(Congannghean.vn)-Gần đây, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhiều diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, một số vụ án mang tính chất côn đồ, trong đó thủ phạm và nạn nhân có quan hệ gần gũi với nhau.
Tội ác từ những mâu thuẫn nhỏ
Ở cái tuổi 57, cả cuộc đời chân lấm tay bùn, ông Hoàng Hùng ở xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân không nghĩ có ngày mình phạm vào tội ác khó có thể tha thứ: Tội giết người. Mà nguyên nhân chẳng có gì đáng nói, chỉ vì “rượu vào, lời ra”, xuất phát từ nghi ngờ mất cái bật lửa, ông đã dùng điếu cày đánh vào đầu ông Phan Trọng Luận (SN 1968), người cùng xóm làm ông Luận chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong.
Công an huyện Nghi Xuân lấy lời khai đối tượng giết người |
Phải đối mặt với bản án về tội giết người, đến bây giờ, người nông dân ấy vẫn chưa hết bàng hoàng về tội lỗi do mình gây ra. Trở thành tội phạm “bất đắc dĩ”, khúm núm tại cơ quan điều tra, ông nói với chúng tôi: “Bản thân tôi và người hàng xóm ấy không có mâu thuẫn gì với nhau, chỉ vì chút rượu mà tôi không kiềm chế được hành vi, đã gây ra tội lỗi lớn, bây giờ tôi rất ân hận…”.
Theo số liệu thống kê của cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Xuân, từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 5 vụ giết người, nguyên nhân chủ yếu đều xuất phát từ những mâu thuẫn xã hội. Ngoài vụ án trên, còn phải kể đến những vụ trọng án hy hữu xảy ra như: Trưa 15/10/2014, do mâu thuẫn từ trước nên Võ Minh Giáp (SN 1974) đã dùng dao nhọn đâm chết Hồ Xuân Trường (SN 1977). Cả 2 đều trú tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân.
Cơ quan Công an đã khởi tố Giáp về tội giết người. Trước đó, ngày 3/8/2014, Hoàng Hải Hậu (SN 1981) ở xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã đánh anh Trần Hoài Nam (SN 1975) ở xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân dẫn đến tử vong. Ngày 26/5, do mâu thuẫn trong lúc uống rượu, Phan Mạnh Long (SN 1993) trú tại thôn 12, xã Cổ Đạm đã dùng dao đâm chết anh Trần Văn Điệp (SN 1993), người cùng thôn. Ngày 19/3, Nguyễn Văn Dũng (SN 1989) ở phường Đông Vĩnh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An đã đâm chết anh Nguyễn Minh Nhiên (SN 1971) ở khối phố 4, thị trấn Xuân An.
Tại địa bàn thôn 9, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, người dân vẫn chưa hết bàng hoàng vì kết cục thương tâm của 2 anh em cùng xóm. Chỉ vì tranh chấp đất đai mà Nguyễn Văn Lê (SN 1987) đã dùng kéo đâm chết anh trai của mình là Nguyễn Văn Kỳ (SN 1983). Ở tuổi thanh niên khi tương lai đang rộng mở phía trước, chỉ vì hiếu thắng mà 1 người bị tước bỏ mạng sống, người còn lại phải đối mặt với nỗi ân hận, tội lỗi và phải trả giá đắt do pháp luật trừng trị.
Ngăn chặn tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội
Theo đánh giá của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh, hầu hết những vụ việc nêu trên đều xảy ra trong lúc uống rượu, hoặc khi các đối tượng liên quan đã uống rượu quá chén và không làm chủ được hành vi dẫn đến phạm tội. Các vụ án diễn ra rất nhanh, bất ngờ nên công tác phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, một số vụ việc tuy đã được phát hiện và các bên tự giải quyết, nhưng không mang lại hiệu quả hoặc những người có trách nhiệm hòa giải chưa thấu đáo, dẫn đến hậu quả chết người.
Ngoài ra, tác động của trò chơi trực tuyến (game online) và phim ảnh có yếu tố bạo lực là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tội phạm này. Rất nhiều vụ đối tượng thực hiện hành vi phạm tội giết người do ám ảnh bởi những trò chém giết trên game hay phim bạo lực. Sự bùng nổ công nghệ thông tin là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các thông tin ngoài luồng xuất phát từ mạng xã hội, các trang web, blog cá nhân.
Các thông tin mang tính bạo lực, giật gân liên tục xuất hiện trên các trang báo mạng, các video bạo lực, đặc biệt là những vụ án xâm phạm nhân thân bằng bạo lực được các trang báo mạng khai thác, mô tả chi tiết đã tác động không nhỏ tới tâm lý của đối tượng, gây hoang mang trong dư luận, thậm chí nhiều khi đối tượng còn học được cách hành động từ mô tả chi tiết trên báo.
Bài học đau lòng từ tội phạm giết người từ nguyên nhân xã hội đã đến mức báo động. Để phòng ngừa tội phạm này, mỗi cá nhân phải biết tự “ứng xử cộng đồng” để có thể vận dụng cách xử lý khi gặp các tình huống, nhất là trong lúc bị kích động. Ở môi trường gia đình, cần giáo dục cho người trẻ những bài học yêu thương, biết quan tâm, chăm sóc người khác và ý thức trách nhiệm đối với hành động của mình.
Người lớn cũng cần là tấm gương tốt cho con cháu trong gia đình. Nếu làm điều xấu, điều ác sẽ bị xã hội tẩy trừ, cuộc sống không thừa nhận… thì mọi người sẽ ý thức và sống tốt hơn. Bên cạnh đó, việc phòng ngừa tội phạm rất quan trọng, nhất là công tác tuyên truyền, phát động toàn dân tham gia phòng chống tội phạm tại mỗi cộng đồng dân cư.
.