Pháp luật

Cảnh giác không để tài sản là miếng mồi của tội phạm

15:00, 25/08/2014 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Nếu như các băng nhóm cướp giật trên đường phố thường chọn con mồi là phụ nữ thì băng nhóm dàn cảnh trộm tài sản hầu hết nạn nhân là đàn ông. Lý do hết sức đơn giản là vì đàn ông thường hay bỏ tiền, ví da vào túi quần khi lưu thông trên đường. Mà chuyện móc túi đối với bọn tội phạm thì dễ như trở bàn tay. Nhiều người khi bị mất số tiền lớn đã tự trách mình, giá như bỏ tiền vào cốp xe thì đã không gặp họa.

Đã có nhiều bài học như vậy nhưng hiện tại, khi đi trên đường, chúng tôi vẫn thường hay thấy nhiều người đàn ông bỏ cả cọc tiền dày cộm trong túi quần. Vì nhiều “con mồi” như vậy nên tội phạm dàn cảnh móc túi đã bùng phát trở lại trong thời gian gần đây.

“Dàn cảnh móc túi dễ ăn hơn cướp giật”

Đó là “bật mí” của những kẻ trộm bị sa lưới. Bởi lẽ, khi cướp giật điện thoại, dây chuyền… thì trị giá chẳng được bao nhiêu mà còn dễ bị truy bắt, trong khi dàn cảnh thường thu về số lượng tiền không hề nhỏ trong một phi vụ mà mức độ “an toàn” lại cao. Theo hồ sơ của cơ quan Công an, băng tội phạm do Nguyễn Đặng Quốc (35 tuổi, quê quán Bình Phước) cầm đầu đang giữ “kỷ lục” về giá trị tài sản trộm được với hơn 1 tỷ đồng chỉ trong gần 20 lần dàn cảnh móc túi. Các nạn nhân của băng nhóm này đều là thanh niên và bỏ tiền trong túi quần. Có vụ Quốc và đồng bọn trộm được đến 10.000USD của một thanh niên đi xe SH tại vòng xoay cầu Sài Gòn. Khi bị bắt giữ, Quốc khai, hằng ngày y và đồng bọn chỉ cần chạy xe chầm chậm trên đường để quan sát túi quần của con mồi. Khi xác định được đối tượng thì ra hiệu để gây án vì sự phân công đã có từ trước.

“Khi mang theo số tiền lớn thì các nạn nhân thường bỏ ở túi quần 2 bên. Nếu họ bỏ tiền bên trái thì bọn tôi sẽ va quệt bên phải để họ mất cảnh giác và ngược lại. Còn đối với những người mặc quần jean, bỏ ví da, tiền vào túi quần sau thì bọn tôi chọn giải pháp cúp đầu xe. Khi đó nạn nhân sẽ thắng gấp và nhổm người lên thì rất dễ móc túi” - Quốc thuật lại quá trình gây án. Sự điêu luyện của bọn trộm đến nỗi nhiều nạn nhân còn không hay biết mình đã bị trộm tài sản. Như trường hợp anh N.H.L. (ngụ Hóc Môn) đi xe gắn máy đến ngã tư Bình Thái, quận 9 thì bị dàn cảnh móc túi. Chạy xe đi được một quãng, anh L. kiểm tra túi quần thì phát hiện 21 triệu đồng đã “không cánh mà bay”.

123
Một băng dàn cảnh móc túi bị bắt giữ.

Còn về địa điểm gây án, tất cả đều diễn ra tại giao lộ nơi có đèn tín hiệu giao thông. Thời điểm “vàng” mà bọn tội phạm ra tay là khi vừa hiện lên đèn vàng. Trong vài giây đó chúng ra tay rất nhanh rồi vượt luôn đèn đỏ nên nếu có người đuổi theo thì cũng khó thực hiện. Đó là chưa kể nhóm cản địa đã “bày binh bố trận” nên nạn nhân chỉ có thể đứng nhìn. Gần đây nhất, ngày 14/8/2014, một người đàn ông bị dàn cảnh móc túi tại giao lộ Tôn Đản - Nguyễn Tất Thành (quận 4). Dù đã phát hiện bị móc túi nhưng người đàn ông này cũng đành bất lực nhìn bọn trộm ung dung tẩu thoát, còn người đi đường cũng chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra. Bên cạnh dàn cảnh tại các giao lộ, tội phạm dạng này còn dàn cảnh cả với người đi bộ những nạn nhân mà chúng nhắm đến là người nước ngoài.

