Đây là kênh thông tin quan trọng góp phần gìn giữ ANTT và đảm bảo tính bền vững cho công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm đang có xu hướng gia tăng phức tạp. Đẩy mạnh việc đưa pháp luật vào đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số là góp phần gìn giữ bình yên cho những bản làng vùng cao.
Những điều còn trăn trở
Một thực tế đáng báo động đối với số lượng các đối tượng phạm tội trong xã hội hiện nay, người dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu vùng xa vẫn chiếm tỷ lệ khá cao. Nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật của hầu hết các loại đối tượng phạm tội là đồng bào vùng cao đều do kém hiểu biết luật pháp. Nói cách khác, trình độ dân trí, vốn hiểu biết pháp luật của người dân vùng cao hiện nay còn thiếu đồng bộ.
Nhiều bản làng vùng cao ở các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông… vẫn chiếm một tỷ lệ khá lớn người nghiện ma tuý và buôn bán trái phép “nàng tiên nâu”. Cũng vì số đông đối tượng nghiện tập trung ở những địa bàn nói trên nên đã dẫn đến tình trạng buôn bán trái phép chất ma tuý còn nhiều.
Đó cũng vì trình độ hiểu biết pháp luật của bà con còn hạn chế nên kẻ xấu có thể dễ dàng lợi dụng để hoạt động. Dù chưa có con số thống kê chính xác tỷ lệ bà con vùng cao vi phạm pháp luật về buôn bán trái phép chất ma tuý nhưng qua các phương tiện thông tin truyền thông phản ánh cũng cho thấy một số đối tượng nổi cộm là người dân tộc thiểu số.
Nhiều chuyên án mà lực lượng công an xác lập trong thời gian qua nhằm đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép chất ma tuý cũng xảy ra tại các địa bàn vốn được xem là “truyền thống” chủ yếu ở các huyện như Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn… Từ đó, cũng cho chúng ta thấy, tỷ lệ người dân vùng cao vi phạm pháp luật đang ngày càng “nóng” hơn bao giờ hết.
Hay như việc một số đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con vùng cao để xúi dục, câu kết với người dân bản địa để lừa phỉnh những thiếu nữ nơi đây rồi bán sang Trung Quốc mà báo chí đã phản ánh trong thời gian vừa qua ở Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn là một ví dụ điển hình. Việc kém hiểu biết pháp luật và một phần vì món hời trước mắt đã lôi kéo chính những người dân bản địa lừa phỉnh con em mình rồi trao bán cho đối tượng khác.
Một tiểu phẩm về ma tuý được lồng ghép trong cuộc thi tìm hiểu
pháp luật đối với bà con vùng cao
Hoặc việc đa phần thiếu nữ vùng cao rủ nhau xuống thành phố, đồng bằng, bãi biển… sa vào tệ nạn xã hội còn khá nhiều hiện nay. Vẫn không thể tránh khỏi cái nghèo đang đeo bám họ nhưng những người này đâu có biết được một số hành vi tệ nạn xã hội cũng là vi phạm pháp luật? Tình hình ANTT và an toàn xã hội cũng bị ảnh hưởng bởi những tệ nạn này mang lại.
Thực tiễn hoá cách tuyên truyền pháp luật vào đời sống người dân
Vấn đề tuyên truyền đưa pháp luật vào đời sống của người dân vùng cao lâu nay được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, đồng thời có những chính sách hợp lý nhằm nâng cao trình độ hiểu biết của bà con về lối sống an toàn, lành mạnh. Ở Nghệ An, từ thực trạng đáng báo động về số đối tượng vi phạm pháp luật là người dân tộc thiểu số tăng cao, tỉnh ta đã có nhiều biện pháp tuyên truyền ngăn chặn nhằm giảm tối đa người phạm tội.
Thời gian gần đây, nhiều cuộc thi, hội diễn từ địa phương tới tỉnh đã được tổ chức nhằm tuyên truyền cho bà con vùng cao phần nào hiểu: Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Phòng chống ma tuý; Luật Hôn nhân và Gia đình; những quy định về việc mang hàng hóa, nông sản qua biên giới.
Nhiều tiểu phẩm quen thuộc như: Bắt con gái bỏ học lấy chồng sớm; tuỳ tiện săn bắt chim, thú; đốn phá cây rừng; nghiện hút ma tuý… đều được bắt nguồn từ thực tiễn sinh động vùng cao. Từ đó, giúp bà con dễ học, dễ nhớ và hiểu biết về pháp luật.
Chị Nguyễn Thị Hai, dân tộc Thổ ở xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Đàn) cho biết: “Ở xã chúng tôi có 90% là người dân tộc Thổ, trong những năm qua chúng tôi thường xuyên được chính quyền tuyên truyền các nội dung pháp luật về luật bình đẳng giới, luật biên giới quốc gia… thông qua nhiều hình thức khác nhau, từ đó giúp chúng tôi hiểu và chấp hành pháp luật của Đảng và Nhà nước”.
Nói về cách tuyên truyền đưa pháp luật vào đời sống người dân vùng cao, ông Lương Quang Kình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Tỉnh Nghệ An có khoảng 20 dân tộc thiểu số, trong đó có các dân tộc có số người đông như Thái, Mông, Thổ, Khơ Mú… ở 10 huyện miền núi, chiếm khoảng 14% dân số toàn tỉnh.
Trong những năm qua, việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật được các cấp, các ngành trong tỉnh chú trọng và phối hợp thực hiện có hiệu quả, giúp người dân tộc nhận thức, thực hiện pháp luật của Đảng, Nhà nước, góp phần thúc đầy kinh tế - xã hội phát triển”. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là cách tuyên truyền bước đệm, còn việc thực tiễn hoá trong đời sống bà con hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức.
Vì vậy, để cụ thể hoá cách tuyên truyền việc ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật đối với bà con vùng cao phải được lồng ghép vào đời sống sinh hoạt của người dân một cách thường xuyên, sâu rộng hơn. Hơn nữa, cần xây dựng và có chính sách duy trì các “thủ lĩnh” là những người nói lời hay, làm việc tốt ở các bản làng, nhân tố quan trọng để bà con vùng cao học tập và làm theo.
Làm tốt vấn đề này, chính là khâu quan trọng để góp phần giữ gìn ANTT và sự bình yên cho những nếp nhà vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi khó khăn, tạo đà cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội nơi miền Tây xứ Nghệ.
Ngọc Thái
.