Chúng dùng rất nhiều mưu kế để dụ dỗ, lôi kéo các cháu đi theo. Và, để đạt được ý đồ xấu xa của mình, bọn chúng thường xuyên thay đổi thủ đoạn, phương thức hoạt động, gây không ít khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra xử lý của các cơ quan chức năng.
Gần đây, nạn bắt cóc trẻ em tiếp tục rộ lên ở nhiều tỉnh thành trong cả nước càng khiến các bậc phụ huynh lo lắng hơn về sự an toàn của con mình khi không có bố, mẹ ở bên cạnh. Bọn tội phạm chú trọng đến đối tượng trẻ em để thực hiện hành vi mất nhân tính “bắt cóc tống tiền”, nếu không lấy được tiền chúng sẵn sàng ra tay giết hại các cháu.
Các vụ bắt cóc trẻ em không chỉ ở các trường học mà còn xảy ra ngay tại gia đình, gây hậu quả hết sức nghiêm trọng. Ngoài những thủ đoạn dụ dỗ, nhiều trẻ cũng bị các đối tượng xấu dọa nạt, thậm chí đánh đập để bé sợ và đi theo bọn chúng. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng bọn tội phạm không thể có cơ hội nếu phụ huynh, nhà trường đề cao cảnh giác.
Một đối tượng bắt cóc trẻ em bị Công an huyện Nghi Lộc bắt giữ
Vụ việc xảy ra cách đây không lâu tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc có thể xem là một bài học về sự mất cảnh giác của người nhà nạn nhân. Sau một vài lần đến nhà chơi, lợi dụng sự tin tưởng của mọi người trong gia đình, đối tượng Nguyễn Thị Huệ (SN 1987), trú tại xóm Trong, xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã bắt cóc cháu Lê Thị Na Na (3 tuổi), con anh Lê Tiến Dũng (SN 1984) và chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1984) để gây sức ép buộc bác ruột cháu Na là anh Lê Viết Duẩn phải trả lại tiền cho người nhà của Huệ.
Nếu như người lớn luôn nâng cao cảnh giác, quản lý con em mình chặt chẽ thì sẽ không để những vụ việc đáng tiếc xảy ra. Thường các đối tượng bắt cóc trẻ con bao giờ cũng nhằm những mục đích xấu. Có vụ, chúng nhằm vào tài sản các cháu đang mang trên người để cướp. Có vụ, bọn bắt cóc lại nhằm vào các cháu bé có hoàn cảnh kinh tế gia đình khá giả để tống tiền cha mẹ các cháu.
Điển hình như vụ bắt cóc cháu Nguyễn Phúc Thọ (SN 2007) xảy ra vào ngày 19/3/2012, tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc. Sau khi bắt cóc cháu Thọ, đối tượng Đặng Thế Hưng (SN 1984) cũng chính là cậu họ của cháu Thọ, đã nhắn tin đòi gia đình phải chuyển 180 triệu đồng thì mới thả cháu bé về. Không những thế, sau khi nhắn tin cho mẹ cháu Thọ và một số người thân trong gia đình, đối tượng liên tục thay đổi số điện thoại di động để liên lạc vừa đe dọa sẽ sát hại cháu Thọ nếu gia đình báo công an.
Hắn còn hướng dẫn người nhà nạn nhân cách chuyển tiền vào tài khoản cho y. Việc bắt cóc tống tiền là một nhẽ, thế nhưng ở một số vụ bắt cóc, do các cháu quá sợ hãi, khóc lóc, không chịu tuân theo mệnh lệnh của những kẻ bắt cóc nên hậu quả đau lòng đã xảy ra. Chỉ vì sợ bị lộ nên bọn chúng đã nhẫn tâm thủ tiêu các cháu trước khi giao nộp cho gia đình để lấy tiền chuộc.
Có thể thấy, hành động, mánh khóe của tội phạm bắt cóc trẻ em ngày càng xảo trá và tinh vi hơn. Vì vậy, để tránh những hậu quả đau lòng đáng tiếc xảy ra, các bậc phụ huynh nên quản lý chặt chẽ con em mình và cảnh giác cao độ trong mọi trường hợp. Phải nhắc nhở các cháu không nên tiếp xúc và nghe theo lời người lạ, tuyệt đối không được đi theo họ cho dù họ có đưa bất cứ thứ gì ra để dụ dỗ, lôi kéo. Phụ huynh cũng không nên đeo các loại tư trang cho các cháu.
Đa phần đối tượng bắt cóc đều có quen biết với gia đình và cháu bé nên dễ lừa gạt và dụ dỗ các cháu đi theo. Khi gặp tình huống trẻ bị bắt cóc, đe dọa, gia đình cần bình tĩnh phối hợp với cơ quan công an nhờ giúp đỡ. Các trường học cần quán triệt với phụ huynh có trách nhiệm đưa đón con khi đến trường và tan trường, hạn chế việc nhờ vả đưa đón con.
Không nên để các cháu đứng ngoài cổng trường chờ bố mẹ đến đón muộn bởi đây chính là khoảng thời gian mà các đối tượng phạm tội thường lợi dụng để bắt cóc. Các giáo viên nhất là bậc mầm non cần phải cảnh giác cao độ và tuyệt đối không được giao con trẻ cho người lạ mặt.
Lê Hoa
.