Pháp luật

Về quy định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu: Căn cứ để xử lý nghiêm các vi phạm

15:11, 25/08/2014 (GMT+7)
Nhằm răn đe, xử lý kịp thời vi phạm liên quan đến lỗi sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, mới đây, Bộ Công an và Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, quy định rõ các trường hợp phải xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, tạo cơ sở để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vi phạm. 
 
Phớt lờ quy định cấm
 
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định rõ việc nghiêm cấm người điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; nghiêm cấm điều khiển xe môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở. Thế nhưng, dường như phớt lờ các quy định cấm thời gian qua, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn sử dụng rượu, bia vượt ngưỡng cho phép khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nguy cơ va chạm, tai nạn giao thông (TNGT) theo đó luôn tiềm ẩn.
 
Thượng úy Lê Văn Tiến, Đội phó Đội CSGT số 4, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội) tỏ ra lo ngại trước thực trạng nhiều người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm lỗi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Theo Thượng úy Lê Văn Tiến, không ít người còn mang suy nghĩ đáng lên án khi cho rằng: uống vài cốc bia, vài ly rượu không bị vi phạm, không gây ra tai nạn… Thực tế này kéo theo hình ảnh tại nhiều quán nhậu nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua luôn đông thực khách lui tới.
 
Xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng rượu - bia quá mức quy định, điều khiển phương tiện tham gia giao thông để tạo sức răn đe, kiềm chế TNGT - Ảnh minh họa
Xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng rượu - bia quá mức quy định, điều khiển phương tiện tham gia giao thông để tạo sức răn đe, kiềm chế TNGT - Ảnh minh họa
 
Trưa 23/8, tìm đến quán bia T.H nằm trên đường Cầu Giấy (Hà Nội), đập vào mắt chúng tôi là hàng chục bàn nhậu đã đông kín thực khách. Tiếng “1, 2, 3 dzô… 2, 3 dzô” cứ thế nối nhau vang lên. Kèm với đó là hình ảnh dân nhậu thỏa sức nâng ly. Người nào người nấy, mặt đều ửng đỏ. Đáng bàn hơn, sau cuộc nhậu, nhiều thực khách tuy chân đã “liêu xiêu”, nhưng vẫn chủ quan, điều khiển phương tiện ra về. Chứng kiến cảnh này, chúng tôi thấy lo ngại trước nguy cơ va chạm, TNGT luôn tiềm ẩn đi kèm.
 
Liên quan đến vấn đề trên, Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng đã quy định: Người điều khiển xe ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, tạm giữ phương tiện đến 7 ngày….; còn người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng, tạm giữ phương tiện đến 7 ngày...
 
Tạo cơ sở pháp lý, không để lọt vi phạm
 
Nhằm đẩy lùi vi phạm, kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, cũng như tạo cơ sở để xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, mới đây, Bộ Công an và Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực kể từ ngày 19/9/2014.
 
 
Theo đó, quy định rõ: người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây tai nạn hoặc bị TNGT; người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có liên quan đến vụ TNGT; người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có dấu hiệu sử dụng chất có cồn… được cán bộ Công an làm nhiệm vụ yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu thì phải làm xét nghiệm nồng độ cồn trong máu. Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị tai nạn giao thông được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu cũng phải làm các xét nghiệm tương tự.
 
Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật lệ và điều tra, xử lý tai nạn giao thông đường bộ - đường sắt (Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ Công an) cho biết, rượu, bia là một trong những chất kích thích khiến cơ thể con người ta sau khi sử dụng rất dễ rơi vào trạng thái mất kiểm soát cử chỉ, hành vi. Phản xạ theo đó khó kiểm soát, nhất là trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Và rồi, chỉ cần một chút bất cẩn, không xử lý kịp tình huống, va chạm, TNGT xảy ra là điều khó tránh khỏi. Trên thực tế đã có nhiều vụ TNGT đau lòng xảy ra nguyên nhân bắt nguồn từ lỗi chủ quan của chủ phương tiện khi sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn đường v.v... Cũng theo Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện, Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA đã quy định khá cụ thể các trường hợp phải làm thủ tục xét nghiệm nồng độ cồn trong máu. Qua đó tạo cơ sở pháp lý để lực lượng chức năng căn cứ để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xử lý đúng người, đúng tội. Lẽ bởi, quy định của pháp luật hiện nay cũng đã quy định chế tài xử lý cụ thể cho từng trường hợp vi phạm về lỗi sử dụng rượu, bia.
 
Thiết nghĩ, để tránh gánh hậu họa, cũng như bị lực lượng chức năng phát hiện xử lý, ngay từ bây giờ, bản thân mỗi người dân đang bị “ma men” lôi cuốn cần nhận thức rõ hệ lụy khôn lường đi kèm. Đồng thời hiểu rõ hơn ý nghĩa câu nói: “đã uống rượu, bia là không điều khiển phương tiện giao thông”, tránh xảy ra hậu họa mới lo khắc phục.

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác