Hậu quả, dòng chảy bị thay đổi, môi trường sinh thái bị phá vỡ, đất sản xuất và nhiều nơi nhà ở của dân có nguy cơ bị sụp đổ nghiêm trọng. Điều đáng lên án, nạn khai thác cát trái phép diễn ra công khai tại nhiều nơi, kéo dài nhiều năm nhưng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tỏ ra bất lực? Vậy trách nhiệm thuộc về ai khi để "cát tặc" ngày càng lộng hành trên các dòng sông?
Mất đất sản xuất, nguy cơ nhà đổ do nạn khai thác cát!
Sông Lam, đoạn chảy qua các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, TP Vinh là những khu vực mà "cát tặc" hoạt động một cách rầm rộ và công khai nhất. Những địa phương này mỗi ngày có tới hàng trăm tàu, thuyền ngang nhiên hút cát, lấy sỏi. Dọc con sông này, các đối tượng khai thác cát trái phép “xẻ thịt”, lấy đi hàng nghìn khối cát, thu lợi hàng tỷ đồng. Đổi lại, người dân kêu trời vì nạn “cát tặc” làm hàng trăm m2 ruộng vườn của người dân ven sông bị sạt lở; nhà cửa, tính mạng con người có thể bị “hà bá” cuốn trôi bất cứ lúc nào.
Tại xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, mỗi ngày có tới hàng chục chiếc tàu hút cát và vận chuyển cát loại lớn trên sông Lam khoét sâu lòng sông. Các đồng chí lãnh đạo xã cho biết: Tình trạng khai thác cát diễn ra đã nhiều năm nay. Bọn “cát tặc” hoạt động cả ngày lẫn đêm, máy hút cát động cơ nổ ầm ầm, có khoảng hơn 70 chiếc hoạt động liên tục. Loại tàu lớn hút cát rồi nhả cho thuyền chở đi khoảng 50 khối/chuyến. Ban đầu, tàu chúng còn hút ngoài xa, hiện nay, chúng đưa tàu vào gần bờ để hút vì gần bờ có nhiều cát. Hậu quả, làm cho dọc bên bờ sông Lam chảy qua khu vực cánh đồng sản xuất hoa màu của người dân xã Hưng Nhân gần đây liên tục xuất hiện tình trạng sạt lở đất.
Hàng năm, nhiều diện tích đất sản xuất của người dân bị sông “ngoạm” khiến đồng ruộng ngày càng bị thu nhỏ lại. Để bảo vệ bờ sông, không bị vỡ đê khi có mưa bão lớn, Nhà nước đã rót vốn đầu tư cho triển khai dự án xây dựng bờ kè với chiều dài khoảng hơn 3.000 m nối từ xã Hưng Khánh đến xã Hưng Nhân với tổng vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu “cát tặc” tự do khai thác cát, sỏi trên sông Lam như hiện nay, thì việc Nhà nước đầu tư xây kè chống sạt lở cũng chỉ là “dã tràng xe cát” mà thôi.
Sông Lam, đoạn chảy qua cầu Yên Xuân cũng là khu vực “cát tặc” hoạt động tấp nập và rầm rộ. Hai bên sông, nằm ngay sát chân cầu Yên Xuân, bờ Đông có hai bến cát thuộc xã Hưng Xuân (Hưng Nguyên) và bến cát bờ Tây thuộc địa phận xã Nam Cường (Nam Đàn) luôn có tàu bè, sà lan hút cát ra, vào tấp nập. Điều đáng nói là, điểm hút cát nằm rất gần chân cầu nên uy hiếp trực tiếp đến công trình này. Hoặc tại xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, tình trạng còn báo động hơn.
Theo thống kê của UBND xã, từ năm 1960 đến nay, sông Lam đã gây sạt lở, cuốn trôi 250 ha đất của xã, đã có 4 thôn bị mất trắng ruộng đất nông nghiệp. Ngoài thiệt hại nặng nề về vật chất, hiện tượng khai thác cát, sỏi trái phép đã làm dòng chảy của sông Lam thay đổi, xuất hiện nhiều hố, xoáy rất nguy hiểm đối với các phương tiện tham gia giao thông cũng như người dân sống hai bên bờ.
