Pháp luật

Khởi tố giám đốc buôn lậu thiết bị y tế

15:37, 10/08/2014 (GMT+7)
Cơ quan điều tra vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, khám xét và lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Hồng Anh, Giám đốc Công ty A.N.N.A. về tội “buôn lậu”. Công ty này chuyên nhập thiết bị đã qua sử dụng sau đó, tuồn vào bệnh viện.
 
Báo Công an nhân dân điện tử cho biết, cơ quan điều tra vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, khám xét và lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Hồng Anh, 41 tuổi, trú tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Giám đốc Công ty A.N.N.A. (địa chỉ tại phố Vũ Thạnh, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) về tội “buôn lậu”, quy định tại điều 153 BLHS, bắt giam bị can Phạm Hồng Anh để phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án, làm rõ đồng phạm liên quan.
 
Bài báo cho biết, trong thời gian từ năm 2007-2012, thời kỳ Phạm Hồng Anh và Phạm Hữu Ái làm Giám đốc và Phó Giám đốc, Công ty A.N.N.A đã nhập khẩu 46 máy phân tích sinh hóa Hitachi tại Chi cục Hải quan Gia Lâm và Chi cục Hải quan Nội Bài.
 
Tiếp đó, trong thời gian từ tháng 6-12/2013, Công ty A.N.N.A. đã nhập khẩu 7 máy phân tích sinh hóa, trong đó có 2 máy nhập ủy thác cho văn phòng đại diện Medigroup Asia Ltd tại Hà Nội và 5 máy nhập ủy thác cho Công ty Mỹ Giao. Khi Công ty A.N.N.A. nhập khẩu chiếc máy thứ 7 thì bị Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện và bắt giữ.
 
Được biết, để tiêu thụ hóa chất phục vụ việc xét nghiệm tại một số cơ sở khám chữa bệnh, Công ty A.N.N.A. đã nhập khẩu những chiếc máy chủ yếu của Fameco (Pháp) đã qua sử dụng vào Việt Nam. Sau đó, công ty này thông qua các công ty khác tại TPHCM tìm cách "tuồn" những thiết bị trên vào các cơ sở khám, chữa bệnh dưới hình thức hợp đồng mượn máy dài hạn–mua hoá chất.
 
Điều kiện ràng buộc là các cơ sở y tế khám chữa bệnh mà công ty cho mượn máy không phải bỏ tiền đầu tư nhưng phải mua hoá chất của các công ty nhập khẩu được chỉ định. Một máy mỗi tháng phải tiêu thụ từ 2.000 đến 3.000 USD hóa chất.
 
Điều đáng lưu ý là các công ty được chỉ định này lại phải thông qua hệ thống công ty liên quan đến công ty của Phạm Hồng Anh để ủy thác nhập khẩu hóa chất y tế vào Việt Nam do Công ty Medigroup độc quyền phân phối. Như vậy, một số văn phòng đại diện, các công ty nhập lậu máy phân tích sinh hóa đã qua sử dụng vào Việt Nam với mục đích tiêu thụ hóa chất phục vụ việc xét nghiệm.
 
Lợi nhuận và hậu quả là ở việc mua bán hóa chất, bất chấp các máy móc đã qua sử dụng, có thể cho kết quả không chính xác, ảnh hưởng không nhỏ đến việc chẩn đoán nhầm, nghiêm trọng hơn nữa là ảnh hưởng đến sinh mạng của nhân dân. Tạm tính, mỗi năm một máy sinh hóa này thiêu thụ khoảng 36.000 USD tiền hóa chất. Nếu tính hàng chục máy nêu trên thì số hóa chất tiêu thụ không phải là nhỏ, có thể lên đến hàng chục tỉ đồng/năm.
 
Theo thông tin từ Cand.com.vn, ngoài Công ty A.N.N.A. và các công ty liên quan trong vụ án này, còn nhiều đơn vị khác có dấu hiệu nhập khẩu thiết bị y tế đã qua sử dụng.
 
Cụ thể, cùng thời gian trên, Cục Điều tra chống buôn lậu, cũng phát hiện Công ty TNHH Kỹ thuật thiết bị y tế Bảo Trân (trụ sở tại đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) làm thủ tục xin nhập khẩu lô hàng trang thiết bị y tế tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài gồm 2 máy xét nghiệm sinh hóa tự động có xuất xứ từ Đức và Mỹ, mới 100%.
 
Tuy nhiên, qua kiểm tra, cơ quan hải quan phát hiện thực tế những máy này là máy nội soi dạ dày, máy in phim đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Bước đầu, Cục Điều tra chống buôn lâu còn xác định từ đầu năm 2012 đến 15/12/2013, công ty này đã nhập khẩu 7 lô hàng thiết bị y tế đã qua sử dụng với thủ đoạn như trên.
 
Gần đây nhất, Công an Hà Nội đã vào cuộc điều tra nghi án nhập khẩu thiết bị y tế cũ đã qua sử dụng đưa vào dự án trang cấp thiết bị cho một số bệnh viện tuyến huyện thuộc Sở Y tế Hà Nội. Sự việc này Bộ Y tế đã có chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội cho kiểm tra và báo cáo.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác