Có một thực tế là, phần lớn những người sở hữu những chiếc xe mô tô phân khối lớn đều là những thành phần có máu mặt trong xã hội, hay ít ra cũng có quan hệ rộng nên nếu có bị tuýt còi, sẽ có người khác can thiệp.
Đơn cử như chiếc xe Honda SH BKS 37B1 - 056.78 đăng ký mang tên cầu thủ đội 1, Sông Lam Nghệ An Trần Đình Đồng. Trong 4 lần bị bắt giữ liên tiếp cùng một lỗi không đội mũ bảo hiểm, chỉ duy nhất lần đầu tiên là phải làm thủ tục nộp phạt và tạm giữ phương tiện vì xe được giao cho cô người yêu điều khiển, trong khi cầu thủ này đang phải thi đấu trên sân nên chẳng có ai can thiệp.
Còn những lần sau đó, ngay khi vừa đưa cả người lẫn phương tiện về trụ sở đã có người trong lực lượng can thiệp kịp thời nên không thể xử lý. Trường hợp khác, Trần Thị Hải Yến, học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Vinh, điều khiển xe Honda SH BKS 37N7 - 4965 chở theo Nguyễn Linh Chi (nữ sinh Trường THPT Hà Huy Tập) và Ngô Thị Thương (Trường THPT Chuyên ĐH Vinh), cả 3 đều không đội mũ bảo hiểm, chạy với tốc độ cao, đến đoạn đường Nguyễn Văn Cừ giao nhau với Hồ Tùng Mậu thì va quệt với một chiếc xe (không rõ biển kiểm soát) đang chờ đèn đỏ khiến người này ngã xuống đường.
Ba nữ sinh thấy vậy rồ ga bỏ chạy, trong lúc hoảng loạn, đến đường Đinh Công Tráng đã đâm trực diện vào xe mô tô Wave BKS 35H1 - 0047 đi ngược chiều, do anh Trần Thanh Minh, trú tại xóm 4, xã Thanh Long, Thanh Chương điều khiển, phía sau là chị Nguyễn Thị Huệ.
Hậu quả, hai vợ chồng anh Minh, chị Huệ bị chấn thương nặng vào đầu phải đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, chiếc xe Wave bị hư hỏng nặng. Điều đáng nói là sau vụ việc xảy ra, mới đây tổ công tác 212 lại bắt giữ Trần Thị Hải Yến vì lỗi chở ba, không đội mũ bảo hiểm khi đang điều khiển xe Honda Air Blade BKS 37N8 - 3723 khi lưu thông trên đường Hồ Xuân Hương. Gặp công an, Yến không chấp hành, để xe lại và bỏ đi.
“Phi đội” SH trêu tức, quấy rối CSGT trên địa bàn TP Vinh
Mới đây nhất là chuyện một nhóm thanh, thiếu niên và sinh viên một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn khi biết lực lượng giao thông tăng cường tuần tra kiểm soát, đã tụ tập nhau lại để quấy rối, trêu tức. Theo đó, nhóm này tập trung 6 chiếc xe Honda SH, với khoảng 12 - 15 tên không đội mũ bảo hiểm, tháo biển số rồi rú ga chạy lòng vòng quanh địa bàn thành phố Vinh.
Sau nhiều lần mật phục, đón lõng nhưng không đạt kết quả, vào tối 31/12/2011, các tổ công tác đã chặn bắt và phải rất nhiều nỗ lực, một trong số những chiếc xe trong “đội hình” này mới bị bắt giữ. Kẻ cầm lái là Nguyễn Đức Tuấn, sinh viên lớp 50C - CĐ Điện lực Trường ĐH Vinh, điều khiển xe Honda SH 37N9 - 2799 (biển số đã bị tháo rời và để trong cốp xe). Tuấn thừa nhận đã cùng nhóm bạn tổ chức lượn lờ, lạng lách để trêu tức các tổ công tác đang làm nhiệm vụ.
Điểm qua một vài vụ việc để thấy rằng, việc bắt giữ, xử lý những trường hợp điều khiển các loại xe mô tô phân khối lớn vi phạm an toàn giao thông là việc không đơn giản. Phần lớn, các trường hợp bị bắt giữ đều được tổ đặc nhiệm 212 thực hiện thông qua các biện pháp xử lý nguội sau khi hình ảnh vi phạm được ghi lại bằng camera.
Còn đối với lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ chốt chặn tại các giao lộ, để xử lý vi phạm những đối tượng này thực sự là bài toán khó. Trong thời gian tới, lực lượng 212 sẽ kết thúc đợt công tác, trong khi những vi phạm này vẫn tái diễn, vậy nên chăng, cần có biện pháp xử lý thích đáng đối với những trường hợp này, đặc biệt là với các đối tượng tái phạm, để tình hình giao thông trên địa bàn thực sự được bình yên.
Thiên Thảo
.