Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201303/26740-vai-tro-cua-gia-dinh-trong-giao-duc-nhan-cach-tre-vi-thanh-nien-392207/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201303/26740-vai-tro-cua-gia-dinh-trong-giao-duc-nhan-cach-tre-vi-thanh-nien-392207/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Vai trò của gia đình trong giáo dục nhân cách trẻ vị thành niên - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 14/03/2013, 08:07 [GMT+7]
26740

Vai trò của gia đình trong giáo dục nhân cách trẻ vị thành niên

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, gần đây trung bình mỗi năm cả nước có gần 5.000 người chưa thành niên phạm tội bị phát hiện. Trong đó, nhiều vụ vi phạm có tính chất nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, cố ý gây thương tích. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng phạm pháp của trẻ vị thành niên đang gia tăng ở nước ta, theo các nhà hoạt động xã hội nhận định, chủ yếu từ phía gia đình.
 
Có thể nói, bên cạnh việc gia tăng tình trạng phạm pháp ở trẻ vị thành niên, vấn đề mà xã hội đặc biệt quan tâm hiện nay là sự lệch chuẩn ở trẻ vị thành niên thể hiện ở lối sống hưởng thụ quá sớm, xem nặng giá trị vật chất, ăn chơi sa đọa, lãng phí, lười lao động và học tập, vô cảm với nỗi đau của người khác, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, cá nhân vị kỷ...
 
Theo các nhà tâm lý học: Trẻ em ở lứa tuổi vị thành niên muốn duy trì một khoảng cách nhất định với bố mẹ, không thích bố mẹ xâm nhập vào thế giới riêng tư và để ý những điều thầm kín của chúng. Do đó, chúng thường muốn né tránh tiếp xúc với bố mẹ và ưa giao tiếp với bạn bè. Đây được xem là đặc tính chung của tất cả những đứa trẻ bắt đầu bước vào tuổi vị thành niên. Lứa tuổi này phát triển rất nhạy cảm, bởi vậy, để hình thành nhân cách, đạo đức lối sống đối với trẻ vị thành niên, gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng.
 
Các bậc làm cha làm mẹ cần quan tâm, gần gũi, chia sẻ, giúp con phát triển toàn diện
 
Ngày nay, khi mức sống ngày càng được nâng lên, nhiều gia đình dư giả tiền bạc. Đây là điều kiện rất tốt để giáo dục con cái trưởng thành. Tuy nhiên, nhiều gia đình vì để con cái mình hưởng thụ quá sớm nên vô hình chung đã đẩy các em vào lối sống sa đọa, rất dễ hư hỏng. Khi có nhiều tiền, các bậc phụ huynh sẵn sàng chiều theo ý con nhằm thỏa mãn nhu cầu của các quý tử.
 
Khi được sống trong môi trường chỉ biết nhận và hưởng thụ nên đa phần các em hình thành thói quen sống lười biếng, ích kỷ, không hiểu được giá trị đích thực của lao động. Trong khi đó, nhiều cha mẹ mải mê làm kinh tế, suốt ngày lao đầu vào công việc, không còn thời gian gần gũi, chăm sóc, lắng nghe và thấu hiểu những tâm tư, tình cảm cũng như định hướng kịp thời cho các em.
 
Do đó, nhiều trẻ đã sử dụng các trò chơi vô bổ bằng nhiều hình thức chỉ để lấp đầy khoảng trống tinh thần mà không hề biết rằng hiểm họa đang rình rập, lôi kéo các em từng giờ. Còn đối với những gia đình điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều em đã phải lăn lộn, vất vả mưu sinh quá sớm, vượt quá khả năng có thể.
 
Trong môi trường đầy rẫy những cạm bẫy chực chờ, lại chưa được giáo dục định hướng đầy đủ nên những thói hư tật xấu rất dễ xâm nhiễm vào tâm hồn trẻ thơ, biến các em thành những đứa trẻ hư hỏng ngay từ nền tảng gia đình.
 
Đối với trẻ vị thành niên, phương pháp giáp dục quan trọng nhất là việc định hướng giá trị nhân cách, gần gũi, động viên, lắng nghe tâm tư tình cảm, giúp các em tự chủ, nỗ lực vượt khó, có tính độc lập không ỷ lại vào cha mẹ và người khác. Có nhiều cha mẹ luôn có tư tưởng áp đặt độc đoán đối với con cái, cho rằng mình là người lớn có quyền đối với con, bảo gì phải nghe nấy, cách xử sự như thế rất dễ dẫn đến bị coi thường và mất tình cảm, sự tôn trọng của con đối với cha mẹ.
 
