Cơ sở thứ nhất do vợ chồng Lê Đức Hưng (SN 1972) và Nguyễn Thị Hạnh (SN 1974) làm chủ. Theo ghi nhận của phóng viên, cơ sở này nằm ngay bên hào thành Vinh, nơi có nguồn nước ô nhiễm, hôi thối bốc lên nồng nặc. Tất cả chất thải của cơ sở này được tuồn thẳng xuống hào thành.
Tại thời điểm kiểm tra, có khoảng 400 bì xác rắn bên trong đựng toàn măng, có tổng trọng lượng khoảng 25 tấn (10 tấn măng chua, 15 tấn măng nứa chưa qua chế biến). Số măng này được xếp dọc đường theo lối vào nhà chủ cơ sở, dài chừng trên 100m. Một số ít được bảo quản trong lều tạm được che chắn tạm bợ, cơn mưa nhỏ sáng 26/8 khiến nước mưa tràn xuống khắp nơi. Đa phần, các bì măng này được để ngoài trời, cạnh bờ rào, một số không được che đậy, số được che đậy đã chuyển sang màu thâm đen, bốc mùi hôi thối. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận ATVSTP.
Lán bảo quản, chế biến măng được che chắn tuềnh toàng ngay bên cạnh hào thành
Cơ quan chức năng đã ra quyết định niêm phong, tạm giữ toàn bộ số sản phẩm trên; yêu cầu chủ cơ sở phải tập kết toàn bộ số sản phẩm để che chắn an toàn, tránh gây ô nhiễm môi trường. Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm - Thủy sản lấy mẫu xét nghiệm, xác định xem quá trình chế biến, cơ sở này có sử dụng quá giới hạn và sử dụng các hóa chất bảo quản ngoài quy định hay không.
Anh Lê Đức Hưng, chủ cơ sở cho biết, cơ sở này đã hoạt động được 10 năm, nhưng 2 năm nay mới thu mua số lượng măng lớn từ các xã của huyện Quế Phong, sau đó chế biến, ngâm bằng nước máy và bột nghệ, mỗi ngày đưa cho các đầu mối khoảng 1,5 - 2 tạ. Mỗi ngày, cơ sở này thu mua khoảng 2 - 2,5 tấn, ngày cao điểm lên đến 3 - 4 tấn. Mặc dù cơ sở không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh nhưng chủ cơ sở vẫn khẳng định: “Măng này sạch và ngon lắm, nhà tôi cũng ăn mà. Sản xuất ở đây nhưng mùi hôi thối là do hào thành bốc lên chứ không phải do mùi măng...”.
Sau đó, cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra một cơ sở chế biến, kinh doanh khác do bà Phan Thị Hoa (SN 1954) làm chủ. Cơ sở này tuy được che chắn cẩn thận hơn dưới mái tôn, số lượng hàng thu gom chỉ khoảng 5 - 6 tấn nhưng cũng không xuất trình được các giấy tờ về đăng ký kinh doanh và chứng nhận ATVSTP. Được biết, hiện nay, trên địa bàn TP Vinh, có gần 20 cơ sở thu mua, chế biến, kinh doanh măng nhưng không có các giấy tờ đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận ATVSTP. Một số cơ sở có lượng hàng hóa lên đến hàng trăm tấn, trong đó một số lấy hàng từ Trung Quốc về.
Chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ liên quan đến kinh doanh, chế biến
Cả hai cơ sở trên đều đã kinh doanh gần 10 năm nay, quá trình chế biến, kinh doanh không có các giấy tờ đủ điều kiện, tuy nhiên chính quyền địa phương không hề có ý kiến gì (?). Mặc dù chủ cơ sở khẳng định không dùng một loại hóa chất bảo quản nào, tuy nhiên, thượng tá Nguyễn Viết Nhi - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCTP về Môi trường nhận định, với số lượng hàng hóa lớn, thu gom, chế biến trong thời gian hàng tháng trời, nếu không có hóa chất bảo quản rất khó để giữ được sản phẩm không bị thối rữa.
“Về nguyên tắc, với số lượng hàng hóa lớn thế này, chủ cơ sở phải xuất trình được nguồn gốc, xuất xứ, bởi rất có thể đây là số măng có xuất xứ từ rừng tự nhiên, không phải rừng trồng. Hiện nay, toàn tỉnh có 14.937 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh đang diễn biến hết sức phức tạp. Đa phần hoạt động tự phát, nguy hại nhất là sử dụng các hóa chất, phụ gia bảo quản không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo liều lượng cho phép. Việc phối hợp kiểm tra, hậu kiểm của các cơ quan chức năng hiện nay cũng làm chưa tốt khiến rất nhiều cơ sở vi phạm, thậm chí vi phạm nghiêm trọng. Mỗi người hãy là người tiêu dùng thông minh trong lựa chọn thực phẩm, tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến không đảm bảo...” - Thượng tá Nguyễn Viết Nhi khuyến cáo người tiêu dùng.
Văn Dũng
.