Liên Sở NN&PTNT, Sở LĐTB&XH và Sở Tài chính tỉnh Nghệ An đã có hướng dẫn chính sách cấp gạo cứu đói cho nông dân vùng bị dịch vàng lùn, xoắn lá lúa theo Quyết định số 1555/QĐ-TTg ngày 29/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Theo hướng dẫn này, việc hỗ trợ phải bảo đảm tính công khai, dân chủ, đúng đối tượng và được bình xét từ thôn bản. Thế nhưng tại xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ, cán bộ xã đã lập khống diện tích và được cán bộ huyện thẩm định nhằm rút tiền của Nhà nước, trong khi đó việc phân phối tiền và gạo cứu trợ lại không minh bạch làm người dân hết sức bất bình.
Nghĩa Hợp là xã nghèo của huyện Tân Kỳ, đất nông nghiệp ít, đời sống bà con nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thời tiết hết sức khắc nghiệt, dịch bệnh hoành hành ngay từ đầu vụ nên tại địa phương này đã xuất hiện dịch vàng lùn, xoắn lá lúa trên diện rộng gây mất trắng lúa vụ Thu.
Trước sự thiệt hại đối với bà con nông dân, UBND tỉnh đã có Hướng dẫn số 2877 ngày 16/10/2009 thực hiện việc cứu đói cho nông dân vùng bị dịch vàng lùn, xoắn lá lúa. Xã Nghĩa Hợp đã cử ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban triển khai rà soát diện tích cấy lúa của các hộ gia đình bị thiệt hại, lên danh sách để được hưởng chế độ cứu trợ của Nhà nước.
Sau một thời gian thống kê rà soát, với quyền Trưởng ban, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh đã chỉ đạo các nhân viên trong ban chống dịch lập hồ sơ báo cáo tổng số diện tích lúa bị thiệt hại lên tới 70,8 ha. Sau đó, được các ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng phòng và ông Nguyễn Hữu Nghị - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Kỳ duyệt thẩm định. Mọi công việc đều đã hoàn tất, xã Nghĩa Hợp được nhận hỗ trợ số gạo thiếu đói là 29.725kg và số tiền 283.190.000 đồng cho nông dân trong vụ Thu năm 2009.
Thế nhưng điều đáng nói ở đây là một thời gian sau, người dân phát hiện có việc mờ ám trong việc nhận tiền cứu trợ của Chính phủ và đã gửi đơn thư khiếu nại lên lãnh đạo huyện Tân Kỳ.
Ngày 4/11/2010, UBND huyện Tân Kỳ đã có Quyết định số 3246/QĐ-UBND-KT về việc xác minh nội dung tố cáo của công dân đối với ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hợp.
Xét nội dung tố cáo, văn bản giải trình của người bị tố cáo, báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo và các tài liệu bằng chứng có liên quan, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ đã có Kết luận số 01/KL-UBND ngày 4/8/2011 đối với ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hợp và những người liên quan.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hợp chỉ nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo cho sai phạm của mình
Kết luận có đoạn nêu: Trong tổng số 70,8 ha bị nhiễm bệnh nặng của xã Nghĩa Hợp, có 12,9576 ha ruộng tại khu vực Đồng Bắn không sản xuất, UBND xã Nghĩa Hợp biết việc đó nhưng vẫn lập hồ sơ là diện tích lúa bị nhiễm bệnh nặng để trình Phòng NN&PTNT thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt hưởng hỗ trợ dập dịch vàng lùn, xoắn lá lúa của Nhà nước. Hành vi này trái với quy định của UBND tỉnh Nghệ An và Thủ tướng Chính phủ…
Việc UBND xã Nghĩa Hợp đã lập hồ sơ sai đối tượng thụ hưởng dẫn đến việc thẩm định và phê duyệt cho nhân dân xã Nghĩa Hợp được hưởng hỗ trợ dập dịch sai quy định với tổng diện tích ruộng lúa là 12,9576 ha, tương ứng với tổng giá trị thành tiền được chấp nhận hỗ trợ là 210.431.050 đồng…
Hậu quả của hành vi sai phạm đó đã làm thiệt hại ngân sách Nhà nước tương ứng với số tiền là 95.687.000 đồng, trong đó: Hỗ trợ về tiền là 51.830.400 đồng, hỗ trợ về gạo là 5.159,6kg… Hành vi và mức độ hậu quả của hành vi này có dấu hiệu vi phạm Điều 165, Bộ luật Hình sự về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”…
Trong Kết luận còn nêu những hành vi vi phạm pháp luật của những người liên quan như ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng phòng và ông Nguyễn Hữu Nghị - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện đã tham mưu cho UBND huyện phúc tra kết quả nghiệm thu của UBND xã Nghĩa Hợp sai quy định dẫn đến những sai phạm trái pháp luật.
