Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201311/31762-de-khong-con-nhung-mua-hoa-anh-tuc-414709/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201311/31762-de-khong-con-nhung-mua-hoa-anh-tuc-414709/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Để không còn những mùa hoa anh túc - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 02/11/2013, 08:00 [GMT+7]
31762

Để không còn những mùa hoa anh túc

Không chỉ có kinh nghiệm trong việc "xóa" cây thuốc phiện mà trong những năm gần đây, những địa danh một thời "trắng màu anh túc" đã được "phủ" một màu xanh của cây trồng, những mô hình kinh tế có hiệu quả đang được người dân chăm chút để trở thành những "bờ xôi, ruộng mật".

Ký ức một thời
 
Lần này, lên với huyện Kỳ Sơn thời tiết vào mùa mưa nên dù đã được đầu tư, nâng cấp nhưng hành trình đến được các bản vẫn còn lắm gian nan. Thế nhưng, trong những thời điểm khó khăn nhất của chuyến đi lại đem đến cho chúng tôi nhiều điều thú vị khi được cán bộ Công an, Biên phòng và cả người dân truyền tai nhau về những thời khắc lịch sử khi "khai tử" được những vùng đất chết từ cây thuốc phiện.
 
Trong ký ức của ông Lô Mắn Mằn, từng là cán bộ nông lâm, giao thông vận tải rồi công chức văn hóa, kiểm lâm viên của xã Keng Đu, nay là Bí thư Đảng ủy xã thì, thời điểm của những ngày tháng "cơm đùm, cơm nắm" cuốc bộ qua nhiều bản làng của các xã Na Loi, Đoọc Mạy, Huồi Tụ, Phà Đánh, Tà Cạ để đến được trung tâm của huyện lỵ Mường Xén tham gia các cuộc họp đến nay vẫn còn nhớ như in trong dòng suy nghĩ của ông. Mặc dù các xã này không phải là "tâm điểm" của loài cây chết người lúc bấy giờ, nhưng khi gợi đến những xã "nóng" ông vẫn còn biết rõ. Quãng đường để đến được với huyện chừng 80 km đường rừng, có khi phải mang cả gạo đến xin ở nhờ nhà dân qua đêm để sáng mai tiếp tục hành trình là câu chuyện gần như "đã quá xưa".
 
Nương rẫy ở bản Huồi Lê, xã Keng Đu trước kia là vùng trồng cây thuốc phiện,
nay đã trở thành mô hình kinh tế kết hợp ngô - lúa
 
Và trong thời gian "3 cùng" với dân đó đã giúp ông hiểu ra rằng, tự bao đời này, trong suy nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là Mông, Khơ Mú, Thái thì cây thuốc phiện "án ngữ" trong cuộc sống đời thường, trong sinh hoạt và cả con đường "thoát nghèo" của họ. Cây thuốc phiện được trồng khắp nơi, trong rừng, xen lẫn trong vườn rau và được cất giữ cẩn thận. Tất cả là những ký ức một thuở với ông nay đã lùi xa. Và trong câu chuyện của ông, chúng tôi lại được nghe ông nói về "cái thứ ấy" nơi chính quê của mình.
 
Ở thời điểm mà ông là một trong những thành viên tích cực lúc bấy giờ, được cùng các đoàn công tác của tỉnh, huyện, của các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng vào tận các bản, làng như Huồi Lê, Khe Linh... của xã Keng Đu để tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ cây thuốc phiện. Và từ trong những lần "cắm bản" xua đuổi loại cây này đã giúp ông hiểu hơn công tác dân vận quý giá như thế nào với đồng bào. Quan trọng hơn là làm thế nào để tạo ra được cái "cần câu" để bà con thoát nghèo khi họ từ bỏ, tránh xa với cây thuốc phiện vốn ăn sâu vào nếp nghĩ.
 
Đến hôm nay, khi ông đã là cán bộ chủ chốt ở địa phương, đảm đương nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ thoát nghèo lại được ông tiên phong trên mọi mặt trận. Từ thời điểm cây thuốc phiện được triệt xóa ở địa phương, nhiều loại cây trồng, vật nuôi như cây cánh kiến, dưa chuột, bầu, bí, gà, lợn, ao cá... được hình thành từ những trăn trở, suy nghĩ của những cán bộ tâm huyết, trách nhiệm của tỉnh, của huyện.
 
