Pháp luật

Hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Thực trạng và một số giải pháp trong phòng ngừa, đấu tranh

14:09, 12/08/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức không những ảnh hưởng đến tình hình ANTT mà còn liên quan đến đời sống dân sinh. Đã không ít người khuynh gia bại sản vì “dính” văn bằng, chứng chỉ, bìa đỏ giả của bọn lừa đảo. Mặc dù hành vi phạm tội trên đã bị phát hiện, xử lý nghiêm minh trước pháp luật, nhưng bọn tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức vẫn đang lén lút hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau.   
 
 
Thời gian qua, trên địa bàn Nghệ An xảy ra một số vụ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Mặc dù hành vi phạm tội trên đã được bắt giữ, xử lý nghiêm minh trước pháp luật, nhưng việc làm giả con dấu, tài liệu vẫn đang là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận. Điều đáng nói, với công nghệ hết sức tinh vi, việc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức của tội phạm hiện nay không chỉ “nhắm” đến chứng minh nhân dân, đăng ký ôtô, xe máy, mà cả những loại giấy tờ quan trọng liên quan đến ngành nghề kinh tế, xã hội như văn bằng, chứng chỉ đại học, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thậm chí là các giấy tờ như giấy khai sinh, quyết định, thông báo của các cơ quan chức năng từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước cũng được làm giả.
Các bìa đỏ giả của Đặng Nam Hải
Các bìa đỏ giả của Đặng Nam Hải
Từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nghệ An giám định gần 100 mẫu giấy tờ giả. Từ đăng ký xe máy, ôtô, chứng minh nhân dân đến bằng đại học, “sổ đỏ”, quyết định của các cơ quan có thẩm quyền, hay các loại giấy tờ liên quan đến việc giao dịch ngân hàng. Với “công nghệ” thủ đoạn của đối tượng làm giấy tờ giả ngày càng tinh xảo. Nếu như trước kia, nhiều loại giấy tờ giả được “sản xuất” bằng in lưới thủ công, thì ngày nay được “chế” trên máy tính với các phần mềm hiện đại. Có giấy tờ giả được “chế” từ phôi thật, sau đó tẩy xóa, chỉnh sửa nội dung. Song nhiều loại giấy tờ được đối tượng “chế” mới 100%. Độ tinh vi của giấy tờ giả đến mức ngay cả những người vốn giao dịch thường xuyên với các loại giấy tờ đó cũng bị mắc lừa. 
 
Điều đáng nói là cũng từ việc làm giả các văn bằng, chứng chỉ đại học, một số cán bộ công chức đã sử dụng nó để qua mặt cơ quan, đơn vị sắp xếp cho mình một vị trí có uy thế, thậm chí tăng lương, tiến chức. Nhưng cũng có cán bộ công chức Nhà nước lại làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức để lừa đảo thiên hạ. Đến Phó ban Quản lý rừng ở huyện Tân Kỳ cũng làm giả hồ sơ, bán đất rừng phòng hộ cho những người có nhu cầu để lừa đảo. Với trình độ học vấn cao, là kỹ sư lâm nghiệp, trình độ lý luận chính trị cao cấp, từ năm 2009 đến đầu năm 2013, lợi dụng chức vụ của mình, Nguyễn Quốc Tuấn, Phó ban Quản lý rừng ở huyện Tân Kỳ đã làm giả hồ sơ hàng trăm ha đất rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ quản lý mang tên Tuấn để lừa bán cho 3 người, chiếm đoạt hơn 1,6 tỉ đồng.
Một số đối tượng sử dụng giấy tờ, con dấu giả  để hoạt động phạm tội
Một số đối tượng sử dụng giấy tờ, con dấu giả để hoạt động phạm tội
Quá trình khám xét nhà ở của Tuấn  tại khối 9, thị trấn Tân Kỳ và phòng làm việc, lực lượng Công an phát hiện, thu giữ hàng chục giấy tờ chuyển nhượng với nhiều tên tuổi khác nhau, nhiều bìa đất phôtô, các giấy tờ liên quan khác và đặc biệt là hàng tập giấy A4, giấy kẻ trắng tinh có đóng dấu đỏ giả của Lâm trường Tân Kỳ, Ban QLRPH Tân Kỳ. Hoặc Lê Văn Dung trú tại Nghi Ân, TP Vinh, do thua lỗ trong kinh doanh của công ty, đã cùng vợ nghĩ cách làm giả bằng đại học, “bìa đỏ” và các loại giấy tờ xe ôtô đem thế chấp lừa đảo thiên hạ hàng tỉ đồng.   
 
Đáng buồn hơn là vụ Đặng Nam Hải, cán bộ Ngân hàng Eximbank - Vinh cũng làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức để “rút ruột” tiền bạc tại ngân hàng mình với số tiền hơn chục tỉ đồng. Trong khi Đặng Nam Hải là Phó phòng Khách hàng cá nhân Eximbank - Vinh, nhưng đã kết thân với Nguyễn Chu Ngọc (35 tuổi) trú tại TP Hà Tĩnh (khách hàng đến vay vốn), tìm đến một cơ sở chuyên lén lút in ấn giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại TP Hồ Chí Minh để cho “ra đời” các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, làm thủ tục thế chấp vay vốn. Bằng thủ doạn này, Hải và Ngọc đã chiếm đoạt với tổng số tiền gần 30 tỉ đồng. 
 
Trong lúc lực lượng chức năng đang nghiên cứu các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh hữu hiệu với các hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức thì trước tiên, mỗi khi giao dịch liên quan đến các loại giấy tờ như văn bằng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chúng ta hãy hết sức cảnh giác, thận trọng trước khi đưa ra quyết định, nhất là trong việc thế chấp tài sản có giá trị lớn như ôtô, nhà cửa, mua bán bất động sản. Thiết nghĩ, cùng với sự nâng cao ý thức của người dân, một yêu cầu cần đặt ra đối với cơ quan chức năng đó là ngoài việc đấu tranh, phanh phui, xử lý nghiêm những đối tượng, đường dây làm giả giấy tờ, con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức cần phải “nhổ” tận gốc các “lò” chuyên làm giả các văn bằng, chứng chỉ. Bởi đây là loại tội phạm không những làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT mà còn liên quan đến đời sống dân sinh của người dân lương thiện.

Hữu Trọng

Các tin khác