Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201303/26733-nan-chat-pha-rung-trai-phep-gia-tang-392210/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201303/26733-nan-chat-pha-rung-trai-phep-gia-tang-392210/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nạn chặt phá rừng trái phép gia tăng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 13/03/2013, 08:00 [GMT+7]
26733

Nạn chặt phá rừng trái phép gia tăng

"Nóng" tình trạng khai thác rừng trái phép
Thời điểm vào đầu năm 2012, ở Quế Phong trở thành tâm điểm của dư luận khi nơi đây rộ lên nạn khai thác lâm sản trái phép ở các Tiểu khu 49, 50 thuộc xã Thông Thụ. “Lâm tặc” tự do chặt gỗ rồi dùng trâu kéo ra bìa rừng sau đó tẩu tán bằng các phương tiện xe máy, ôtô về xuôi. Gỗ được tập kết rồi "thanh lý" qua nhiều con đường khác nhau.
 
Thậm chí có lúc, "hàng" sau khi tập kết ra cửa rừng được vận chuyển ngang nhiên trên các phương tiện từ xe con, xe máy đến ngay cả xe khách. Không hề lén lút, hàng chục “lâm tặc” sử dụng xe gắn máy không biển số chở những khúc gỗ "khủng" nối đuôi nhau phóng như bay trên Quốc lộ 48 và tuyến đường qua các xã Hạnh Dịch, Thông Thụ, Tiền Phong, huyện Quế Phong, gây nên nỗi hãi hùng cho không ít người dân.
 
Nghiêm trọng hơn, khi lực lượng Kiểm lâm huyện tiến hành kiểm tra, xử lý thì các “lâm tặc” đã "ra tay" chống lại người thi hành công vụ khiến cho tình hình ngày một diễn biến phức tạp.

Điển hình như vào hồi 15h45 ngày 15/8/2011, lực lượng Kiểm lâm huyện Quế Phong phát hiện một đối tượng dùng xe máy vận chuyển hơn 2 tấc gỗ trái phép. Tại đây, lực lượng Kiểm lâm đã tiến hành bắt giữ, lập biên bản và tịch thu số gỗ nói trên.
 
Vụ việc tưởng chừng như chỉ dừng lại ở đó nhưng vào khoảng 17h cùng ngày, một nhóm thanh niên do Trần Văn Thanh, em trai của đối tượng bị tịch thu gỗ cầm đầu đã đến Trạm Kiểm lâm địa bàn trung tâm để gây sự. Trần Văn Thanh đã lao thẳng vào Trạm đánh đập tới tấp cán bộ Kiểm lâm.
 
Thấy cán bộ Kiểm lâm Hoàng Huynh Đệ đang làm việc, Thanh bất ngờ tấn công dùng chân đạp và đánh liên tiếp. Chưa dừng lại ở đó, Trần Văn Thanh còn đến trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong để lăng mạ, đòi dùng dao chém cán bộ và chiến sỹ Kiểm lâm.
 
Cán bộ Hạt Kiểm lâm lập biên bản gỗ vi phạm
 
Không thể "làm ngơ" trước diễn biến xấu của tình hình, tình trạng khai thác trái phép rừng đã "nóng" lên mức báo động ở cả góc độ khách quan và chủ quan, các cấp liên quan buộc phải vào cuộc. Mới đây, trong quá trình kiểm tra tại Khu vực Na Lướm, tổ công tác đã phát hiện “lâm tặc” vào lán ở của kiểm lâm tại điểm chốt để hành hung, gây rối. Kiểm lâm đã thu giữ 5 bàn chông đóng đinh 10cm lên tấm gỗ, lấp dưới bùn để cản trở phá hoại xe công vụ kiểm lâm. Chưa kể “lâm tặc” còn đập phá xe ôtô của Ban Quản lý rừng phòng hộ.
 
Liều lĩnh nhất là vụ việc ông Lang Văn Bình - Xã đội trưởng xã Đồng Văn đã ngang nhiên sử dụng gỗ không có nguồn gốc hợp pháp để sơ chế thành đồ nhà và sau đó thuê 2 xe ôtô vận tải chở gỗ từ bản Đồng Tiến ra bản Đồng Mới thuộc xã Đồng Văn, trên đường vận chuyển bị Hạt Kiểm lâm phát hiện tạm giữ xe và lập biên bản. Ông Lang Văn Bình đã chửi bới, lăng mạ cán bộ Kiểm lâm và giật sào chắn, chỉ khi lực lượng Kiểm lâm nổ súng chỉ thiên cảnh cáo ông Bình mới dừng lại...

Bắt tay vào cuộc làm rõ trách nhiệm của những người liên quan, cơ quan chức năng chứng minh được chính quyền ở các xã đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý công tác bảo vệ rừng. Ngay cả khi UBND xã Thông Thụ đã "buông" cho người thân của cán bộ, đảng viên trong việc khai thác rừng trái phép. Kiểm điểm trách nhiệm của Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Thông Thụ trong việc rừng bị phá. Kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND xã Thông Thụ trong việc xác nhận đơn xin khai thác gỗ làm nhà sai quy định.

