Tất cả vì tiền
Nhiều đơn vị, cơ quan đóng trên địa bàn TP Vinh có địa thế “đắc địa” khi được Nhà nước cấp đất và xây trụ sở trên các tuyến đường chính như Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Lê Lợi… Để “tăng gia” và có thêm kinh phí hoạt động của cơ quan, cũng như tận dụng được địa thế “mặt tiền” của cơ quan mình, nhiều đơn vị đã xây nhiều ki-ốt nhỏ để cho thuê. Việc này đã diễn ra từ hàng chục năm nay, biến những tuyến đường này thành những tuyến phố sầm uất, án ngữ hết cả các sở, ban, ngành.
Ngay vị trí trung tâm nhất, bên cạnh Quảng trường Hồ Chí Minh là Trung tâm Văn hóa tỉnh (45 Hồ Tùng Mậu) đã cho thuê trên 10 ki-ốt ở hai mặt tiền bám đường Nguyễn Văn Cừ và Lê Hồng Phong để kinh doanh các mặt hàng bia rượu, in ấn, bán quần áo, bánh sinh nhật. Chưa dừng lại ở đó, ngay trong sảnh đang xây dở của công trình chính tòa nhà này cũng bị “xà xẻo” để cho thuê bán cà phê và rửa xe.
Trung tâm Văn hóa tỉnh với hàng loạt ki-ốt cho thuê
Về vấn đề này ông Bùi Công Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: “Trước đây, Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An tiếp nhận lại vị trí như hiện nay từ Thư viện tỉnh (cũ), nhưng trước đó Thư viện đã có hợp đồng với Công ty CPTM và XL miền Trung về việc thuê địa điểm kinh doanh trong thời gian 15 năm. Nên đơn vị thuê địa điểm cứ “vin” vào đó để không chịu trả lại mặt bằng cho đơn vị chúng tôi”. Dù đã nhiều lần “thương lượng, song vin vào hợp đồng còn hiệu lực, phía đối tác đã bất hợp tác với đơn vị chủ quản trong việc thanh lý hợp đồng, giải tỏa mặt bằng”.
Được biết, Trung tâm Văn hóa tỉnh được tiếp nhận vị trí hiện tại từ Thư viện tỉnh Nghệ An theo Công văn số 1555/CV-UB ngày 14/4/2004. Tuy nhiên, ngày 16/11/2003, Thư viện tỉnh Nghệ An đã có Hợp đồng số 78/HĐKT-CT với Công ty CPTM và XL miền Trung thời hạn 15 năm.
Ông Vinh cũng cho biết thêm: “Đơn vị đã nhiều lần có công văn thông báo với đơn vị thuê về việc thu lại mặt bằng nhưng đơn vị thuê đất vẫn không chịu thực hiện. Từ năm 2009 đến nay, phía công ty cũng không chịu thanh toán số tiền thuê đất theo hợp đồng đã ký và sử dụng trước đó, cũng không chịu bàn giao mặt bằng lại cho cơ quan. Cơ quan cũng mong muốn các đơn vị chức năng vào cuộc quyết liệt thu hồi lại mặt bằng để triển khai nhiều hoạt động văn hóa”.
Trường hợp khác là Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An, có 10 ki-ốt được xây dựng cho người dân thuê lại để kinh doanh với hợp đồng 2 triệu đồng/ốt/tháng. Nằm ngay đầu đường Nguyễn Thị Minh Khai, mặt tiền thoáng, rộng nhưng đến nay, vì lợi ích kinh tế, đơn vị này chỉ trừ mỗi lối vào rộng chưa đầy 5m2, còn lại dành phân lô ki-ốt cho thuê, với cơ man nào là dịch vụ cưới hỏi, nạp tài, xe hoa, in ấn, dịch thuật, nhìn rất mất mỹ quan.
Ông Nguyễn Văn Vinh - Trưởng phòng Tổ chức, hành chính, tổ chức Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh khẳng định: “Việc đơn vị cho thuê ki-ốt là sai với quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Từ thời điểm hết tháng 2/2013, đơn vị đã thông báo cho các hộ thuê ki-ốt kinh doanh dừng hợp đồng cho thuê và không thu tiền nữa. Tuy nhiên, các hộ dân này vẫn chưa tháo dỡ và di chuyển vì họ đang chờ thuê được mặt bằng mới. Chúng tôi cũng đã thông báo với họ về việc thu hồi đất, theo chủ trương họ đều đồng ý, họ sẽ di dời đi khi nào tỉnh làm đồng loạt các điểm khác họ sẽ tự nguyện tháo dỡ…”.
