An toàn giao thông
An toàn giao thông đường thủy trên các công trình thủy điện
Đánh cược với tính mạng
12:57, 24/08/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, trong điều kiện môi trường đầu tư thuận lợi, thủy điện được xem là hướng phát triển mới của ngành công nghiệp không khói cho nhiều địa phương. Cũng như các tỉnh miền Trung, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thực hiện chủ trương mở rộng thu hút đầu tư, các nhà đầu tư đã đến lựa chọn, khảo sát xây dựng nhiều nhà máy thủy điện trên dọc các dòng sông lớn như sông Hiếu, sông Chu (Quế Phong, Quỳ Châu); sông Nậm Mộ, sông Cả (Kỳ Sơn, Tương Dương)... Thực tế cho thấy, nhiều công trình thủy điện khi đưa vào khai thác đã mang lại lợi ích cho nhà đầu tư cũng như nguồn đóng góp ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của các dự án thủy điện cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là công tác đảm bảo an toàn giao thông trên các công trình thủy điện.
Ẩn họa thuyền "3 không"
Tận dụng lợi thế khi dòng sông Chu tích nước cho Thủy điện Hủa Na, người dân ở khắp nơi từ các huyện Quỳ Châu, Quế Phong và cả miền xuôi lên đây khai thác nứa, lùng. Là nguồn nguyên liệu sẵn có trong các rừng già của Quế Phong nên sau khi có chủ trương khai thác để tận dụng tài nguyên rừng, họ kéo về khai thác, bán lại cho các "đầu nậu". Vì mưu sinh và nguồn thu nhập lớn hơn so với làm nương rẫy đã khiến họ "nhắm mắt làm liều", bất chấp các quy định về điều khiển, phương tiện khi hàng ngày sống trên sông nước của lòng hồ làm nghề vận chuyển khách qua sông và nứa, lùng, thậm chí cả gỗ mới khai thác. Lấy lý do người dân xã Đồng Văn sau khi tái định cư về nơi ở mới không đủ đất sản xuất, chăn nuôi nên trở lại các vùng núi thấp và xung quanh khu vực lòng hồ để mở trang trại chăn nuôi, làm nương rẫy. Mỗi buổi sáng vào "thăm lán", hoặc có khi dăm ba hôm kiểm tra trang trại một lần, người dân đủ nam, nữ, già, trẻ đều "chòng chành" trên các chiếc thuyền tự đóng, không có chứng chỉ hành nghề và đảm bảo về quy định áo phao khi tham gia giao thông.
Người dân khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) điều khiển các phương tiện chưa đảm bảo quy định |
Theo chân cán bộ Đồn Công an Bản Vẽ, chúng tôi ngược lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ đóng tại xã Yên Na, huyện Tương Dương. Từ trung tâm ngã ba Cửa Rào, qua nhiều dốc núi cao chót vót, bên núi bên vực, chúng tôi có mặt tại thượng nguồn lòng hồ Thủy điện ở Yên Na. Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là cảnh trên bến, dưới thuyền khá nhộn nhịp không khác gì chợ nổi vùng sông nước. Chúng tôi thật sự ái ngại và lo lắng vì những người tìm kế mưu sinh hàng ngày chở khách và phương tiện lại bất chấp các quy định về an toàn giao thông.
Theo chân cán bộ Cảnh sát giao thông Công an huyện Tương Dương đến kiểm tra hoạt động vận tải trên sông của thuyền ông Vi Văn Quỳnh (SN 1969) trú tại xã Mai Sơn, huyện Tương Dương khi đang chở khách qua sông. Phương tiện mang số hiệu đăng kiểm V37 - 01306.CN - Bản Vẽ 108, có công suất 18CV, ngoài chủ phương tiện, trên thuyền còn có 7 người, vượt quá số lượng so với quy định. Tất cả hành khách không ai mang áo phao mặc dù đã được trang bị và treo đều 2 bên mạn thuyền. Chủ phương tiện trình bày: "Mặc dù được cấp áo phao khi tham gia vận chuyển khách, nhưng vì thói quen nghề sông nước đã lâu nên không sử dụng đến”. Biết là sai quy định nhưng khi được hỏi, ông hồn nhiên trả lời rằng, mang áo vào không thoải mái và cũng không cần thiết.
