Những trường hợp xả nước thải độc hại ra môi trường ở các khu công nghiệp chỉ thấy dân phát hiện, còn mấy "ổng" chức năng ở đâu? Chỉ khi sự việc "vỡ toang" thì mới thấy các cơ quan chức năng "lững thững" vào cuộc.
"Cực chẳng đã", ngày 1/10, nhân dân đã trực tiếp tổ chức "khai quật" hai đường ống xả thải bí mật từ Khu công nghiệp (KCN) Suối Dầu, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) ra cống N5, nơi xuất phát của dòng nước gây thiệt hại mùa màng, khiến 12ha diện tích trồng lúa của bà con thất thu, bỏ hoang.
Khi "khai quật" lên, người dân phát hiện màu nước trong cống đen ngòm, bốc mùi thối đục. Tại hiện trường, vị Chủ tịch xã nơi xảy ra vụ việc cũng khẳng định luôn là: “Không hề hay biết về hai đường ống này…” và an ủi người dân: "… Chính quyền xã đã cho lấp kín hai đường ống để nước thải không xả thẳng vào kênh N5 nữa…”.
Tinh vi hơn: “Việc xả thải này thường diễn ra vào đêm muộn hoặc sáng sớm. Trước khi trời chuyển mưa, lập tức nước thải đổ về như thác. Nước hôi thối, màu đen kịt khiến người dân nhức mũi, đau đầu, khó thở... Đặc biệt, cứ có đoàn kiểm tra là nước bắt đầu trong trở lại” - một trưởng thôn cho biết.
Hiện trường vụ người dân khai quật hai cống xả thải bí mật tại KCN Suối Dầu, tỉnh Khánh Hòa |
Sự việc công ty Cổ phần Nicotex Thành Thái ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa) chôn lấp hàng nghìn tấn thuốc sâu hết hạn sử dụng vào đất trong khuôn viên sản xuất. Quá trình trên diễn ra suốt một thời gian dài. Người dân nghi ngờ, rất nhiều lần "đội đơn" kêu cứu, nhưng không hiểu sao chỉ nhận lại sự im lặng "đáng sợ" từ cấp có thẩm quyền.
“Tức nước vỡ bờ”, khi khu vực xung quanh nhiều người đổ bệnh hiểm nghèo, hàng chục thanh niên bị chết vì ung thư, người dân đã bao vây phản đối, tố cáo nhà máy này, cùng sự đồng hành của các cơ quan báo chí lên tiếng phản ánh, các cơ quan chức năng đã vào cuộc thì tình trạng trên mới có lời đáp thật kinh hoàng: Đã có hàng nghìn tấn thuốc trừ sâu cùng chất thải nguy hại được chôn vào lòng đất. Công ty này bị dừng hoạt động. Dù công tác khắc phục hậu quả có tốt tới đâu, hiện đại cỡ nào, song với hậu quả nguy hại của hóa chất bảo vệ thực vật, nó sẽ đầu độc đất đai lâu dài và người dân sẽ vẫn còn bị ảnh hưởng bởi kiểu "làm liều" của Công ty Thành Thái.
Điều đáng nói là ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần kiểm tra tại công ty Cổ phần Nicotex Thành Thái, song vẫn không phát hiện việc chôn lấp. Qua kết quả kiểm tra, nhiều chỉ tiêu về nước và đất vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, việc xử lý cũng chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính. Rồi trong quá trình người dân phát giác, Công ty này có biểu hiện tẩu tán phi tang chứng cứ. Và người dân đã đích thân "khai quật" chứng cứ, thậm chí ăn ngủ bên những kho thuốc sâu cùng lực lượng chức năng để bảo vệ hiện trường, chứng cứ.
Qua những sự việc trên cho thấy, có một điểm chung là các vụ việc lại chủ yếu do người dân phát giác, tố cáo. Thậm chí, họ phải khiếu kiện vượt cấp kéo dài nhiều năm. Không hiểu sao các ban, ngành chức năng cũng như chính quyền sở tại lại không thể phát hiện hoặc có phát hiện nhưng chậm trễ?
Lý do dễ hiểu nhất, khi việc xả thải gây ô nhiễm của các nhà máy, KCN tác động xấu tới môi trường xung quanh, thì thông thường, những khu dân cư gần đó luôn là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên, cảm nhận đầu tiên và họ phát hiện ra manh mối vụ việc một cách có cơ sở, bởi bản thân họ cũng đang là các nạn nhân.
Các thùng phuy chứa thuốc sâu hết hạn sử dụng người dân đào được tại Công ty Thanh Thái |
Nhưng đáng trách, hẳn từ sự bàng quan vô trách nhiệm của cơ quan chức năng ở một số địa phương đã không quan tâm đầy đủ những vấn đề mà người dân phản ánh. Những lá đơn kêu cứu không được tiếp thu và xử lý, để vụ việc "nổ toang" ra rồi mới gọi là có động thái.
Tự hỏi rằng: Trong những sự việc này, trách nhiệm của các đơn vị chức năng môi trường ở đâu? Trong khi các vụ việc diễn ra suốt nhiều năm mà không hề hay biết, hay họ "cố tình" không biết? Họ làm việc công, bảo vệ dân, lo cho dân, là công bộc của dân… song tại sao những vụ việc "động trời" như: Chôn thuốc sâu ở Công ty Thành Thái; xả thải ô nhiễm ở KCN Suối Dầu... toàn do người dân phát giác, tố cáo và rồi tự mình đi tìm chứng cứ. Khi dư luận lên tiếng thì các vụ việc mới chính thức bị phơi bày?
Rõ ràng, cơ quan chức năng, chính quyền sở tại chưa làm tròn hết trách nhiệm trong những nhiệm vụ cụ thể được giao về lĩnh vực môi trường. Như một người dân từng thẳng thắn nói: “…Trước đó, chúng tôi cũng thấy mấy bác cán bộ môi trường xuống săm soi, cùng đoàn nọ, đoàn kia, rầm rầm kéo về, rầm rầm kéo đi, nhưng không hiểu sao ô nhiễm thì lù lù ra đó, mà mấy bác với đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ hiện đại mà không thể phát hiện nổi. Chỉ đến khi dân chúng tôi ăn chực nằm chờ, để phục lấy chứng cứ thì sự việc mới được làm rõ”.
Việc vào cuộc của các ngành chức năng liên quan khi việc gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp đã rõ mười mươi để điều tra, xử lý, xử phạt là cần thiết. Nhưng có điều trăn trở và "không bình thường" là: Tại sao những vụ việc động trời như thế toàn thấy dân bằng tai nghe, mắt thấy phát hiện?
.