1. Tình trạng vi phạm pháp luật trong giới trẻ đang có chiều hướng gia tăng. Điều đáng quan tâm là so với những năm trước, đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa và hành vi phạm tội cũng như tính chất, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng hơn.
Trong rất nhiều vụ bạo lực học đường, giết người, cướp của… do giới trẻ gây ra thời gian qua, có nhiều vụ động cơ gây án xuất phát từ những lý do “không đáng có” như: bị “nhìn đểu”, do xích mích, cãi vã, bất đồng quan điểm hay bị xúi giục… Nhưng cũng có những vụ án nghiêm trọng xảy ra do “người trong cuộc” có lối sống ích kỷ, buông thả, lười lao động, thích hưởng thụ.
Trường hợp sát thủ Lê Văn Luyện trong vụ cướp tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang là một minh chứng điển hình. Trong nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng đã xảy ra mà đối tượng vi phạm là những người trẻ tuổi, đã xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp hành xử côn đồ theo lối “bầy đàn”. Những băng nhóm tội phạm trẻ tuổi này là tập hợp của những thanh, thiếu niên chơi bời, hư hỏng, bỏ học, bỏ gia đình đi “bụi”.
Rất nhiều thanh niên sớm phải đứng trước vành móng ngựa vì vi phạm pháp luật
Tính chất, mức độ phạm tội của những băng nhóm “tuổi teen” này thường rất manh động, nguy hiểm. Nếu như trước đây chỉ dừng lại ở “xin đểu”, trộm cắp vặt thì nay đã có nhiều vụ cướp của, giết người.
Mục đích phạm tội chủ yếu của những kẻ “cùng hội, cùng thuyền” sống ngoài vòng pháp luật này là để kiếm thật nhiều tiền, cùng nhau tiêu xài, ăn chơi xả láng, thỏa mãn những dục vọng bản năng. Nếu như không có biện pháp đồng bộ, quyết liệt kịp thời ngăn chặn, trấn áp thì hiện tượng “trẻ hóa” tội phạm sẽ ngày càng lan rộng, tạo ra sự bất an trong đời sống xã hội.
2. Trong nhiều vụ trẻ vị thành niên phạm pháp với mức độ nghiêm trọng có một phần lỗi không nhỏ thuộc về phía gia đình. Thống kê của các nhà xã hội học đã cho thấy, phần lớn các đối tượng trẻ tuổi phạm tội đều xuất thân trong những gia đình thiếu nề nếp, thiếu tình thương yêu, che chở, săn sóc, định hướng cần thiết đối với con em mình.
Có không ít bậc phụ huynh còn phó mặc việc giáo dục đạo đức, nhân cách của con em mình cho nhà trường. Chỉ khi “sự đã rồi”, họ có hối hận, nuối tiếc thì mọi chuyện cũng đã quá muộn màng. Cũng có những bậc phụ huynh tự biến mình thành những “tấm gương mờ” trong mắt của con trẻ với những hành động, việc làm, cách hành xử thiếu chuẩn mực, trái đạo đức, thậm chí là có những hành vi vi phạm pháp luật.
Sự nuông chiều, buông lỏng, thiếu định hướng, uốn nắn kịp thời của các bậc phụ huynh dễ “tiếp tay” cho những hành vi bột phát, nông nổi của các em. Nhất là trong thời điểm hiện nay, giới trẻ có nhiều cơ hội để tiếp xúc với phim ảnh bạo lực hay những hình ảnh bắn giết vô tội vạ nhan nhản, được mô tả kỹ lưỡng trong các game bạo lực. Bị ám ảnh bởi những hình ảnh ấy, khi gặp những tình huống có thực ở ngoài đời, các em dễ bị kích động và chọn lối hành xử theo quán tính, bản năng.
Một khía cạnh khác cũng cần được lưu tâm là có không ít bậc phụ huynh còn tỏ thái độ bất hợp tác với các cơ quan chức năng, thậm chí còn bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật của con em mình. Trong một số vụ án những người thân trong gia đình còn có hành vi cố tình che giấu, không tố giác tội phạm.
Tình thương đặt nhầm chỗ và sự thiếu hiểu biết pháp luật đã dẫn tới hành vi che giấu của họ, khiến cho lực lượng chức năng vất vả trong quá trình truy tìm tung tích. Không chỉ những người thân thiết, ruột rà, huyết thống trong gia đình, trong xã hội hiện nay vẫn còn tồn tại không ít người có thái độ bàng quan, dửng dưng với mọi việc xảy ra xung quanh mình. Khi biết được dấu hiệu, tung tích của kẻ phạm tội cũng “nhắm mắt làm ngơ”, “không dại gì mà dính vào”… khiến cho cái xấu, cái ác có điều kiện lẩn khuất để rồi gây ra những tổn thất nghiêm trọng đối với xã hội.
3. Hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường và công tác tuyên truyền pháp luật ở địa phương chưa cao. Trong nhà trường, so với dạy chữ, việc “dạy người” đang có phần bị xem nhẹ. Học sinh chưa được trang bị một cách bài bản, có hệ thống những kiến thức cơ bản về pháp luật để có thể phân biệt được rạch ròi việc gì nên làm và những hành vi gì không được phép làm.
Tổ chức Đoàn thanh niên trong các trường học đã có nỗ lực trong việc tạo ra các sân chơi lành mạnh để thu hút đoàn viên học sinh tham gia nhưng chưa đủ sức hấp dẫn, cuốn hút nên hiệu quả còn thấp. Không ít học sinh hiện nay còn thờ ơ với các phong trào, hoạt động của tổ chức Đoàn - Đội, thiếu hòa đồng, sống khép mình với bạn bè, khi về nhà, ít trò chuyện, chia sẻ với người thân, dễ bị kẻ xấu lôi kéo, kích động.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đối tượng thanh, thiếu niến ở nhiều địa phương, nhất là ở các địa bàn phường, xã, khối, xóm hiện nay cũng đang còn nhiều hạn chế, bất cập. Qua tìm hiểu được biết, ở nhiều điểm bưu điện văn hóa phường, xã hiện nay đều có tủ sách pháp luật, các loại báo, tạp chí liên quan tới pháp luật, an ninh nhưng lại không thu hút được nhiều đối tượng người đọc là giới trẻ.
Các hình thức tuyên truyền khác như: Loa phát thanh, phát tờ rơi… ở nhiều lúc, nhiều nơi còn mang tính “thời vụ”, hình thức, thiếu chiều sâu. Khi mà các kiến thức về Hiến pháp, pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống, người dân chưa kịp thời nắm bắt và tự giác thực hiện thì ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật trong giới trẻ vẫn còn là bài toán nan giải.
Bùi Minh Tuấn
.