Cũng theo ông Vinh, với tâm lý nhìn theo đám đông, nơi này nhìn nơi kia chưa thực hiện nên các hộ dân cứ ỷ vào đó để tiếp tục kinh doanh. “Chúng tôi cũng mong muốn có sự phối hợp của nhiều đơn vị, ban, ngành để giải quyết triệt để việc này. Quan điểm của cơ quan là chấp hành chủ trương của Nhà nước và luật pháp”. Thế nhưng, kể từ ngày nhận được các văn bản chỉ đạo của tỉnh, thành phố, đơn vị này vẫn chưa tự nguyện thực hiện triệt để. Sau thời hạn của Công văn 1205/UBND-TM về thời hạn cuối cùng thì số ki-ốt này vẫn hoạt động bình thường.
Ngoài ra, hiện nay trên phố Nguyễn Thị Minh Khai, rất nhiều đơn vị vẫn bất chấp quy định, cho thuê từ 5 ki-ốt kinh doanh trở lên án ngữ hết mặt tiền cơ quan, đáng chú ý là Bưu điện tỉnh, Công ty Xổ số kiến thiết Nghệ An, Tòa án nhân dân TP Vinh và rất nhiều đơn vị khác. Đặc biệt, trên phố Lê Hồng Phong có Trường Chính trị tỉnh (số 121) có tòa nhà 4 tầng là khu vực quy hoạch nhà ăn nhưng đơn vị đã hợp đồng cho thuê kinh doanh ăn uống.
Công ty Xổ số kiến thiết Nghệ An bị thu hẹp cổng ra vào vì ki ốt cho thuê
Phớt lờ chỉ đạo
Thực hiện quyết liệt việc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/3/2012, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 1205/UBND-TM về việc kiểm tra, xử lý, sử dụng tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước. Theo đó, đối với các đơn vị trước đây đã ký hợp đồng cho thuê ki-ốt, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh có thời gian tìm địa điểm kinh doanh mới, UBND tỉnh cho phép gia hạn thời gian chấm dứt các hợp đồng cho thuê đến hết ngày 28/2/2013. UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước được giao cho cơ quan, đơn vị mình quản lý, sử dụng theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý sử dụng tài sản công.
Mới đây nhất, ngày 21/3/2013, Sở Tài chính tỉnh Nghệ An có Quyết định số 49/QĐ-STC.TTr về việc Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước đã giao cho các đơn vị quản lý, sử dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công. Xử phạt các vi phạm theo quy định tại Nghị định số 66/2012/NĐ-CP.
Theo ông Hoàng Minh Quân - Trưởng phòng Quản lý giá và công sản Sở Tài chính tỉnh Nghệ An cho biết: “Hiện trên địa bàn có khoảng 30 đơn vị vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Chúng tôi đã có quyết định thành lập đoàn gồm Thanh tra Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở TNMT, phòng Quản lý đô thị thành phố cùng tham gia. Trước mắt sẽ kiểm tra, xử lý những tuyến đường chính”.
Trước đó, ngày 5/2/2013, Bộ Tài chính có Thông tư số 14/201/TT-BTC quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 66/2012/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, trong đó có đề cập đến việc nếu cần thiết phải có sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành chức năng để cưỡng chế, tháo dỡ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Hòa - Phó phòng Quản lý giá và công sản Sở Tài chính cho biết: “Các đơn vị cho rằng cần sự vào cuộc, can thiệp của các ngành liên quan để cưỡng chế tháo dỡ các ki-ốt là không đúng. Tuy nhiên, quan điểm của Sở Tài chính là UBND tỉnh đã chỉ đạo trực tiếp, lãnh đạo cơ quan là người trực tiếp ký hợp đồng cho thuê thì tự xử lý. Những đơn vị đã bị nhắc nhở nhiều lần, gia hạn xử phạt nhưng không thực hiện thì ngành Quản lý đô thị phải giải phóng mặt bằng, hoặc Thanh tra đô thị sẽ tiến hành cho cưỡng chế. Sẽ báo cáo UBND tỉnh xử lý kỷ luật người đứng đầu đơn vị…”.
Ngày 19/1/2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Trong Quyết định này nói rõ việc cơ quan Nhà nước không được lấy mặt bằng để cho thuê kinh doanh. Quyết định số 09 cũng đã chỉ rõ: Với những trường hợp đã cho thuê thì sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày Quyết định (số 09) được ban hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có quyết định thu hồi lại mặt bằng đã cho thuê. |
Thiên Thảo
.