Đán chạy qua còn nhớ rất rõ vụ tai nạn giao thông dẫn đến cái chết của anh Lữ Văn Xuyên (SN 1992) trú tại bản Phương Tiến 2, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong.
Theo nhiều nhân chứng kể lại, vào hồi 15h20 ngày 26/11/2013, tại Km03 thuộc bản Chiếng, anh Xuyên điều khiển xe môtô BKS 37X5 - 4313 chở sau là Lô Văn Thân (SN 1992) trú tại bản Hữu Văn, xã Châu Kim, huyện Quế Phong theo hướng xã Tiền Phong - Hạnh Dịch đã gây tai nạn với anh Lương Văn Tuyên (SN 1990) trú tại bản Mường Hin, xã Tiền Phong khi điều khiển xe môtô BKS 37X5 - 4923 đi ngược chiều. Hậu quả, làm Xuyên tử vong, anh Thân và anh Tuyên bị thương nặng phải đi cấp cứu, 2 chiếc xe bị hư hỏng.
Trên đây chỉ là một minh chứng cho hàng chục vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên đường giao thông nông thôn toàn tỉnh thời gian gần đây. Theo báo cáo của Đội CSGT Công an huyện Quế Phong, trong 6 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn huyện xảy ra 4 vụ TNGT; lực lượng Công an đã xử lý hành chính 1.300 trường hợp. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn trên địa bàn nông thôn chủ yếu vẫn là do người tham gia giao thông vi phạm các lỗi như: Không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn cao. Đáng chú ý, người tham gia giao thông thường đi không đúng phần đường quy định; không chú ý quan sát; chuyển hướng đột ngột, chạy nhanh, tránh và vượt sai quy định...
Có dịp tham gia giao thông trên nhiều tuyến đường liên xã, xóm ở các làng quê, chúng tôi nhận thấy, hạ tầng giao thông tại các địa phương dù đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa; nhiều tuyến được cải tạo, làm mới, nhất là những năm gần đây, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, tiêu chí giao thông nông thôn được các cấp, ngành, địa phương chú trọng đầu tư. Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường còn thiếu hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm; hệ thống cọc tiêu, rào chắn để hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết lắp đặt rất hạn chế; tình trạng họp chợ, dựng xe, biển quảng cáo... lấn chiếm, vi phạm hành lang giao thông còn diễn ra phổ biến.
Theo đánh giá của Văn phòng Ban ATGT tỉnh: Bên cạnh những nguyên nhân trên, đối với các vùng miền núi, nông thôn, trình độ nhận thức của người dân còn thấp và chủ quan khi tham gia giao thông; khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm. Ngoài ra, các phương tiện tham gia giao thông của người dân không đảm bảo chất lượng, ít được bảo dưỡng, sửa chữa nhưng thường điều khiển phương tiện với tốc độ nhanh, khi gặp tình huống bất ngờ không kịp xử lý, dẫn đến xảy ra TNGT.
Xuân Thống