Và khi "mấu chốt" của vấn đề được tháo gỡ, khi UBND tỉnh đã có ý kiến giao Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tiến hành làm rõ những "người thi hành công vụ" là tập thể, cá nhân thuộc Hạt Kiểm lâm Quế Phong trong việc buông lỏng công tác kiểm tra, quản lý rừng để xảy ra tình trạng trên. Đến cuối năm 2012, ngành chức năng đã làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân thuộc các Trạm và Kiểm lâm địa bàn. 3 cán bộ bị kỷ luật, luân chuyển 6 cán bộ là những hình thức xử lý đã được dư luận và nhân dân đồng tình cao.

Ông Lê Hải Lý - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quế Phong cho biết: Với sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên, Hạt Kiểm lâm huyện đã thực sự vào cuộc. Theo đó, đã kiện toàn lực lượng 3 trạm bảo vệ rừng ở Đồng Văn, Hạnh Dịch, Tiền Phong. Từ 3 trạm trên được chia thành 8 điểm chốt chặn tại các cửa rừng như Hủa Mướng, Xốp Co, Na Lướm… Các trạm này ngoài tuần tra, canh gác phát hiện, xử lý còn được phối kết hợp với địa phương, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng để bảo vệ rừng.
 
Gỗ và tang vật là phương tiện vi phạm
 
Cụ thể như tại địa bàn xã Hạnh Dịch, lực lượng Kiểm lâm đã cùng phối hợp với Đồn Biên phòng Hạnh Dịch "hạ nhiệt" tình trạng khai thác  rừng pơ mu ở giáp biên giới Việt - Lào, trên tuyến đường này tuyệt đối không có tình trạng vận chuyển gỗ lậu. Tại khu vực Na Lướm - Khu tái định cư Thuỷ điện Hủa Na xa nhất, Hạt Kiểm lâm đã tăng cường kiểm soát và đẩy đuổi “lâm tặc”; huỷ con đường trước đây bà con di dời nhà cửa ra khu tái định cư mà “lâm tặc” lợi dụng vận chuyển gỗ lậu.
 
Cùng với đó, UBND huyện Quế Phong cũng đã chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức thống kê gỗ tích trữ trong dân, ký cam kết với các hộ về khai thác, sử dụng lâm sản. Từ thời điểm tháng 8/2012 đến nay, huyện đã thành lập Đoàn liên ngành, tổ chức kiểm tra truy quét “lâm tặc”  và xử lý lâm sản.
Để người dân là một "chiến sỹ" trên mặt trận bảo vệ rừng
Bước vào những tháng đầu năm 2013, tình hình vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Quế Phong đã được "hạ nhiệt", song còn ẩn chứa những diễn biến phức tạp, cả về số vụ lẫn số đối tượng vi phạm. Các ngành chức năng của huyện đang tăng cường triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế tối đa các hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản trên địa bàn, góp phần chấn chỉnh được tình trạng trên.

Theo báo cáo tổng hợp của Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong, bước vào mùa khô những tháng cuối năm 2012 và quý 1/2013, Hạt đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện, tiến hành xử lý 3 vụ vi phạm về quy định quản lý bảo vệ rừng, 26 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép và 10 vụ vi phạm quy định về chế biến gỗ và lâm sản khác, tịch thu 58,25m3 gỗ, 1 động vật rừng. Điều chú ý là trong số các vụ việc vi phạm, đối tượng là hộ gia đình, cá nhân chiếm đến 36/36 vụ. Trong đó, tập trung tại các xã có rừng giáp ranh Thanh Hóa và trong khu rừng đặc dụng Pù Hoạt.

Ông Lê Hải Lý - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong cho biết: Bước vào mùa khô 2013 cũng là thời điểm nông nhàn của bà con, người dân sinh sống tại các vùng rừng đặc dụng thường lén lút lên rừng khai thác lâm sản trái phép để bán cho các đầu nậu, bất chấp những quy định của Nhà nước cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng ở địa phương.
 
Nắm được tình hình này, Hạt Kiểm lâm huyện đã chủ động tăng cường cán bộ kiểm lâm xuống các địa bàn, đồng thời tiến hành luân chuyển địa điểm các tổ chốt ở các trạm và ở kiểm lâm địa bàn cho phù hợp với từng địa bàn, nhằm truy quét, ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép, gây hủy hoại môi trường trên địa bàn Quế Phong.

Để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng trong mùa khô năm nay, Hạt Kiểm lâm đã chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành Chỉ thị 24/2012 ngày 29/11/2012 về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và PCCCR mùa khô 2012 - 2013 cùng với các phương án, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, trong đó tập trung tuyên truyền, quán triệt các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng, đồng thời phổ biến sâu rộng các chính sách đầu tư phát triển rừng cho mọi tầng lớp nhân dân.
 
Song song với đó, tiến hành rà soát, thống kê các đối tượng thường xuyên vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng để có những biện pháp giáo dục, răn đe kịp thời; tham gia xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành trong việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến pháp luật bảo vệ rừng.

Mặt khác, lực lượng liên quan tăng cường công tác tuần tra, thanh kiểm tra nhằm quản lý bảo vệ tài nguyên rừng tận gốc, nhất là tổ công tác liên ngành tại khu vực lòng hồ (gồm Công an, Kiểm lâm, Quân sự, Biên phòng, UBND các xã) kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, đồng thời triệt phá các ổ nhóm, tụ điểm khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản, tiến hành khởi tố trước pháp luật đối với các đối tượng tái phạm, vi phạm nhiều lần, vi phạm có tổ chức, chống người thi hành công vụ, nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.

Xuân Thống - Đức Thắng
.