Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201212/24743-vui-it-he-luy-nhieu-393759/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201212/24743-vui-it-he-luy-nhieu-393759/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Vui ít, hệ luỵ nhiều! - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 11/12/2012, 07:00 [GMT+7]
24743

Vui ít, hệ luỵ nhiều!

Không ít người do “quá chén”, không kiểm soát được hành vi của mình, lời qua tiếng lại dẫn tới xích mích, xô xát, thậm chí còn sử dụng hung khí đâm chém nhau, gây ra những vụ trọng án, không chỉ khiến cho bản thân phải rơi vào vòng lao lý mà còn làm cho ngày vui của gia chủ không được trọn vẹn.
 
Khi “ma men” dẫn lối đưa đường

Trong thời gian qua, trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra một số vụ án nghiêm trọng mà thủ phạm đã sử dụng rượu, bia quá đà trong các đám cưới. Khi thực hiện hành vi phạm tội, phần lớn trong số họ không ý thức được hậu quả, chủ yếu do “ma men” xui khiến. Chỉ khi đứng trước vành móng ngựa, chuẩn bị đón nhận sự trừng phạt thích đáng của pháp luật, có hối hận thì mọi việc đã quá muộn màng.
 
Ngày 27/9, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa xét xử bị can Nguyễn Ngô Tuấn, 27 tuổi, quê ở huyện Anh Sơn, phạm tội giết người sau khi uống rượu trong đám cưới.
 
Theo cáo trạng, đêm 16/5/2012, Tuấn cùng vợ sang nhà hàng xóm dự đám cưới. Tại đây, Tuấn gặp bạn là Lê Xuân Trà, liền rót chén rượu mời nhưng bị từ chối. Cho rằng, từ chối uống rượu tức là Trà đã làm mất mặt mình, Tuấn tỏ ra hậm hực. Sau cuộc rượu, Tuấn thủ sẵn trong người con dao, gọi anh Trà ra để “nói chuyện”. Hậu quả là nạn nhân Lê Xuân Trà bị Tuấn đâm chết ngay tại chỗ.
 
Trước vành móng ngựa, Tuấn đã khai nhận mọi tội lỗi của mình và cho rằng: Rượu chính là một trong những tác nhân dẫn tới hành vi nông nổi của hắn. Theo lời kể của vợ thủ phạm thì khi có hơi men, Tuấn dường như trở thành một con người khác, tính nết trở nên cộc cằn, nóng nảy. “Cứ uống rượu vào, anh ấy lại không làm chủ được mình” - người phụ nữ xót xa trong dòng nước mắt tại phiên xét xử.
 
Việc lạm dụng rượu bia trong đám cưới đã để lại không ít hệ lụy đáng tiếc - Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 13/9, TAND tỉnh Nghệ An cũng đã mở phiên tòa hình sự xét xử các bị can Lô Thành Linh (SN 1992) và Lô Văn Tuấn (SN 1990) trú tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông về tội giết người, Lô Văn Hoàn (SN 1992), ở cùng địa phương về tội không tố giác tội phạm.
 
Theo cáo trạng, ngày 12/3/2012, Linh, Tuấn, Hoàn đến dự đám cưới một người bạn. Tại tiệc rượu, Linh sang bàn khác mời rượu anh Hà Văn Tim. Do đã say và không quen biết nên anh Tim từ chối. Bực mình, Linh đã lên kế hoạch cùng Hoàn và Tuấn chặn đánh anh Tim. Tan cuộc rượu, Linh đã đón đường gây sự rồi dùng cây gậy gỗ đã được Tuấn chuẩn bị trước đó đánh vào đầu và bụng khiến anh Tim bất tỉnh tại chỗ. Dù đã được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, anh Tim đã tử vong ngay sau đó.
 
Hành vi phạm tội của Lô Thành Linh đã phải trả giá bằng bản án 20 năm tù giam, các bị can khác là Tuấn và Hoàn cũng phải nhận những hình phạt thích đáng. Ngoài ra, các bị can còn phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 102 triệu đồng.

Có thể nhận thấy, các vụ trọng án nêu trên đều có điểm chung: Thủ phạm trước khi gây án đã sử dụng khá nhiều rượu trong các đám cưới. Có sẵn hơi men cùng với một phút nông nổi, bốc đồng đã khiến họ không đủ tỉnh táo, sáng suốt để suy nghĩ tới hậu quả từ hành vi do mình gây ra. Dù xảy ra ngay tại nơi tổ chức đám cưới hay một nơi khác thì những vụ xích mích, gây gổ đánh nhau sau cuộc rượu gây hậu quả nghiêm trọng cũng khiến cho ngày vui của các gia đình có đám cưới bị ảnh hưởng ít nhiều.
Sử dụng rượu, bia trong các đám cưới: Đâu là điểm dừng?

Thực tế cho thấy, tình trạng sử dụng rượu, bia “thả phanh” không chỉ diễn ra trong các đám cưới ở thành thị mà còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều vùng nông thôn hiện nay. Ở các vùng quê, đám cưới thường diễn ra trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 ngày, từ khi dựng rạp, mời khách, cho đến lúc hạ rạp. Cùng với mức độ “hoành tráng” về số lượng mâm cỗ, khách mời, một đám cưới tiêu thụ đến hàng trăm lít rượu, hàng chục két bia được xem là “chuyện bình thường”.
 
Với quan niệm “Đời người chỉ cưới có một lần”, đám cưới là ngày trọng đại, tâm lý của nhiều gia chủ cũng muốn thực khách uống được thoải mái để “vui tới bến” nên không ngần ngại tiếp tế rượu, bia. Hết chai rượu này đã có chai rượu khác, hết két bia này đã có két bia khác. Cứ thế, mâm này giao lưu với mâm khác, người này “gặp gỡ” với người kia. Đến khi tàn cuộc, nhiều thực khách đã chếnh choáng hơi men.
 
Khi đã “quá chén”, rượu vào, lời ra, những vụ mâu thuẫn dẫn tới xô xát, đánh nhau cũng khởi nguồn từ đó. Bên cạnh tình trạng xô xát đánh nhau, hiện tượng thanh niên phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm sau khi sử dụng nhiều rượu, bia trong đám cưới cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới tai nạn giao thông.

Để không còn những vụ việc đáng tiếc xảy ra do việc sử dụng nhiều rượu, bia trong các đám cưới, mỗi thực khách trước khi ngồi vào mâm cần xác định đâu là điểm dừng, tránh tình trạng uống quá đà dẫn tới không kiểm soát được hành vi của mình. Điều quan trọng là, gia chủ cần tổ chức đám cưới sao cho đơn giản, tiết kiệm mà có ý nghĩa, tránh linh đình, phô trương. Việc hạn chế hoặc có “quy định” số lượng rượu, bia thực khách sử dụng trong bàn tiệc cũng sẽ góp phần hạn chế những hệ lụy đáng tiếc do tình trạng “quá chén” gây ra.
 
Đã đến lúc, cần hình thành văn hóa sử dụng rượu, bia trong các đám cưới. Đó cũng là biện pháp góp phần làm cho niềm vui trong ngày cưới thực sự được trọn vẹn.

Bùi Minh Tuấn
.