Quy trình khai thác bị bỏ lửng?!
Khu mỏ Thung Lùn (xã Châu Hồng, Quỳ Châu, Nghệ An) với những mỏ đá đồ sộ cao hàng trăm mét đứng sừng sững như muốn sập xuống nuốt chửng cả một ngôi làng hiện ra trước mắt. Ngoài những mỏ khai thác thiếc thì khu vực này còn xen kẽ những mỏ đá trắng đẹp hoàn mỹ. Trong đó lớn và cao nhất phải kể đến mỏ của Công ty Duyên Hòa.
Đây là một khu mỏ rộng trên dưới 10 héc ta, mỏ này đã được nhiều đơn vị "cày đi xới lại" từ nhiều năm trước nhưng do trữ lượng rất lớn nên cho đến thời điểm hiện tại lượng đá trắng vẫn rất nhiều. Theo tìm hiểu của PV thì Công ty Duyên Hòa được cấp phép khai thác từ mấy năm trước nhưng đến nay giấy phép trên đã hết hạn. Tuy nhiên, thay vì đóng cửa mỏ thì đơn vị này vẫn lén lút khai thác. Và, đương nhiên quy trình khai thác không đúng theo yêu cầu nên đã hình thành những hàm ếch chênh vênh. Cảnh tượng hiện ra mới nhìn đã thấy "khiếp vía".
Khi PV có mặt (khoảng 10h trưa) cũng là lúc tiếng kẻng báo hiệu chuẩn bị nổ mìn vang lên, cả khu mỏ im ắng bịt tai chuẩn bị cho một loạt mìn "khủng" thì mấy người bảo vệ phát hiện người lạ nên đã ra hiệu dừng ngay việc nổ mìn.
Chúng tôi đi vào lán trại tìm gặp chủ mỏ nhưng chủ mỏ đã "cố thủ" trên đỉnh mỏ. Tiếp xúc được mấy người công nhân mới rõ là mỏ hết phép đã lâu nhưng không hiểu vì lý do gì mà cơ quan chức năng vẫn "để yên" cho mỏ này hoạt động?! Thậm chí, đội quân kiểm tra liên ngành từ tận cấp tỉnh đi lên nhưng vẫn chịu "bó tay" trước mánh khóe "vườn không nhà trống" rất tinh vi của đơn vị này?!
Cũng theo những công nhân này tiết lộ thì thời gian nổ mìn của mỏ này không cố định và theo kiểu tùy hứng. Bên cạnh đó, công nhân không hề có bảo hộ lao động và tất nhiên hợp đồng lao động hay bảo hiểm xã hội cũng chẳng được chủ mỏ quan tâm. Ngược QL48 đi về một huyện miền núi Quỳ Châu thì cảnh tượng nhiều khu mỏ khai thác theo công nghệ "hàm ếch" cũng nhiều vô kể.
Đầu tiên phải kể đến mỏ đá xây dựng Hương Thành (Chi nhánh Công ty CPXD & PTNT Nghệ Tĩnh) đang khai thác tại xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu. Lách qua được đám bụi bao phủ cả khu mỏ từ việc xay đá, chúng tôi mới tiếp cận được vỉa mỏ đang khai thác. Mấy anh công nhân đầu trần chân đất đang cheo leo trên vách núi thẳng đứng với công việc khoan đá để chuẩn bị nổ mìn.
Thấy người lạ đến, sau cái ám hiệu của một người đàn ông trong lán trại thì cả khu mỏ ngừng làm, mấy anh công nhân xuống nghỉ ngơi ngay chân mỏ. Một người phụ nữ tự xưng là phó giám đốc từ đâu tiến đến hỏi chuyện PV. Khi chúng tôi phản ánh về việc mỏ khai thác không đúng quy trình, để xuất hiện những hàm ếch nguy hiểm... thì người phụ nữ này nói cụt lủn "không phải việc của anh, có thấy các cơ quan chức năng nói gì đâu"(!?).
Nhiều mỏ đá thổ phỉ hiện nay vẫn tồn tại là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng
mất an toàn lao động
Chênh vênh mỏ "vô chủ"
Ngay bên cạnh mỏ đá xây dựng Hương Thành là mỏ của Công ty T.S, đây là mỏ đã hết hạn giấy phép khai thác nhưng đơn vị này vẫn ngang nhiên tiến hành khai thác ồ ạt. Khi PV có mặt tại hiện trường thì hàng chục công nhân vẫn đang làm việc, nhiều công nhân đang vắt vẻo tại các vỉa đá cao chót vót.
Trao đổi với báo chí, giám đốc của đơn vị này thừa nhận mỏ đã hết hạn nhưng lý do vẫn cho công nhân khai thác là vì để giữ chân công nhân, để có tiền đóng bảo hiểm xã hội cho họ. Và, theo như vị giám đốc của công ty này thì họ chỉ khai thác nhỏ lẻ, cầm chừng. Thế nhưng theo quan sát của PV thì đây là một công trường được tiến hành khai thác ồ ạt với quy mô lớn!
Cũng liên quan đến mỏ khai thác đá của Công ty T.S ở một địa điểm khác, đó là mỏ đá ở bản Đôm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu. Đây là khu mỏ có diện tích khoảng 9 ha được UBND tỉnh cấp cho Công ty Thương Mại khai thác. Tuy nhiên, sau mấy năm khai thác để phục vụ các công trình xây dựng của chính đơn vị này tại đây thì đến nay đã hoàn thành, không còn công trình mới nên nhu cầu đá xây dựng cũng không còn. Đơn vị này làm thủ tục trao trả lại mỏ cho UBND tỉnh. Thế nhưng trong khi các thủ tục mà UBND tỉnh chưa hoàn thành và chưa có quyết định thu hồi mỏ thì Công ty Thương Mại lại không tiến hành quản lý khu mỏ này và để cho nhiều đơn vị khác vào khai thác ồ ạt, trong đó có Công ty T.S, Công ty T.H...
Khi tiếp xúc với báo chí, hầu hết các vị lãnh đạo của các đơn vị khai thác đều có những câu trả lời vô trách nhiệm và thái độ thờ ơ. Trước động thái của những người trong cuộc như vậy thì chúng ta có thể hiểu tại sao trên địa bàn tỉnh Nghệ An có rất nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra, trong đó có những vụ tai nạn hết sức thảm khốc. Đó là chưa kể đến nhiều hệ lụy khi tài nguyên quốc gia bị "chảy máu", môi trường sống bị hủy hoại cộng thêm những vấn đề bất trắc xảy ra thì ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bằng Toàn, Phó Giám đốc Sở LĐ - TB&XH cho biết: “Tình trạng các doanh nghiệp thực hiện vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cũng như các chế độ bảo hộ, bảo hiểm cho người lao động hiện nay còn bị xem nhẹ. Gần đây nhất (ngày 26/03 - PV), Sở đã có công văn chỉ đạo cho Chủ tịch UBND các huyện Yên Thành, Tương Dương, Quỳ Hợp thành lập đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm về pháp luật lao động, an toàn - vệ sinh lao động. Đồng thời, Sở cũng yêu cầu các huyện phải báo cáo kết quả cụ thể trước ngày 10/4/2012”.
Nhóm PV
.