Sáng 29/10, Chính phủ đã trình dự án Luật Công chứng (sửa đổi) lên Quốc hội. Qua thực tế của hoạt động công chứng thời gian qua, một loạt các bất cập đã lộ ra, là cơ sở để sửa đổi luật lần này. Đầu tiên đó là việc từ nửa cuối năm 2007 đến năm 2009, do không có quy hoạch tổng thể các văn phòng công chứng phát triển quá nhanh, một số địa bàn trở nên quá nóng trong khi nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa lại không có tổ chức hành nghề công chứng để cung cấp dịch vụ này cho người dân.
Một bộ phận công chứng viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề dẫn đến những sai sót trong hoạt động, ảnh hưởng đến chất lượng của văn bản công chứng; thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự gây ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp.
Nhiều tổ chức hành nghề công chứng được thành lập theo loại hình doanh nghiệp tư nhân (văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập), thiếu tính ổn định, bền vững, khi công chứng viên chết phải đóng cửa hoặc khi công chứng viên ốm đau nghỉ việc thì không có công chứng viên để tiếp nhận và giải quyết yêu cầu công chứng của người dân.
Luật Công chứng hiện hành chưa xác định rõ địa vị pháp lý của công chứng viên, quy định về quyền và trách nhiệm công chứng viên chưa đầy đủ; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chứng viên có điểm còn dễ dãi, thiếu quy định về chế độ bồi dưỡng bắt buộc đối với công chứng viên đang hành nghề… nên khó bảo đảm chất lượng văn bản công chứng; quy định về điều kiện thành lập văn phòng công chứng chưa gắn với tính chất đặc thù của nghề công chứng; thực tiễn hoạt động công chứng phát sinh nhiều vấn đề như văn phòng công chứng tạm ngừng hoạt động, chuyển nhượng văn phòng công chứng, công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng v.v... nhưng chưa có quy định điều chỉnh dẫn đến lúng túng trong thực hiện.
Mở rộng phạm vi hoạt động của công chứng viên
Qua công tác thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Ủy ban pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Công chứng năm 2006
Một trong những sửa đổi đáng chú ý của dự luật lần này là việc chứng nhận bản dịch giấy tờ. Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban pháp luật tán thành với việc mở rộng phạm vi hoạt động của công chứng viên, đồng thời cho phép người dân được lựa chọn việc chứng nhận bản dịch tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc tại phòng tư pháp quận, huyện như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ. Điều này sẽ góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và giảm tải cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện chứng thực bản dịch.
Ngoài ra, trong điều kiện thực tế hiện nay, nhằm giảm tải cho các UBND cấp xã, các phòng tư pháp cấp huyện và tạo thuận tiện cho người dân trong việc lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh của mình, có ý kiến đề nghị cần mở rộng hơn nữa phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng theo hướng cho phép các tổ chức này cùng thực hiện việc chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản và chứng thực chữ ký trong những trường hợp pháp luật có yêu cầu như UBND cấp xã, phòng tư pháp cấp huyện đang thực hiện hiện nay.
Dự kiến, dự luật sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại hai kỳ họp.