Chuyện đường thông hè thoáng trong đô thị ở thành phố Vinh, Nghệ An hiện nay đang được các cấp, ngành quan tâm ra quân thực hiện một cách nghiêm túc. Đặc biệt, nhiều tuyến phố đã thực sự thông thoáng, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông sau khi dẹp bỏ được “nạn” lấn chiếm lòng, lề đường và hành lang trên từng tuyến phố. Những việc làm đó thể hiện nỗ lực để xứng tầm với Vinh - Đô thị loại I hiện nay. Song, đó mới chỉ là những hình ảnh xuất hiện dưới mặt đất. Còn trên không thì vẫn “ngổn ngang trăm mối tơ vò”.
Hình ảnh chúng ta thấy rõ nhất hiện nay là hệ thống đường dây chăng như “mạng nhện” trên khắp các ngả đường, ngõ ngách ở thành phố hiện nay. Đó là một tập hợp của dây điện, dây điện thoại, dây truyền hình cáp, dây đường truyền ADSL... với đủ loại treo vất vưởng trên không trung.
Các đường dây này nhiều chỗ được treo chồng chéo nhau trông rất mất mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, không ít chỗ, nhiều hộ xây nhà cao tầng đã phải tự thiết kế thêm "giá đỡ"... trở thành mối nguy hiểm tiềm ẩn. Việc làm này, đành rằng, nó phần nào có tác dụng nhất thời cho cá nhân từng hộ gia đình, một nhóm khu tập thể...
Nhưng với cách thiết kế kiểu tự phát, không theo quy chuẩn kỹ thuật nào về an toàn đường dây và an toàn đô thị khiến hiểm hoạ luôn đe doạ tính mạng con người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Và thực tế, đã có không ít vụ hoả hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng do chập, cháy dây điện kiểu mạng nhện đó gây nên trong thời gian qua.
Cảnh “mạng nhện” rất dễ nhận thấy ở các trục đường TP Vinh hiện nay
(ảnh chụp tại đường Văn Đức Giai)
Đơn cử như sự việc khi đi xem cây cảnh tại ngôi nhà số 6, đường Nguyễn Thái Học, phường Đội Cung vào ngày 26/04/2011 làm anh Hoàng Mạnh Hiền (SN 1973), trú tại xóm Trung Tâm, xã Nghi Ân bị điện giật khiến “thập tử nhất sinh” tại ban công tầng 2 là một ví dụ… Nguyên nhân cơ bản cũng do chủ sở hữu ngôi nhà đã tránh đường điện bằng cách giăng mắc, làm “giá đỡ” cho dây điện để cơi nới mặt bằng ngay sát ban công tầng 2.
Điều đáng nói nữa là hiện tượng này diễn ra khá phổ biến ở nhiều tuyến phố, nhiều ngõ ngách ở TP Vinh hiện nay. Cảnh tượng ấy chắc hẳn các cơ quan chức năng không thể không biết. Nhưng tại sao họ vẫn để cho các ngành, các hộ gia đình, nhóm dân cư đua nhau "giăng mạng nhện" như thế?
Điều này có thể được lý giải một phần bởi các ngành có đường dây nêu trên dựa vào nhau kiểu như "tầm gửi" một cách tự nguyện, nhiệt tình để giảm chi phí dẫn dây? Mà cụ thể là các ngành nọ, nhiều chỗ, dựa cả vào cây cột điện của ngành điện lực. Cách làm này, rõ ràng là vừa tiết kiệm, vừa tránh được quá nhiều cột treo dây dẫn trên phố.
Nhưng thực tế, hình như các ngành nọ mới chỉ lo việc treo dây mà chưa quan tâm nhiều đến sự an toàn và mỹ quan đô thị sau khi treo. Thế nên, "thành quả" treo dây của họ là tạo nên không ít “ổ nhền nhện” với nhan nhản dây dẫn trên không gây ra mối tiềm ẩn hiểm hoạ khôn lường cho người dân.
Đành rằng, trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay chưa thể "ngầm hoá" một lúc toàn bộ hệ thống đường dây nói trên. Nhưng nếu các cơ quan quản lý Nhà nước về hạ tầng đô thị quản lý chặt chẽ hơn, cùng với các cấp, ngành đưa ra giải pháp cho việc "chăng dây" thì chắc chắn tránh được tình trạng ngành nọ tranh thủ "ăn bám" ngành kia và tạo nên một hệ thống đường dây "hổ lốn" như hiện nay.
Thiết nghĩ, nếu không thể tách biệt hoàn toàn các loại dây thành các đường cột riêng thì cơ quan quản lý Nhà nước về hạ tầng đô thị cần có quy định cụ thể về khoảng cách treo giữa các loại dây, độ căng dây và quy cách đấu nối vào cua, rẽ ngã ba, ngã tư để từ đó có thể xử lý những thành viên "treo dây" nào vi phạm thì kiên quyết xử lý nghiêm.
Làm như thế, chẳng những tạo cho các ngành cẩn thận hơn khi treo dây mà còn thực sự tạo cho không gian đô thị, khi có đường dây lộ thiên trên không như thế, trở nên đẹp, quy chuẩn, đồng bộ và tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Hơn nữa, làm được như vậy sẽ giảm thiểu được tình trạng đổ, gãy cột điện vào mỗi mùa mưa bão hàng năm. Ngoài ra, nếu các cấp, ngành có cách quản lý nghiêm túc ngay từ khâu phê duyệt quy hoạch xây dựng ban đầu thì liệu có tình trạng cơi nới, giăng mắc, làm “giá đỡ” cho những đường dây điện đi qua?
Ngọc Thái
.