Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201204/19304-bao-dong-mat-an-toan-lao-dong-tai-cac-khu-mo-398132/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201204/19304-bao-dong-mat-an-toan-lao-dong-tai-cac-khu-mo-398132/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Báo động mất an toàn lao động tại các khu mỏ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 03/04/2012, 14:15 [GMT+7]
19304

Báo động mất an toàn lao động tại các khu mỏ

Bài 1: Mưu sinh cùng "tử thần"

Dưới cái nắng trên 30oC của một ngày thượng tuần tháng 3 ở vùng "rốn quặng" Quỳ Hợp, các "phu quặng" đang hì hục khuân từng bì đất nặng trịch từ dưới hang sâu hoắm lên mặt đất. Những công nhân đầu trần, chân đất với khuôn mặt phờ phạc nằm lăn lóc để nghỉ ngơi trên miệng hang. Cảnh tượng ấy khiến những vị “khách không mời” như chúng tôi cảm thấy hãi hùng.

Đào hầm, bạt núi

Chúng tôi có chuyến thâm nhập một số mỏ khai thác quặng thiếc tại khu vực xã Châu Hồng và Châu Tiến của huyện Quỳ Hợp. Được biết, đây là hai xã được coi là thủ phủ của quặng thiếc và cũng vì thế mà nơi đây tập trung hàng trăm khu mỏ khai thác.

Mỏ thuộc Công ty Đức Chính, đây là khu mỏ có sự xuất hiện của một số người ngoại quốc. Qua tìm hiểu, những người này là các chuyên gia kỹ thuật giúp đơn vị này thiết kế hầm mỏ, chuyên gia khoan dưới lòng đất. Được biết, những người này có nhiệm vụ thiết kế những căn hầm dài hàng trăm mét dưới lòng đất để các công nhân người Việt (chủ yếu là dân bản địa) xuống xúc đất, bốc quặng. Theo những công nhân trực tiếp làm việc dưới lòng đất thì họ làm việc rất cơ cực và vô cùng hiểm nguy.

"Bọn em làm ở đơn vị này đã được 2 năm rồi, tiền công thì ăn theo sản phẩm nhưng trung bình mỗi ngày cũng kiếm được từ 200.000 - 300.000 đồng gọi là đủ sống thế thôi, mỗi tội làm ở dưới hang sâu hàng trăm mét nên rất nguy hiểm, chuyện đá rơi gây chấn thương xảy ra như cơm bữa..." - Anh Vi Văn Anh, một người dân xã Châu Hồng đang làm công nhân cho công ty này than thở.

Sau khi chỉ cho chúng tôi xem về khuôn viên của khu mỏ và nói sơ qua về căn hầm tối om ẩn chứa nhiều hiểm họa xong, người công nhân này cho tôi theo chân xuống thăm quan khu vực khai thác dưới độ sâu hàng chục mét với chiều dài khoảng vài trăm mét.
 
Đường hầm vào hang quặng

Bước xuống hang với đầu trần, chân đất lúc đầu tôi cũng thấy ái ngại, tuy nhiên với bản tính tò mò nên đành đánh bài liều, chui theo người công nhân kia. Bên trong căn hầm rất tối vì thế cứ khoảng 10-15m lại có 1 chiếc bóng điện chiếu sáng, đi sâu vào trong hang bắt đầu có nhiều nhánh tỏa ra nhìn chẳng khác hệ thống hầm hào địa đạo thời chiến bao nhiêu. Anh công nhân liên tục nhắc nhỏ tôi tập trung kẻo chui nhầm một hang khác rồi lạc đường thì nguy to, rất may là sau khoảng 10 phút chui lủi dưới hang tối chúng tôi cũng vào được đến điểm có công nhân đang khai thác.

Hơn chục công nhân, người hì hục xúc đất lên xe đẩy, người lại thoăn thoắt đưa đất vào những bao tải lớn để vận chuyển ra ngoài. Công việc diễn ra đang rất khẩn trương bỗng có tiếng hét to. Hàng chục công nhân chỉ thoáng giật mình rồi lại tiếp tục công việc như không có chuyện gì xảy ra.

Nhìn tôi tỏ ra thất thần và hơi hoảng hốt xen lẫn vẻ ngạc nhiên, anh công nhân dẫn đường nhanh chóng trấn an: "Có gì đâu anh, chuyện cơm bữa mà, chỉ là một hòn đá bình thường rơi. Có lần còn sập cả vài khối đất xuống còn không sao, nói gì mấy hòn đá cỏn con ấy...".

Bảo hiểm không, bảo hộ cũng chẳng có?!

Được biết, hầu hết các công nhân đang hoạt động tại các mỏ quặng thiếc tại huyện Quỳ Hợp đều là người lao động làm việc theo mùa vụ. Vì thế khi hỏi các công nhân về việc ký hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động cùng những vấn đề khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... thì đều nhận được cái lắc đầu từ họ. Xem ra các quy trình, thủ tục cần thiết trước khi đưa lao động vào làm việc tại các khu mỏ dường như vẫn đang bị xem nhẹ.

Một công nhân tên Lê Văn T, hiện đang làm việc tại Công ty Lạng Sơn cho biết: "Em vào làm việc tại mỏ của công ty này đã được 1 năm nay, thế nhưng em chưa bao giờ biết đến hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay bất kỳ một cái gì khác. Làm ở đây chỉ có thỏa thuận miệng tiền công hàng ngày, thế thôi!".
 
Hầu hết người lao động ở đây làm việc theo mùa vụ nên
quyền lợi về bảo hiểm và bảo hộ không có

Theo tìm hiểu riêng của PV, tại đơn vị này ngoài một vài nhân viên làm công tác hành chính trở lên thì mới có hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội... Những công nhân trực tiếp làm việc tại khu mỏ, làm những công việc nặng nhọc có nằm mơ cũng chẳng bao giờ được nhận những ân huệ đó!

Theo chân người dẫn đường là dân bản địa, chúng tôi tiếp cận khu mỏ của Công ty Ngoan Cường ở mỏ Thung Lùn. Được biết, đây là khu mỏ đã được khai thác khá lâu, vì thế các vỉa quặng ở lớp mặt đã cạn kiệt nên để lấy được quặng chủ mỏ phải khoan sâu xuống lòng đất hàng trăm mét với những căn hầm mới nhìn đã thấy rợn người.

Theo các công nhân đang làm việc ở đây thì họ cũng chỉ làm việc theo hình thức thỏa thuận miệng chứ không có bất kỳ hợp đồng lao động hay các thủ tục khác theo quy định của Luật lao động. Mặt khác, theo quan sát của PV thì các công nhân làm việc ở đây đa số đều ở trong tình trạng "đầu trần, chân đất" phó mặc sinh mạng cho số phận rủi may...

Trước những bất cập này, nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn lao động luôn thường trực đối với người lao động. Và, khi sự việc đã xảy ra thì người chịu thiệt nhất đương nhiên sẽ là người lao động.
(Còn nữa)

Nhóm PV
.