Để thoát khỏi sự truy đuổi bọn này thường chọn gây án ở các đường 1 chiều. Khi đó, chúng chạy xe ngược chiều trên lề đường rồi giả vờ va chạm với người đi bộ để móc túi. Sau đó chúng chạy ngược chiều để tẩu thoát nên hầu như chẳng ai bám theo.

Chính vì vậy mà hai băng nhóm dạng này do Nguyễn Thị Tuyết Mai (Mai “khủng”, 49 tuổi; ngụ đường Tôn Đản, phường 13, quận 4) và Tăng Thị Thùy Trang (37 tuổi, quê quán Xuân Lộc, Đồng Nai) cầm đầu đã gây ra hàng trăm vụ mới bị bắt giữ. Điều này cho thấy để triệt phá một băng dàn cảnh trộm tài sản là rất khó khăn, đòi hỏi cơ quan Công an phải bỏ thời gian công sức hằng tháng trời để đeo bám. Thế nên mỗi năm, Đội Cảnh sát phòng chống trộm cắp và lừa đảo (Đội 4, PC45, Công an TP Hồ Chí Minh) cũng chỉ có thể xóa sổ vài băng nhóm dạng này. Trong khi đó, theo đánh giá của Công an TP Hồ Chí Minh thì hiện tại, các băng nhóm chưa sa lưới là một con số không nhỏ đang hằng ngày “ăn hàng” trên các tuyến đường.

Tiềm ẩn nguy cơ gây án cao

Như chúng tôi đã đề cập ở phần đầu bài viết thì một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm dàn cảnh gia tăng là xuất phát từ sự thiếu cảnh giác của nạn nhân để tự mình rước họa vào thân. Song, bên cạnh đó còn một nguyên nhân chính nữa là nhiều kẻ chủ mưu, cầm đầu thuộc dạng “lão luyện” chưa bị bắt giữ như Hương “già”, Lan, Huệ… Theo hồ sơ của các trinh sát thì trong số này Lan là đối tượng “cao thủ” nhất. Thị từng cầm đầu nhiều băng nhóm dàn cảnh đụng xe bị sa lưới nhưng lần nào thị cũng thoát thân.

Và sau mỗi lần như vậy, Lan tiếp tục tập hợp các đối tượng thuộc thành phần bất hảo từng vào tù ra khám để thành lập băng nhóm mới. Lan gian manh ở chỗ là thị rất ít khi có mặt tham gia cùng nhóm lúc bàn tán và chia tiền mà chỉ chỉ đạo qua điện thoại và không bao giờ cho đàn em biết lai lịch và nơi ở của mình. Nếu có đi gây án thì Lan cũng chỉ là kẻ dẫn đường, xác định con mồi và chỉ đạo đàn em gây án còn thị ở cách hiện trường khoảng vài trăm mét. Nếu có trục trặc gì là thị “cao chạy xa bay” bỏ mặc đàn em bị bắt. Song, sở dĩ những đối tượng đàn em nghe theo lời Lan vì trước đó Lan chấp nhận bỏ ra ít tiền để cưu mang đàn em khi chúng mới ra tù và hướng dẫn chúng phương thức gây án. Từ “ơn nghĩa” đó nên dù không đi gây án nhưng Lan cũng được chia phần tiền gấp đôi các thành viên còn lại. Một số tên “trùm” khác cũng chọn phương thức như Lan nên đây là sự nhân rộng đáng sợ, tiềm ẩn nguy cơ gây án cao.

Để đẩy lùi tội phạm dàn cảnh trộm tài sản nói riêng và tội phạm xâm phạm sở hữu nói chung trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, cách đây hai năm, Công an TP Hồ Chí Minh đã xây dựng nhiều kế hoạch về tăng cường phòng, chống tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản trên đường phố và nơi công cộng. Qua đó, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Phòng PC45, Công an TP Hồ Chí Minh như Đội 4, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm và Công an các quận, huyện đã rất nỗ lực đấu tranh và mang nhiều kết quả khả quan, góp phần ổn định trật tự trên địa bàn.

Hiện tại, các đơn vị này tiếp tục tăng cường đấu tranh và quyết tâm bắt giữ các đối tượng cầm đầu, chủ mưu để ngăn chặn từ gốc nhằm hạn chế các băng nhóm mới hình thành. Song, cơ quan Công an cũng rất cần sự góp sức của người dân trong việc nâng cao tinh thần cảnh giác vì đây là biện pháp hiệu quả nhất. “Những người làm án như chúng tôi chỉ mong người đi đường ghi nhớ điều này: Khi mang theo số tiền lớn thì người đi đường chỉ cần bỏ tiền vào cốp xe là đã vô hiệu hóa được tội phạm dàn cảnh móc túi” - một cán bộ Đội 4, PC45 khuyến cáo

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác