Những gì được lãnh đạo Bộ Công an trình bày trong các báo cáo tại phiên giải trình “Việc chấp hành pháp luật trong thu thập đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự”, do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 11/9 cho thấy sự nghiêm túc, thận trọng, “thượng tôn pháp luật” của ngành Công an trong mọi khâu của hoạt động điều tra chống tội phạm.
Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang phát biểu tại phiên họp. |
Trong bài phát biểu của mình, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết: Với phương châm nhất quán kiên quyết phòng, chống bức cung, nhục hình và những vi phạm pháp luật khác trong hoạt động điều tra tội phạm; trong những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã chỉ đạo toàn lực lượng Công an nhân dân (CAND) quán triệt thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống tội phạm.
Một loạt văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công an ban hành, như Chỉ thị số 08/2005/CT-BCA-V19, ngày 10/10/2005 về việc khắc phục tình trạng làm oan người vô tội trong các vụ án hình sự và xử lý trách nhiệm đối với cán bộ công an có liên quan; Chỉ thị số 06/2008/CT-BCA-C11, ngày 09/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an về khắc phục sơ hở, thiếu sót, chấn chỉnh sai phạm trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng CAND; Chỉ thị số 12/CT-BCA, ngày 28/9/2011 về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ CAND... là những bằng chứng khẳng định sự nghiêm túc, ý thức trách nhiệm và quyết tâm của ngành Công an nói chung và lãnh đạo ngành nói riêng trong việc tăng cường chấp hành pháp luật, chấn chỉnh sai phạm trong hoạt động nghiệp vụ của mình.
Cơ quan điều tra các cấp luôn chấp hành nghiêm túc những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong việc phát hiện, thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ; tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác điều tra, xử lý tội phạm.
Bộ Công an luôn nghiêm túc xử lý những cán bộ sai phạm
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công an cũng thẳng thắn thừa nhận trong hoạt động nghiệp vụ, Cơ quan điều tra các cấp trong công an nhân dân (CAND) còn một số hạn chế, thiếu sót, để xảy ra một số trường hợp oan, sai, bức cung, nhục hình, gây bức xúc trong dư luận. Lãnh đạo Bộ Công an nghiêm túc nhìn nhận bức cung, nhục hình chỉ là hiện tượng cá biệt nhưng để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với lực lượng CAND cũng như vào chế độ nên cần phải được xem xét, giải quyết triệt để.
Đối với những trường hợp cán bộ, chiến sĩ công an có hành vi vi phạm trong hoạt động điều tra tội phạm, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án và các cơ quan chức năng xem xét, làm rõ và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Báo cáo giải trình của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết trong 3 năm qua, từ 1/1/2011 đến 31/12/2013, đã có 19 cán bộ, chiến sĩ bị tước danh hiệu CAND và bị khởi tố điều tra về hành vi dùng nhục hình. 183 trường hợp khác trong cơ quan cảnh sát điều tra các cấp do có sai phạm và vi phạm về quy trình, quy chế công tác bị xử lý kỷ luật với nhiều hình thức như tước quân tịch, điều chuyển công tác, giáng cấp...
Với tinh thần “thượng tôn pháp luật”, lãnh đạo Bộ Công an đã nghiêm túc xem xét, đánh giá, xác định nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, thiếu sót nêu trên. Tại phiên giải trình, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, các vụ nhục hình xảy ra chủ yếu đối với vụ án hình sự, nguyên nhân do trình độ năng lực, chuyên môn, kinh nghiệm của một số điều tra viên còn yếu, bên cạnh đó là tâm lý nóng vội, xuất phát từ động cơ nôn nóng kết thúc điều tra.
Ngoài ra, trong thực tế đấu tranh với tội phạm, có rất nhiều trường hợp phạm nhân gian ngoan, cố tình khai bị bức cung, nhục hình nhằm trì hoãn, cản trở quá trình tố tụng, gây khó khăn cho công tác đấu tranh với tội phạm. Theo Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn, thực tiễn xét xử các vụ án hình sự trong thời gian qua cho thấy có nhiều trường hợp tại phiên tòa, bị cáo khai trong quá trình điều tra bị đe dọa, đánh, bị ép cung, mớm cung nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh. Hội đồng xét xử cũng đã triệu tập điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng cũng không thu thập được thêm chứng cứ.