Không chỉ với cán bộ sau này như ông Mằn, mà trong ký ức của nhiều cán bộ lão thành, lãnh đạo chủ chốt của huyện, xã ở Kỳ Sơn đã về hưu như "thủ lĩnh" tiễu phỉ Vừ Chông Pao (xã Tà Cạ), Lầu Xây Phia (Nậm Càn), Moong Phò Dơi (Mường Ải), Hờ Pa Chù (Mường Lống)... thì những cánh rừng và thung lũng một thời nhuốm màu cây anh túc như Mường Lống, Nậm Cắn, Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Ải, Huồi Tụ và Tây Sơn đều bạt ngàn cây thuốc phiện.
 
Cây thuốc phiện đã từng là nguồn thu nhập chính của đồng bào dân tộc và được dùng vô tội vạ. Nhiều nhà có bàn đèn, kéo theo đó là số con cháu, người thân bị "nàng tiên nâu" lôi kéo. Hậu quả là đẩy bao bản làng vốn bình yên, hàng chục ngôi nhà ấm áp và hàng trăm con người vốn hiền lành, chân chất và cuộc sống của họ bị đảo lộn, tiêu điều, xơ xác. Ma lực của thứ chất gây nghiện và thời gian bủa vây của "nàng tiên nâu" đã biến nơi đây thành một vùng quê đầy oán trách.
 
Hồi sinh 
 
Vượt lên những trở ngại, xác định vấn đề tái trồng cây thuốc phiện có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự, nên sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 21-CT/TW ngày 26/3/2008 về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn đã tổ chức quán triệt đến tất cả các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên tại các xóm, bản. Trong đó xác định, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ công tác triệt xóa cây thuốc phiện, vận động nhân dân không tái trồng gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao đời sống cho người dân, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần được chú trọng.
 
Lực lượng Công an phát hiện, nhổ bỏ diện tích cây thuốc phiện 
được tái trồng trong vườn một hộ dân
 
Quán triệt nhiệm vụ trên, Huyện ủy, UBND huyện Kỳ Sơn đã bám sát các chương trình, kế hoạch phòng, chống ma túy của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, đặc biệt là Chỉ thị 07/CT/TU của BTV Tỉnh ủy Nghệ An ngày 9/10/2001 về “Tăng cường đấu tranh phòng, chống ma túy"; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể coi trọng công tác PCMT, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương; tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền (dưới các hình thức như ra quân, phát tờ rơi bằng tiếng dân tộc, chiếu phim lưu động, thông qua các hội nghị chi bộ, bản và tranh thủ vai trò của các già làng, trưởng bản, người uy tín của dòng họ), vận động nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về tác hại của ma túy cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, gia đình đối với công tác này.
 
Đặc biệt, từ công tác tuyên truyền, vận động, Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn tổ chức hội nghị cho 100% các bản, làng ký cam kết "5 không" (không hút, không mua, bán, tàng trữ, tái trồng cây thuốc phiện). Đẩy mạnh công tác quản lý, nắm chắc địa bàn, coi trọng và phát huy vai trò của cơ sở, của ban chỉ đạo các cấp về phòng, chống ma túy.
 
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền huyện luôn coi trọng công tác chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân bằng việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế cao như trồng chè Tuyết Shan, hoa ly và cây ngô lai trên rẫy dốc; tận dụng diện tích ruộng nước, phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa cũng như đặc sản lợn đen, gà đen, gà ác.
 
Sau nhiều năm nỗ lực, với tinh thần kiên trì, bền bỉ của các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng và toàn thể nhân dân, đến nay, đất Kỳ Sơn không còn những mùa hoa anh túc. Hiện nay, qua điều tra, khảo sát trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, cơ bản không còn diện tích tái trồng cây thuốc phiện. Những nương rẫy thuốc phiện một thuở giờ đã được thay bằng các loại giống cây ngô, gừng, khoai sọ, đào... mang lại hiệu quả cao, gắn với các chương trình, dự án giúp người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa.
 
Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống Lỳ Bá Chò bộc bạch: "Một thời "cổng trời" Mường Lống chúng tôi phủ trắng hoa anh túc, giờ đây đã là quá khứ. Tuy nhiên, để từ bỏ cây thuốc phiện và tìm hướng đi mới cho bà con bằng việc thay thế, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới quả là cả một quá trình, một cuộc đấu tranh quyết liệt trong tư tưởng và cả hành động. Cây thuốc phiện đã được người dân đoạn tuyệt nhưng các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm, bởi hiện nay người nghiện vẫn còn, trong khi đời sống còn khó khăn, nhiều dự án triển khai bà con chưa "mặn mà", lợi nhuận từ việc buôn bán ma túy rất lớn nên nhiều đối tượng vẫn sẵn sàng "tặc lưỡi" với thứ ma quỷ này, đó là chưa nói đến phía bên kia biên giới nước bạn Lào, những nương thuốc phiện đang còn tồn tại".

Xuân Thống
.