Mặc dù UBND huyện Tân Kỳ đã kết luận hành vi của ông Nguyễn Ngọc Quỳnh có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng lấy lí do ông Quỳnh đã khắc phục hậu quả bằng hình thức nộp số tiền sai phạm vào tài khoản tạm giữ của UBND huyện nên việc xử lý kỷ luật ông Quỳnh rất nhẹ tay!?
Việc làm này khiến người dân xã Nghĩa Hợp càng bất bình nên họ tiếp tục gửi đơn thư khiếu nại lên công luận đề nghị làm rõ theo quy định của pháp luật.
Chiều 11/6, chúng tôi tìm về xã Nghĩa Hợp để gặp hai phụ nữ đã viết đơn khiếu nại, cả hai bà phấn khởi đưa cho chúng tôi nhiều tài liệu quan trọng về vụ việc trên.
Bà Bùi Thị Liên trú tại xóm 5, xã Nghĩa Hợp, là giáo viên đã nghỉ hưu nói giọng lo lắng: “Sau khi tôi viết đơn khiếu nại gửi UBND huyện về việc ông Nguyễn Ngọc Quỳnh đã lập hồ sơ khống diện tích 16,7 ha để hưởng lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước 210.431.000 đồng. Một thời gian sau, ông Quỳnh và vợ đã đến gia đình tôi nhiều lần xin tôi rút lại đơn khiếu nại nhưng tôi không đồng ý. Và sau đó tôi bị bọn xấu khủng bố, đe dọa bằng cách ném đá vào nhà, phá hỏng đường dây điện thắp sáng...”.
Còn bà Nguyễn Thị Lan trú tại xóm 2, xã Nghĩa Hợp thì cho biết, vợ chồng bà cũng bị kẻ xấu đánh bị thương vừa đi bệnh viện về. Bà còn đưa cho chúng tôi xem tài liệu về buổi làm việc của cán bộ UBND huyện Tân Kỳ với bà vào ngày 22/5/2012 để làm rõ việc bà khiếu nại về những khuất tất của ông Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hợp trong việc lập khống diện tích nhằm lấy tiền Nhà nước hỗ trợ cho người dân có diện tích lúa bị bệnh vàng lùn, xoắn lá lúa.
Biên bản có đoạn ghi lời bà Lan: “Đợt 2 cấp gạo, cán bộ xóm đã lập 2 danh sách, một danh sách để trống đề nghị dân ký vào. Khi tôi thắc mắc hỏi vì sao không có số liệu ghi vào thì ông Trần Trọng Võ mới ghi vào. Còn danh sách ghi trong sổ có số lượng cụ thể thì dân không ký. Tôi khẳng định 2 danh sách là chữ ký giả mạo. Tôi đề nghị UBND huyện thành lập đoàn về trực tiếp họp với dân để kiểm tra xác minh những nội dung tôi đã khiếu nại ở trên...”.
Bà Lan còn ghi cho chúng tôi danh sách một số hộ dân tại xóm 2 có diện tích lúa bị dịch vàng lùn, xoắn lá lúa nhưng không được nhận hoặc nhận chưa đủ số tiền và gạo cứu trợ của Nhà nước gồm các hộ: Nguyễn Văn Bá; Nguyễn Văn Dũng; Lương Xuân Tuấn; Trần Trọng Dũng. Sau đó, bà Lan nói giọng hóm hỉnh rằng các lãnh đạo xã Nghĩa Hợp cũng mắc căn bệnh thành tích nặng lắm.
Năm đó cả xã mất mùa, theo số liệu của xã báo cáo về phòng NN&PTNT thì năng suất thấp. Nhưng không hiểu tại sao phòng Thống kê huyện lại xếp xã Nghĩa Hợp có năng xuất lúa cao đứng thứ 2 trong toàn huyện!?
Lê Hoa
.