(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, do nhu cầu xuất khẩu lao động ngày càng lớn nên một số đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân “mồi chài” bằng thủ tục xuất cảnh gọn nhẹ, giá rẻ, lương làm việc cao… Nhiều người không biết rằng, đây là đường dây xuất khẩu lao động “chui”, thông qua con đường du lịch hoặc du học. Chỉ đến khi đặt chân đến “đất khách, quê người”, người lao động mới bàng hoàng cay đắng thì sự đã rồi, không thể làm giàu đã đành, con đường trở lại quê hương cũng lắm gian nan.
Những ngày vừa qua, gia đình anh Nguyễn Văn Tuân (25 tuổi) ở xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu bao trùm khung cảnh tang thương khói nhang và nước mắt. Giọt nước mắt của những đứa con mất cha, vợ mất chồng khiến ai đến đây cũng không khỏi bùi ngùi cảm thương. Anh Nguyễn Văn Tuân là một trong những nạn nhân xấu số của vụ lật thuyền trên sông Mê Kông xảy ra vào giữa tháng 4/2014, làm 5 người chết và mất tích.
Anh Nguyễn Văn Tuân - nạn nhân của vụ xuất khẩu lao động bất hợp pháp |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào khoảng tháng 8/2013, anh Nguyễn Văn Tuân đã đóng tiền cho một người quen ở gần nhà để được xuất cảnh sang Malaysia tìm việc làm mà không hề biết rằng đây là con đường xuất khẩu lao động bất hợp pháp. Do đó, khi thời hạn nhập cảnh qua con đường du lịch đã hết, anh phải tìm mọi cách để trốn tránh các cơ quan chức năng của Malaysia và cuối cùng là trốn về nước thì không may gặp nạn. Anh Tuân ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, bỏ lại 2 đứa con thơ dại và gánh nặng gia đình cho người vợ trẻ.
“Lá xanh rụng trước lá vàng”, đó là những lời đau xót mà ông Nguyễn Văn Tuấn - bố của anh Nguyễn Văn Tuân đã thốt lên trước sự ra đi đột ngột của con trai. Ông tâm sự trong đau xót: Vì chỗ người quen gần nhà nên gia đình tôi tin tưởng và nộp cho người môi giới 13 triệu đồng mà không có bất cứ giấy tờ gì. Gia đình cũng hoàn toàn không biết đây là đường dây xuất khẩu lao động “chui”.
Trước tai nạn bất ngờ của anh Nguyễn Văn Tuân, nhiều gia đình trong xã Diễn Nguyên có con em đi lao động tại Malaysia bằng con đường du lịch đang hết sức hoang mang, lo lắng. Theo trình báo của người dân lên chính quyền địa phương, chỉ riêng trong năm 2013, xã Diễn Nguyên có tới hơn 20 lao động nhập cảnh vào Malaysia bằng đường du lịch, đây là con số mà ngay cả chính quyền địa phương cũng phải bất ngờ. Được biết, tất cả những lao động này đều thông qua người môi giới là bà Đặng Thị Mai cư trú tại xã Phú Thành, huyện Yên Thành.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Sanh - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên cho biết: Việc quản lý vấn đề này rất khó khăn, vì đây là đường dây bất hợp pháp nên người ta làm lén lút, không thông qua chính quyền địa phương. Họ nhằm vào những gia đình có kinh tế khó khăn, có nhu cầu cho con, em đi xuất khẩu lao động nhưng lại thiếu thông tin cần thiết. Các gia đình tin tưởng vào người môi giới là người quen mà không hề nghi ngờ, tính toán.
Ông Nguyễn Văn Tuấn đau xót, nghẹn ngào về sự ra đi bất ngờ của con trai |
Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh ta, vấn đề xuất khẩu lao động “chui”, bằng con đường phi pháp hay lừa đảo xuất khẩu lao động… đã diễn ra ở nhiều địa phương, để lại những hậu quả khôn lường, mất thời gian, tiền của, thậm chí là bỏ mạng nơi xứ người. Mới đây nhất, cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành đã lật tẩy một đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động đi sang các nước: Hàn Quốc, Canada… với số tiền hơn 7 tỉ đồng. Trong vụ việc này, có gần 40 người ở các địa phương khác nhau đã bị mắc lừa. Tất cả cũng chỉ vì, người dân nghèo muốn đổi đời bằng cách xuất khẩu lao động nhưng lại thiếu những thông tin cần thiết về thị trường lao động và đơn vị sử dụng lao động. Thậm chí, một số cán bộ chính quyền các địa phương cũng rất lơ mơ về vấn đề xuất khẩu lao động.
Từ một số vụ việc liên quan đến xuất khẩu lao động trên địa bàn Yên Thành, Thượng tá Phạm Xuân Khánh - Phó trưởng Công an huyện Yên Thành cho biết: Trong việc xuất khẩu lao động thì đa số người dân cũng chưa hiểu lắm, họ cứ nghĩ đến được nước sở tại thì khả năng là sẽ làm ăn được. Trong khi bọn tội phạm lại không nói rõ sẽ xuất khẩu lao động bằng con đường nào, cách thức nào (chủ yếu là thông qua con đường du lịch hoặc du học). Vấn đề này đòi hỏi cần phải chấn chỉnh và siết chặt.
Trước nhu cầu xuất khẩu lao động lớn như hiện nay thì rõ ràng việc quản lý, tiến tới hạn chế xuất khẩu lao động bất hợp pháp đang là bài toán khó tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, để tránh rơi vào “thảm cảnh” vì xuất khẩu lao động thì mỗi người dân cần phải tìm hiểu rõ ràng về nhu cầu và thị trường xuất khẩu lao động, trước khi đặt cược số phận mong đổi đời.
Đặc biệt, chính quyền các địa phương cũng cần phải nắm bắt một cách chặt chẽ, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc như thời gian vừa qua. Vì xuất khẩu lao động “chui”, nhiều gia đình đã rơi vào cảnh kiệt quệ, nợ nần, thậm chí phải đánh đổi bằng chính tính mạng của người lao động. Từ những sự việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả những ai đang có mong muốn được đổi đời bằng con đường xuất khẩu lao động.