Nạn khai thác cát trái phép tại xã Hưng Lam gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng |
Phải kiên quyết trong xử lý!
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 khu vực khai thác cát được UBND tỉnh cấp phép gồm: Xã Nam Thượng và Nam Trung (Nam Đàn); bãi bồi xã Hưng Khánh (Hưng Nguyên); xã Sơn Thành và Viên Thành (Yên Thành); xã Đức Sơn (Anh Sơn); xã Bồi Sơn (Đô Lương); làng Trù thuộc xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn); bãi Cầu Sen, bãi Ngang thuộc xã Nghĩa Đồng, các xóm Tân Mỹ và Đào Nguyên thuộc xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ). Tuy nhiên, trên thực tế, còn có rất nhiều điểm khai thác cát, sỏi chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động?
Có thể nói, có nhiều lý do khiến hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra tràn lan trên các con sông ở Nghệ An. Trước hết, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình nên buông lỏng quản lý, giám sát, cho mở, thuê nhiều bến bãi sai quy định của pháp luật, khiến tình hình khai thác cát trái phép trở nên phức tạp.
Điều này, vô tình tiếp tay cho “cát tặc” hoạt động khai thác cát, sỏi vô tội vạ. Hơn nữa, các hộ gia đình hai bên bờ sông đa số cuộc sống dựa vào sông nước, thiếu việc làm nên họ phải khai thác cát, sỏi trái phép để bán kiếm sống. Nhận thức của một số người dân còn hạn chế, họ cho rằng, không ảnh hưởng gì tới môi trường, sinh thái, việc thay đổi dòng chảy làm sạt lở bờ sông, cũng như xói mòn bờ đê ngăn lũ lụt là việc Nhà nước lo. Từ đó, nhiều người dân trở thành “cát tặc”, họ xem tài nguyên là của riêng gia đình họ. Một thực tế là, công tác kiểm tra khai thác cát, sỏi lòng sông còn gặp nhiều khó khăn, phương tiện để tuần tra, kiểm soát không chủ động vì thiếu, thậm chí là không có…
Thời gian qua, rất nhiều lần chính quyền các huyện phối hợp với tỉnh tiến hành kiểm tra trên địa bàn những vùng thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng vi phạm, tịch thu phương tiện máy móc, đình chỉ khai thác… song chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đó.
Tại Hưng Nguyên, từ đầu năm 2013 đến nay, huyện đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, tiến hành bắt, xử phạt các cá nhân và tổ chức vi phạm nạn khai thác cát trái phép trên sông Lam. Huyện cũng đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 tổ chức, 5 cá nhân vi phạm với số tiền 70 triệu đồng. Còn tại huyện Nghĩa Đàn, trong năm 2013, đã thành lập các đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn, nhận thấy có khá nhiều bất cập. Qua đó, đã tịch thu phương tiện khai thác cát, sỏi trái phép. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, nạn “cát tặc” trở lại hoành hành liều lĩnh hơn.
Giải quyết triệt để nạn khai thác cát, sỏi trái phép tại các dòng sông trên địa bàn tỉnh là một bài toán khó giải. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn xử lý tận gốc tình trạng này thì trước hết, tỉnh Nghệ An phải có kế hoạch chỉ đạo các huyện có nhiều mỏ cát phối hợp với các ban, ngành khảo sát khu vực để quy hoạch, đánh giá cụ thể tác động môi trường, dòng chảy để cấp phép cho một số đơn vị có thực lực, uy tín nhằm giải quyết vấn đề thiếu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh ta, tránh tình trạng khai thác lộn xộn, phức tạp kéo dài.
Đặc biệt, phải chú trọng tạo việc làm cho các hộ dân sinh sống dọc bên bờ sông Lam, sông Hiếu..., nhất là các hộ dân vạn chài, bằng cách đào tạo nghề mới, giúp họ chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống. Có như vậy mới từng bước ngăn chặn tận gốc tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép hiện nay.
.