II. Góp ý về nội dung các điều, khoản cụ thể
1. Nội dung Điều 4 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng qua việc xác định tôn chỉ, mục đích, sứ mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Thực tiễn cách mạng nước ta đã chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vai trò đó trong bối cảnh tình hình hiện nay phải được tiếp tục khẳng định. Do vậy đề nghị bổ sung thêm từ “duy nhất” trong đoạn cuối của khoản 1, cụ thể: “…, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
2. Điều 6. Về dân chủ đại diện
Nghị quyết 05 Hội nghị lần thứ 2 BCH TW (Khóa XI) về “Triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992” khẳng định: Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua các cơ quan đại diện, các cơ quan Nhà nước khác và cả hệ thống chính trị.
Rất nhiều ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Hội nghị của CA tỉnh
Trong Dự thảo không quy định việc nhân dân thực hiện quyền lực bằng hình thức dân chủ đại diện thông qua các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đề nghị bổ sung cụm từ “và cả hệ thống chính trị” vào cuối điều, viết lại như sau:
“Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và hệ thống chính trị”.
3. Điều 17. Có nhiều ý kiến đề nghị bỏ Khoản 2. Vì nội dung khoản này chỉ giải thích cụ thể vấn đề đã quy định ở Khoản 1.
4. Về quy định quyền sống của con người (Điều 21 dự thảo). Hiện nay trong hệ thống hình phạt của pháp luật hình sự Việt Nam, hình phạt tử hình được áp dụng để xử lý người có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Nếu Hiến pháp quy định về quyền sống thì hành vi tước đoạt tính mạng của con người (tử hình) sẽ vi hiến. Do vậy, cần phải tổng kết thực tiễn việc thi hành hình phạt tử hình trong giai đoạn hiện nay để quyết định có tiếp tục áp dụng hình phạt này nữa hay không. Nếu vẫn tiếp tục áp dụng thì Hiếp pháp phải quy định theo hướng mở, tức là quy định về quyền sống không được áp dụng trong trường hợp người đó phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
5. Khoản 2, Điều 25. Đề nghị bổ sung cụm từ “Cơ sở tôn giáo” vào trước cụm từ “Nơi thờ tự” và bổ sung từ “hợp pháp” vào sau cụm từ “Nơi thờ tự…”, viết lại là:
“Nhà nước tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Cơ sở tôn giáo, nơi thờ tự hợp pháp của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ”.
6. Khoản 2, Điều 27. Đề nghị bỏ đoạn “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”. Viết lại khoản này là:
“Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực”.
7. Điều 28. Một số ý kiến cho rằng, người từ đủ 18 tuổi trở lên thì có đủ năng lực trách nhiệm dân sự, do vậy nên quy định đầy đủ quyền, nghĩa vụ của công dân, đề nghị bỏ đoạn “và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền”. Viết lại là:
“Công dân từ đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử, ứng cử làm đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp”.
8. Điều 30. Có ý kiến cho rằng, cần quy định chặt chẽ công dân từ đủ 18 tuổi trở lên mới có quyền biểu quyết về trưng cầu ý dân. Đề nghị viết lại điều này như sau:
“Công dân từ đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.
9. Điều 39. Để đảm bảo tính chặt chẽ trong quy định của Hiến pháp. Đề nghị quy định bổ sung nội dung: “Tuổi kết hôn do luật quy định”.
10. Đoạn 2, Điều 48. Có ý kiến đề nghị thay từ “làm” bằng từ “thực hiện”. Việc dùng cụm từ “nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự” sẽ làm giảm tính thiêng liêng, cao quý của “nghĩa vụ quân sự”. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung cụm từ “nghĩa vụ Công an” và cụm từ “an ninh nhân dân” nhằm đảm bảo lực lượng thực hiện công tác bảo vệ ANQG, TTATXH. Viết lại đoạn này như sau:
“Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ Công an, tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Trường hợp Nhà nước không gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ Công an thì phải thực hiện nghĩa vụ khác do luật định”.
11. Điều 50. Có ý kiến đề nghị bổ sung đoạn “theo quy định của pháp luật” vào cuối quy định. Viết lại như sau:
“Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật”.
12. Điều 58.
a) Khoản 1, một số ý kiến đề nghị bỏ từ “quy hoạch”, viết lại như sau:
“Đất đai là tài nguyên đặc biệt của Quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật”.
b) Khoản 3, việc quy định Nhà nước thu hồi đất đai trong trường hợp “các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Quy định này sẽ gây ra sự tùy tiện, dẫn đến kiện cáo trong nhân dân khi thu hồi đất đai để xây dựng các dự án phát triển kinh tế nhỏ, bồi thường không thực hiện đúng mức...
Có một số ý kiến đề nghị bỏ quy định này. Có một ý kiến khác đề nghị thêm cụm từ “của Nhà nước” vào cuối để đảm bảo các dự án của Nhà nước mới được thu hồi.
13. Điều 60. Có một số ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “quốc phòng - an ninh” vào sau cụm từ “kinh tế -xã hội”. Viết lại là:
“Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và quản lý Nhà nước”.
14. Điều 64.
a) Khoản 1, đề nghị bỏ đoạn “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển của đất nước” và đoạn “nhân văn, dân chủ, tiến bộ; bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam”. Viết lại khoản này là:
“Nhà nước và xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”.
b) Khoản 4. Đề nghị bỏ đoạn “truyền bá tư tưởng, xuất bản phẩm và các hình thức khác có nội dung phản động, đồi trụy; mê tín dị đoan”. Viết lại khoản này là:
“Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng văn hóa, thông tin làm tổn hại lợi ích Quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam”.
15. Khoản 2 Điều 68. Đề nghị bỏ đoạn 2 của khoản này. Viết lại là:
“2. Nhà nước có cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học; phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”.
(Còn nữa)
CANA
.