Liên quan đến thực tế này, cách đây gần 1 năm, trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 21/11/2013, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh việc dùng bức cung nhục hình trong quá trình điều tra là “không thể chấp nhận được, nhưng nếu có cũng phải được chứng minh”. Chánh án khẳng định “Cán bộ nào vi phạm đều phải xử lý. Nhưng cũng không thể kết luận một cách vội vàng bởi vì còn liên quan đến tinh thần, ý chí tấn công tội phạm. Nếu không khéo thì sẽ làm nhụt ý chí, làm chùn bước những người đang làm nhiệm vụ”.
Thực tế, số vụ án dùng nhục hình không nhiều và đều được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Theo công bố của TAND tối cao, trong 3 năm qua, TAND các cấp đã thụ lý 10 vụ án với 23 bị cáo phạm tội dùng nhục hình.
Thực hiện nhiều biện pháp chống bức cung, nhục hình
Với trách nhiệm là lực lượng chính trong đấu tranh phòng chống các hành vi tội phạm nên ngành Công an luôn chú trọng giữ gìn đội ngũ trong sạch, vững mạnh. Lãnh đạo Bộ Công an đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình điều tra, đặc biệt là hiện tượng bức cung, nhục hình.
Báo cáo của Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ một số nhóm giải pháp chính mà Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã chỉ đạo các cơ quan khác trong lực lượng CAND được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra phải thực hiện tốt. Cụ thể:
Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống tội phạm; các quy định của Bộ Công an về công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm. Tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Thông tư số 28/2014/TT-BCA của Bộ Công an quy định về công tác điều tra hình sự trong CAND.
Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn đối với cán bộ cấp dưới nhằm phát hiện kịp thời, chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm; kiên quyết xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm công tác điều tra vụ án hình sự; xử lý trách nhiệm liên đới của Thủ trưởng Cơ quan điều tra nếu để xảy ra bức cung, nhục hình, làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Chú trọng giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ về tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, ngăn ngừa hiện tượng bức cung, mớm cung, nhục hình trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm.
Không ít chiến sĩ công an đã hy sinh trong đấu tranh với tội phạm để giữ gìn bình yên cho cuộc sống. |
- Tăng cường phối hợp giữa Cơ quan điều tra các cấp trong CAND với Viện KSND và TAND các cấp, Cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, cơ quan giám định và một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc chuyển giao, thu thập, đánh giá chứng cứ, xử lý vụ án hình sự.
Người đứng đầu ngành Công an cũng chủ động đề nghị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tăng cường giám sát hoạt động điều tra tội phạm của lực lượng CAND; Viện KSND tối cao chỉ đạo Viện KSND các cấp tăng cường hoạt động kiểm sát điều tra, kịp thời phát hiện các sai phạm, thiếu sót của điều tra viên, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra để có biện pháp ngăn chặn, khắc phục kịp thời; Ủy ban TWMTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tăng cường hoạt động giám sát, đóng góp ý kiến về những sơ hở, thiếu sót trong hoạt động điều tra tội phạm; Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện để luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo theo quy định của pháp luật…
Ngoài ra, rất nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài đã được Bộ Công an cũng như các đại biểu đề xuất tại phiên giải trình nhằm chống bức cung, nhục hình như lắp đặt camera trong các phòng hỏi cung và trại giam; cho phép bị can, bị cáo và bên thứ ba được quyền ghi âm ghi hình việc hỏi cung; gắn trách nhiệm của giám thị trại tạm giam, thủ trưởng quản lý nhà tạm giữ nếu để xảy ra việc bức cung, nhục hình… Tất cả những đề xuất này đều cho thấy thiện chí, sự nghiêm túc của ngành Công an trong việc bảo đảm sự minh bạch, “thượng tôn pháp luật” khi đấu tranh với tội phạm, bảo đảm đúng người, đúng tội, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của đất nước.
.