Dù có khung hình phạt nghiêm khắc từ chung thân đến tử hình, nhưng tội phạm về ma túy vẫn không giảm. Tại sao tội phạm ma túy lại bùng phát như “cơn đại dịch” với mức độ tái phạm hết sức nguy hiểm? Nhiều đường dây buôn bán hàng trăm, hàng ngàn bánh heroin đã bị triệt phá nhưng những chiếc “vòi bạch tuộc” vẫn tái sinh?
Những vụ án chấn động dư luận
Các trùm mua bán ma túy đã sa lưới |
Nếu ở thập niên 90, chuyên án bóc gỡ đường dây của trùm ma túy Vũ Xuân Trường (SN 1960) đã gây rúng động dư luận bởi số lượng “cái chết trắng” mà các đối tượng đã gieo rắc lên tới trên 460kg heroin. Vụ án khép lại với 7 án tử hình đã được thi hành năm 1998, 8 án tù chung thân... Theo chân Trường là Nguyễn Văn Hải (tự Hải Luận, SN 1961, quê Nghệ An), Trần Văn Hợi, Dũng Lừng với đường dây buôn bán gần 1.500 bánh heroin (523kg). Đầu tháng 1-2005, khi Hải Luận “dựa cột”, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an tiếp tục bóc gỡ đường dây mua bán ma túy của Nguyễn Chiến Thắng (tự Thắng Béo, SN 1964, quê Nghệ An). Trong số những trùm ma túy, không thể không nhắc tới cái tên Trịnh Nguyên Thủy (SN 1958, quê Phú Thọ). Y và 30 đồng phạm đã bị truy tố về hành vi mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy với số lượng 250kg heroin, 200kg thuốc phiện...
Theo thời gian, những ông trùm, bà trùm gieo rắc “cái chết trắng” và ma túy tổng hợp như Trần Đức Vũ, Cao Đức Nhân, Nguyễn Thị Thơm, Lương Ngọc Lập, Đậu Xuân Duyên, Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hoàng Thị Hương, Đoàn Mạnh Thùy, Lý Giống Minh... lần lượt sa lưới. Thậm chí, Xiêng Pênh - kẻ liên quan trực tiếp đến đường dây mua bán ma túy của Vũ Xuân Trường sau thời gian thụ án gần 20 năm đã được đặc xá năm 2010 nhưng sau đó tiếp tục lao vào buôn bán “cái chết trắng” và mới đây năm 2012, y đã bị lực lượng phối hợp giữa Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, Cục phòng chống tội phạm ma túy Công an tỉnh Bo Ly Khăm Xay (Lào) bắt giữ với 15kg heroin và hơn 1 tấn cần sa.
Diễn biến trong các vụ đọ súng giữa lực lượng công an, bộ đội biên phòng với các đối tượng vận chuyển, mua bán ma túy càng cho thấy mức độ liều lĩnh của các đối tượng này. Vụ nổ súng trấn áp, vây bắt 25 đối tượng vận chuyển 108kg ma túy có vũ trang tại bản Thung Cuông, xã Vân Hồ, tỉnh Sơn La, tiêu diệt hai đối tượng, bắt giữ ba đối tượng, 108 bánh heroin, 2 súng AK, 1 súng ngắn, một khẩu cacbin, súng săn các loại... cho thấy để đạt được mục đích tuồn “hàng” vào nội địa Việt Nam, bọn tội phạm ma túy không từ một thủ đoạn nào, kể cả dùng hỏa lực.
Tệ nạn ma túy đã và đang trở thành nỗi ám ảnh cho cả nước, cả dân tộc bởi mạng lưới phân phối ma túy xâm nhập đến tận các vùng quê. Tại TPHCM, ma túy có mặt ở khắp nơi, từ công viên đến trường học, nơi vui chơi giải trí khiến người dân luôn cảm thấy bất an mỗi khi ra đường.
Cần tăng nặng hình phạt
Phải chăng pháp luật còn quá nương tay với các tội phạm ma túy? Theo luật gia Nguyễn Thanh Lương - Hội luật gia Q2, TPHCM: “Có lẽ đã đến lúc cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung và tuyên truyền phổ biến rộng rãi Luật phòng chống ma túy, đồng thời tích cực áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, biện pháp điều trị nghiện và quản lý sau cai nghiện...”.
Trên thực tế, cuộc chiến chống lại những kẻ buôn bán ma túy rất khốc liệt nhưng công cụ chính để khiến những kẻ buôn bán, gieo rắc “cái chết trắng” phải sợ thì vẫn chưa đủ sức răn đe. Khoảng cách giữa các khung hình phạt trong các điều luật của Bộ Luật Tố tụng hình sự sửa đổi vẫn quá lớn. Đơn cử như khoản 2, khoản 3 Điều 193 quy định khung hình phạt cho tội sản xuất trái phép chất ma túy từ 7 - 15 năm tù với trọng lượng từ 5gam đến dưới 30gam. Và từ 15 - 20 năm tù cho các đối tượng sản xuất 30 - 300gam. Khoản 4 của điều luật này có quy định cho khung hình phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình... Nhiều cán bộ công an từng trực tiếp đấu tranh với tội phạm ma túy nhận định: khoảng cách giữa các khung hình phạt như trên là quá rộng. Trong khi lợi nhuận mang lại từ việc sản xuất ma túy quá lớn nhưng hình phạt trong các khoản 2, khoản 3 Điều 193 quá thấp nên rất khó để các đối tượng sản xuất chùn tay.
Điều 194 của BLHS quy định về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy cũng quy định khung hình phạt từ 2-7 năm tù cho hành vi trên. Khoản 2, Điều luật này phạt từ 7 - 15 năm tù đối với các đối tượng phạm tội nhiều lần, đối tượng mua bán heroin, cocain có trọng lượng từ 5-30 gam... Thế nhưng hiện nay, tại công an các quận, huyện, TP, trọng lượng, số lượng ma túy bắt được từ các đối tượng rất thấp, thậm chí có chuyên án phải huy động rất đông lực lượng đánh án và nhiều chuyên án ma túy kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm trời nhưng tang vật thu được chỉ vỏn vẹn vài gam ma túy. Do đó, các đối tượng mua bán ma túy lọc lõi có thể dễ dàng thoát các mức án quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của Điều 194. Với chính sách khoan hồng, đặc xá như hiện nay, nhiều đối tượng bị bắt về hành vi này nhưng số lượng ma túy chưa đến mức phải chịu mức án của khoản 4, Điều 194 (khung hình phạt có mức án tử hình) rất bình thản khi bị xét xử vì cho rằng sẽ sớm được ra tù nhờ chính sách đặc xá...
Để cân bằng cán cân giữa hình phạt và lợi nhuận mang lại từ ma túy, nhiều người cho rằng cần rút ngắn khung hình phạt quy định cụ thể trong các điều luật. Chẳng hạn có thể ghép các khoản 1 và 2 Điều 194 và quy định mức hình phạt đối với hành vi này theo mức từ 7 - 15 năm, bãi bỏ mức án từ 2 - 7 năm vì xem ra nó quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, cần nâng khung hình phạt trong khoản 3, Điều 194 lên từ 20 năm đến chung thân. Việc thi hành án cũng cần quy định chặt chẽ lại và cần loại bỏ các đối tượng tội phạm ma túy ra khỏi các đối tượng hưởng chính sách đặc xá; đồng thời quy định duy nhất khung hình phạt tử hình ở khoản 4 của điều luật này.
.