Khi các con không đáp ứng được, hay mắc phải những sai lầm nào đó, cha mẹ sẵn sàng xúc phạm đến nhân phẩm, thân thể con như chửi rủa, nhục mạ, nhiếc móc, đánh đập con, bêu rếu nói xấu con trước người khác. Làm như thế, đứa trẻ sẽ hận cha mẹ và trong mắt con trẻ, cha mẹ chúng là những người xấu.
 
Lâu dần sẽ khiến trẻ rơi vào thế bị động, lo sợ, thiếu niềm tin với cha mẹ và không dám thổ lộ những suy nghĩ của bản thân, cho rằng cha mẹ không yêu thương mình. Cha mẹ cũng không nên cấm con làm một số việc hoặc ngăn cấm các mối quan hệ xã hội của con mà không giải thích cho con hiểu. Rất nhiều trẻ bị ức chế tinh thần, đã sa vào con đường hư hỏng chỉ để giải tỏa bức xúc bản thân. Do đó, rất dễ nhiễm dần các thói hư tật xấu.
 
Để khắc phục những sai lầm này, ngay từ những năm đầu đời, cha mẹ hãy luôn quan tâm và giáo dục con cái đến nơi, đến chốn. Luôn thể hiện sự tôn trọng, hiểu con và ngược lại tạo điều kiện cho con hiểu cha mẹ. Lắng nghe ý kiến và cho phép con tham gia phát biểu ý kiến với tư cách là thành viên gia đình, là người bạn.
 
Hỗ trợ giúp đỡ con giải quyết mọi vấn đề liên quan. Nếu con mắc lỗi, cha mẹ hãy phân tích góp ý và tạo cho con những cơ hội để sửa chữa lỗi lầm. Nếu cần trách phạt con, cha mẹ cần phân minh, vì nếu sơ suất trong cư xử để con chịu thiệt thòi sẽ hình thành những tâm lý không phục, mặc cảm, đối kháng ở trẻ và đây là yếu tố dễ dẫn đến trẻ hư hỏng, sa vào lỗi lầm.
 
Cha mẹ nên thể hiện sự công bằng, yêu thương các con như nhau. Mỗi người con đều có mặt mạnh yếu, hãy tìm khen những ưu điểm để động viên con phát huy. Thường xuyên quan tâm đến tâm tư, tình cảm, mối quan hệ bạn bè của con. Giúp con tự chủ, có tính độc lập, không ỷ lại vào cha mẹ và người khác. Cha mẹ cần làm gương cho con noi theo. Trong gia đình, cha mẹ phải luôn chú ý rèn luyện, tu dưỡng mình là tấm gương về đạo đức, nhân cách, là điểm tựa tinh thần của con để con noi theo và học tập.
 
Dạy con phải thế này, thế khác nhưng hành động của bản thân cha mẹ lại không gương mẫu, nói một đằng làm một nẻo. Điều đó làm cho việc giáo dục trở nên phản tác dụng. Trẻ không tin cha mẹ, không tin người lớn, tự tìm những lối đi riêng cho bản thân, mất phương hướng, trong đó có những con đường lạc lối đã đưa trẻ đến vi phạm pháp luật.
 
Với trẻ ở tuổi vị thành niên, cha mẹ cần phải hiểu và thông cảm, luôn gần gũi, chia sẻ với con, thường xuyên theo dõi mọi sự thay đổi của con. Tùy theo sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi mà có biện pháp giáo dục phù hợp. Các bậc cha mẹ cần quan tâm đặc biệt để định hướng, điều chỉnh với diễn biến tâm lý, không để trẻ tự do phát triển nhân cách. Cân nhắc, đáp ứng đúng những mong muốn, đề nghị của con nếu chính đáng, trao đổi giúp con hiểu rõ thông tin và đi đến có quyết định đúng.
 
Tạo điều kiện, giúp đỡ con tiếp cận thông tin, cơ hội phát triển, cùng con bàn bạc thực hiện kế hoạch bản thân. Hãy dìu dắt để trẻ tiếp thu được ngôn ngữ, hành vi ứng xử và những quy tắc đạo đức phù hợp. Tin rằng, với nền tảng gia đình cùng sự giáo dục phía nhà trường và sự quan tâm của toàn xã hội sẽ giúp trẻ phát triển nhân cách một cách toàn diện.

Hoa Lê
.