Qua đánh giá của Thanh tra Sở GTVT Nghệ An: Hầu hết các thuyền khi tham gia giao thông trên các lòng hồ, nhất là ở Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) và Hủa Na (Quế Phong) đều là những thuyền "3 không”, vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATGT đường thuỷ nội địa như: Không tuân thủ quy định, thủ tục đăng kiểm, không đăng ký biển kiểm soát, không có giấy phép điều khiển phương tiện. Các phương tiện thuyền, bè, đò ngang, đò dọc và các nhà nổi mà người dân tự mua thuyền rồi chở khách lén lút cũng là một trong những bất cập khiến cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa, nhất là việc nắm bắt thông tin, hỗ trợ của các lực lượng chức năng gặp khó khăn khi sự cố xảy ra.
Tăng cường quản lý đối với hoạt động ở các bến đò
Đại úy Nguyễn Anh Cường, Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an huyện Tương Dương cho biết: Khi lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ tích nước, hòa lưới điện Quốc gia, nhiều người dân trên địa bàn huyện Tương Dương và vùng phụ cận tự đóng thuyền để đánh bắt thủy sản, vận chuyển hàng hóa, làm phương tiện đi lại. Tuy nhiên, nhiều chủ thuyền chưa có chứng chỉ và bằng lái, thuyền chưa được đăng ký, đăng kiểm. Tình trạng chở quá tải, không có thiết bị cứu sinh, cứu đắm vẫn còn phổ biến, trong khi đó, việc quy hoạch bến đỗ, phân luồng, hệ thống phao tiêu, biển báo chưa có. Tuyến đường thủy nội địa khu vực lòng hồ có chiều dài gần 74 km, với mực nước khá ổn định theo mùa, giao động từ 120 m - 165 m nhưng lòng sông sâu nên có nhiều nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng.
Lực lượng CSGT Công an huyện Tương Dương lập biên bản xử phạt một chủ thuyền vi phạm Luật Giao thông đường thủy trên vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ |
Theo thống kê, trên khu vực lòng hồ Bản Vẽ có trên 16 chiếc thuyền có công suất được quy định quản lý, còn lại là hàng chục loại thuyền dân sinh chủ yếu thuyền ba lá, thuyền đuôi tôm, thuyền đánh bắt thủy sản, lưu chuyển hàng hóa và làm phương tiện đi lại. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho tuyến giao thông đường thủy ở đây chưa đáp ứng kịp thời; đối tượng tham gia giao thông chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế, chưa nắm rõ quy định nên còn chủ quan, dẫn đến vi phạm quy tắc tham gia giao thông. Tình trạng người điều khiển thiếu chứng chỉ chuyên môn, giấy phép, chở quá tải, không có thiết bị cứu sinh, cứu đắm vẫn còn phổ biến. Trong khi đó, trên tuyến thuỷ nội địa chưa được trang bị, lắp đặt hệ thống biển báo luồng lạch, biển báo nguy hiểm, phao cảnh báo. Mặc dù lực lượng chức năng đã nhắc nhở, tuyên truyền và yêu cầu các chủ thuyền chấp hành Luật Giao thông đường thủy, nhưng nhiều chủ phương tiện vẫn chưa tuân thủ theo quy định. Chính vì vậy, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy là rất cao.
Ông Trần Văn Thành, Phó Đội trưởng Đội TTGT số 2 (Sở GTVT), thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành năm 2014 của UBND tỉnh cho rằng: "Để nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông đường thủy, thời gian tới, cùng với công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy cho người dân, các cơ quan chức năng cần tổ chức siết chặt việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép, chứng chỉ vận hành phương tiện cho các chủ thuyền. Đồng thời thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng không chấp hành Luật Giao thông đường thủy, từng bước đưa hoạt động giao thông đường thủy nội địa ở khu vực các lòng hồ thủy điện nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung đi vào nề nếp, hạn chế những rủi ro đối với tai nạn giao thông, để hiểm họa đò ngang, đò dọc không còn là nỗi lo thường trực của những người dân sống quanh khu vực lòng hồ".
Xuân Thống