Đặc biệt, gần đây tại địa bàn xã Hòa Hải có hàng chục hộ dân ngang nhiên vào khu vực rừng thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê khai hoang gần 200 ha đất rừng trước sự bất lực của các cấp chính quyền sở tại.
Năm 2012, Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép thuê hơn 300 ha đất tại xã Hòa Hải, huyện Hương Khê để trồng cao su. Sau khi làm xong các thủ tục đầy đủ, nộp ngân sách 3,4 tỷ đồng, cuối tháng 11/2012, Công ty cho công nhân đưa máy tiến hành công việc thì phát hiện 4 người dân xóm 11, xã Hòa Hải đã tự ý phát hơn 15 ha rừng tại Tiểu khu 192 để trồng keo và ngăn cản Công ty tiến hành công việc.
Khu vực rừng của Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê
bị người dân lấn chiếm trái phép
bị người dân lấn chiếm trái phép
Không dừng lại ở đó, cùng thời gian này, tiếp tục có hàng chục hộ dân khác “thấy bở” cũng đua nhau vào lấn chiếm hơn 150 ha đất rừng “làm của riêng”. Trước sự việc trên, lãnh đạo Công ty đã làm văn bản báo cáo các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã. Sau đó, các ngành chức năng đã nhiều lần kiểm tra tình hình, ra các văn bản khẳng định việc hàng chục hộ dân lấn chiếm hơn 150 ha đất rừng ở Tiểu khu 192 do Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê là trái phép.
Tuy vậy, sau 6 tháng, sự việc dường như không có tiến triển, diện tích đất rừng bị chiếm vẫn càng ngày càng lớn, mặc dù tỉnh, huyện cũng đã ra nhiều văn bản chỉ đạo xử lý kiên quyết việc lấn chiếm.
Không những lấn chiếm, khi Công ty cùng lực lượng chức năng vào kiểm tra thì một số hộ dân còn ngang nhiên cản trở, dọa nạt công nhân Công ty. Trong số đó có nhiều hộ là người thân của cán bộ xã. Qua tiếp xúc với một số hộ dân thì lý do chủ yếu họ đưa ra để biện minh cho hành động trái phép này là các hộ dân muốn được giao rừng. Tuy nhiên, thực tế tại xã đang còn hơn 400 ha đất rừng, xã và huyện vẫn đang rà soát để giao cho dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hữu Nhân - Chủ tịch UBND xã Hòa Hải thừa nhận sự chậm trễ, bất lực trong việc quản lý dẫn đến tình trạng 55 hộ dân liên tục xâm chiếm trái phép đất rừng của Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê. Cũng theo ông Nhân, sự việc đi quá xa và đã vượt qua tầm kiểm soát của xã. Và ngay cả UBND huyện cùng cơ quan chức năng nhiều lần vào cuộc nhưng sự việc chẳng tiến triển hơn. “Giờ tuyên truyền không có tác dụng nữa mà lực lượng của xã thì quá yếu. Cán bộ xã nhiều lần vào kiểm tra đã bị người dân dọa chém nên rất cần sự vào cuộc thực sự từ các cơ quan chức năng ở huyện”, ông Nhân nói thêm.
Hiện, UBND huyện Hương Khê đang tiếp tục vào cuộc quyết liệt, một mặt giải thích cho dân hiểu, giải quyết nhu cầu của người dân. Mặt khác, củng cố hồ sơ vi phạm, cần thiết sẽ tổ chức lực lượng đủ mạnh để ngăn chặn, trục xuất toàn bộ người dân vào lấn chiếm trái phép.
Theo quan điểm chỉ đạo xử lý của lãnh đạo huyện thì, kể cả đất rừng chưa giao cho doanh nghiệp thì người dân cũng không được phép tự ý lấn chiếm. Đằng này, khu vực này đã được tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê. Sắp tới, nếu việc tuyên truyền, vận động không có hiệu quả, huyện sẽ tổ chức lực lượng cưỡng chế diện tích đã bị xâm chiếm, sau đó sẽ xem xét trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
Được biết, trước nguy cơ sự việc sẽ phức tạp, ngày 18/1/2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đã ký Văn bản số 231 có nội dung: Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Hương Khê chỉ đạo sâu sát, đồng bộ các giải pháp. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xung đột, tranh chấp làm ảnh hưởng đến ANTT, ổn định tại địa phương.
P.V
.