Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, hàng trăm người dân đã ngang nhiên lấn chiếm bờ kênh và lòng kênh để xây dựng các công trình nhà cửa kiên cố trái phép, gây cản trở dòng chảy, làm công trình đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Kênh tiêu Vách Bắc có chiều dài hơn 16km, trong đó đoạn qua xã Đô Thành dài gần 4km. Có thể nói, hệ thống kênh tiêu Vách Bắc đóng vai trò rất quan trọng trong việc tiêu lũ cho toàn huyện Yên Thành và một phần huyện Diễn Châu. Song song với kênh tiêu này là kênh tưới N18A, có chức năng tưới cho hàng ngàn ha lúa của huyện Yên Thành.
Ấy vậy mà, trong nhiều năm qua, dọc bờ kênh Vách Bắc đoạn qua xã Đô Thành, rất nhiều công trình nhà ở của người dân được xây dựng bất hợp pháp, hầu hết là nhà cửa kiên cố. Đặc biệt, phía bờ tả kênh Vách Bắc có ngôi nhà 3 tầng của gia đình ông Hoàng Thịnh như một khối bê tông khổng lồ án ngữ, đã xây chiếm hẳn một phần lòng kênh.
Như vậy, hai bờ của kênh tiêu Vách Bắc đều bị lấn chiếm, lòng kênh đều bị thu hẹp hẳn lại, làm cản trở dòng chảy. Ông Phan Đức H, một người dân xã Đô Thành nói giọng bực dọc: “Nguyên nhân là do UBND xã cho phép người dân “xây tạm” nhà để làm lều quán bán hàng dịch vụ, nhưng sau đó mọi người xây dựng kiên cố thành nhà ở mà chính quyền vẫn im lặng? Hiện có nhiều đoạn người ta vẫn đang tiếp tục đổ trụ để làm nhà, cắm cọc bê tông rào thép xung quanh để không tranh dành nhau”.
Dọc kênh Vách Bắc đều bị các công trình nhà cửa lấn chiếm
Vấn đề nổi cộm lên ở xã Đô Thành hiện nay là, trên bờ kênh và lòng kênh Vách Bắc và kênh N18A đều đã bị lấn chiếm, thậm chí một số công trình còn được xây dựng xuống cả lòng kênh. Không những thế, kênh tiêu huyết mạch này còn trở thành “cái túi” đựng rác thải khổng lồ. Nhiều năm nay, người dân tự do đổ các loại rác thải, kể cả rác thải rắn xây dựng xuống lòng kênh làm ứ đọng, bốc mùi hôi thối khó chịu, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Ông Hồ Ngọc Mai - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc khẳng định: “Tình hình xây dựng nhà trái phép lấn chiếm kênh Vách Bắc và kênh N18A hiện nay là rất phức tạp. Chúng tôi là đơn vị trực tiếp quản lý về mặt kỹ thuật, nhiều lần cử cán bộ trực tiếp làm việc với các hộ dân, vận động tháo dỡ những công trình lấn chiếm nhưng người dân không chịu, sau đó chúng tôi đã lập biên bản vi phạm, đề nghị chính quyền xã Đô Thành cùng phối hợp giải quyết. Điều phức tạp nữa là cán bộ của Công ty xuống làm việc, lại bị nhiều người dân gây sự, đánh đập gây thương tích. Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Văn Hiệp, công dân xã Đô Thành đã hành hung, đánh đập gây thương tích đối với ông Trương Hồng Lam, cán bộ quản lý công trình của Công ty. Phía Công ty đã cung cấp đầy đủ các loại hồ sơ các hộ dân vi phạm theo yêu cầu của UBND huyện để phối hợp giải quyết ”.
Trước tình hình trên, UBND huyện Yên Thành đã ban hành Quyết định số 5504/QĐ.UBND ngày 24/11/2011 thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình trạng lấn chiếm xây dựng công trình trái phép trên tuyến đê Vách Bắc và kênh N18A.
Thế nhưng cho đến nay, hiệu lực quyết định như đang nằm trên giấy tờ. Bởi tình trạng lấn chiếm bờ kênh, lòng kênh Vách Bắc và N18A vẫn ngày càng gia tăng với diễn biến phức tạp. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Cao Xuân Tiến, cán bộ phụ trách bảo vệ công trình thủy lợi của Xí nghiệp thủy lợi đầu mối thuộc Công ty Thuỷ lợi Bắc. Ông Tiến cho biết: “Tính đến thời điểm này đã có đến 160 hộ gia đình xây dựng các công trình trái phép lấn chiếm bờ kênh và lòng kênh. Phía chúng tôi đã làm tròn chức năng nhiệm vụ của mình, lập biên bản xử lý vi phạm, đình chỉ đối với 160 hộ gia đình trên và đã chuyển lên các cấp có thẩm quyền từ lâu, nhưng đến nay mọi việc vẫn đang chìm trong im lặng”.
Có thể nói, mọi vấn đề rắc rối đều bắt đầu từ lãnh đạo UBND xã Đô Thành đã buông lỏng quản lý, vô hình trung “tiếp tay” cho người dân xây dựng các công trình trái pháp luật. Bởi theo người dân cho biết, thì hầu hết các ngôi nhà đều được Chủ tịch UBND xã Đô Thành (qua các thời kỳ) cho phép xây dựng “bằng miệng”.
Điều 34, Pháp lệnh về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi số 32/2001 PL/UBTVQH ngày 4/4/2011 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định: Người nào lấn chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi, không tuân theo sự huy động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi công trình xảy ra sự cố; phá hoại hoặc gây mất an toàn công trình thuỷ lợi hoặc vi phạm các vi phạm khác của Pháp lệnh này thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. |
Thiết nghĩ, UBND huyện Yên Thành cần tổ chức thanh tra, kiểm tra kết luận công khai, minh bạch làm rõ thực trạng việc lấn chiếm bờ kênh, lòng kênh, xử lý nghiêm những người vi phạm. Làm được việc này người dân sẽ đồng tình chấp hành và tự nguyện tháo dỡ nhà cửa trả lại mặt bằng an toàn cho lòng kênh Vách Bắc và kênh N18A.
Về vấn đề này, chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Lợi - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành. Ông Lợi cho biết: Một thực tế tại xã Đô Thành, việc xây dựng trái phép các công trình này xuất phát từ việc Chủ tịch UBND xã Đô Thành qua các thời kỳ, cách đây 10 - 15 năm, tức là vào những năm 1997, đã bán đất trái thẩm quyền.
Năm 2011, UBND huyện Yên Thành cũng đã có Quyết định 5504/QĐ-UB về việc thực hiện giải tỏa để người dân trả lại diện tích đất xây dựng trái phép, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc chưa tiến hành làm dứt điểm được. Hiện, chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo để tiến hành rà soát chi tiết thực trạng, từ đó đưa ra phương án xử lý cụ thể đối với những công trình đã xây dựng, đang tiếp tục xây dựng và những mảnh đất người ta đã mua như thế nào. Thông qua kết quả của Ban chỉ đạo sẽ đưa ra cách xử lý đối với từng hộ một.
Đã đến lúc, UBND huyện Yên Thành cần có biện pháp mạnh tay hơn, xử lý nghiêm tình trạng xâm hại công trình thuỷ lợi kênh tiêu Vách Bắc và kênh tưới N18A. Còn đối với những người có thái độ chống đối và hành hung cán bộ thực thi nhiệm vụ, cần xử lý theo quy định của pháp luật.
Lê Hoa
.