Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201204/19335-thi-cong-dang-do-duong-bien-thanh-bay-398107/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201204/19335-thi-cong-dang-do-duong-bien-thanh-bay-398107/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thi công dang dở, đường biến thành “bẫy” - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 04/04/2012, 14:05 [GMT+7]
19335

Thi công dang dở, đường biến thành “bẫy”

Mặc dù Nhà nước đã “rót” nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng cho Thanh Chương xây dựng đường sá, nhưng sau khi nhận công trình, các nhà thầu thi công “lấy lệ” rồi bỏ đó. Chính vì vậy, đã làm các con đường trở nên hư hỏng nặng nề hơn, gây khó khăn cho việc đi lại, sản xuất, sinh hoạt của người dân, trong đó nhiều xã dường như bị cô lập hoàn toàn.

Những năm gần đây, huyện Thanh Chương đã năng động huy động các nguồn vốn trên cơ sở Nhà nước và nhân dân cùng làm, xây dựng được một hệ thống kết cấu hạ tầng khá tốt, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện nhà phát triển. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, Thanh Chương tiếp tục mở mang xây dựng các tuyến giao thông phục vụ dân sinh, nhưng trong cùng một lúc, thi công quá nhiều công trình đã dẫn đến dàn trải, chẳng đâu vào đâu. Do thi công dang dở, lộn xộn, làm các tuyến đường trở nên xuống cấp, ảnh hưởng tới việc giao lưu thương mại, đi lại vô cùng khó khăn. 
 
Điển hình như tuyến QL46 nối xã Thanh Đồng - Thanh Phong có tổng vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng, do Công ty Vi Len - Hà Nội thi công. Chẳng hiểu thi công kiểu gì mà hơn 2 năm nay đường lại hư hỏng nặng nề hơn.
 
Ông Trần Văn Hải, người dân xã Thanh Đồng cho biết: “Nhà thầu thi công theo kiểu rải lên mặt đường một số đất đỏ, chỉ cần gặp mưa, con đường trở nên bùn lầy nhão nhoét. Nhiều đoạn đường trở thành “cái bẫy” gây tai nạn giao thông cho người đi đường. Từ con đường liên xã này, nếu trước đây khi chưa thi công đi ra QL46 chỉ mất 20 phút thì nay đi xe máy phải vừa đi vừa đẩy bộ hơn 2 giờ đồng hồ mới tới nơi”. 
 
Nhiều tuyến đường thi công dang dở gây khó khăn cho việc đi lại của người dân
 
Tại thời điểm này, huyện Thanh Chương có nhiều tuyến đường thi công rồi bỏ dở như đường qua xã Thanh Giang - Thanh Mai tới đường Hồ Chí Minh với tổng đầu tư không phải là nhỏ, được khởi công xây dựng từ năm 2006, đến nay đã gần 7 năm vẫn thi công dang dở. Hay như tuyến chợ Chùa - Thanh Đức cũng mới thi công được gần 80% khối lượng. Bởi vậy, những đoạn đường xấu, khó khăn cho việc đi lại, công ty đã vận chuyển trên 400m3 đá dăm rải trên các đoạn lầy lội để dân đi lại thuận lợi.
 
“Đã có nhiều em học sinh đi xe đạp đến trường trên con đường này bị ngã trượt gãy tay, sái chân. Người dân đi lao động sản xuất lúc qua con đường này rất ái ngại, chỉ biết lạy trời phù hộ không bị ngã gây thương tích. Vậy, tại sao UBND huyện Thanh Chương không kiểm tra, chỉ đạo bên nhà thầu thi công theo đúng tiến độ?”, chị Nguyễn Thị Hồng, người dân xã Thanh Giang bức xúc nói.
 
Tổng số vốn để xây dựng các tuyến đường trên đều được cấp từ nguồn ngân sách Nhà nước. Tại thời điểm đó, không có sự ảnh hưởng và không liên quan tới việc thực hiện Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng tại sao việc xây dựng lại chậm trễ, trong khi hầu hết các nhà thầu đều đã được ứng một khoản tiền lớn? Hậu quả của việc các nhà thầu thi công vài đoạn rồi bỏ dở trên một tuyến đường không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại, sản xuất, sinh hoạt của người dân, mà còn ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn huyện.
 
Theo nhiều hộ dân trồng cây keo lấy gỗ cho biết: Tại nhiều xã, có xấp xỉ gần 200 ha cây keo lai đã đến mùa thu hoạch. Do đường đi lại khó khăn nên không vào khai thác được. Mà cũng không thấy các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp nào mua bởi xe ôtô không thể vào vận chuyển được. Ngoài ra, vùng này còn có gần 400 ha chè, loại cây được xem là thế mạnh kinh tế của người dân Thanh Chương, cũng do đường giao thông bị hư hỏng nặng, xe cơ giới không vào được, nên người ta chỉ mua nhỏ lẻ, để mang đi tiêu thụ cho đầu nậu ở nơi khác. 
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Đình Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Lãnh đạo huyện cũng rất lo lắng việc có ba tuyến đường chính huyết mạch thi công chậm, làm ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân. Trong đó, có cả con em chúng tôi phải đi học trên những con đường  thi công dang dở gây sục lún bùn. Việc thi công chậm là do thời tiết mấy năm vừa qua thất thường, cuối năm 2011 và đầu năm 2012, mưa liên miên đã cản trở rất lớn cho các nhà thầu không thi công được. Lãnh đạo huyện đang trực tiếp chỉ đạo các nhà thầu tranh thủ lúc thời tiết hanh khô phải thi công đến đâu dứt điểm tới đó...”.
 
Việc xây dựng các tuyến đường trọng điểm tại Thanh Chương, một số nhà thầu thi công qua chuyện, kéo dài, thậm chí ngừng hoặc chưa thi công theo hợp đồng pháp lý đã được ký kết. Mong rằng UBND huyện Thanh Chương cần kiểm tra đánh giá  công khai, minh bạch để cán bộ và người dân được biết, sớm yêu cầu các đơn vị tiếp tục thi công đảm bảo tiến độ và quyền lợi chính đáng của người dân.

Lê Hoa
.