Gần đây ở các huyện miền núi như Con Cuông, Anh Sơn… xuất hiện một số người tự xưng mình là “bà cô”, “ông thầy” coi được số mệnh con người trong tương lai. Các điểm hành nghề bói toán, mê tín dị đoan được tổ chức nhan nhản hầu như xã nào cũng có.
Ở những nơi trang hoàng lòe loẹt cả nhà, người ra, vào coi bói nườm nượp, hỏi bất cứ người dân nào cũng biết điểm coi bói ở địa bàn mình, nhưng vẫn không thấy chính quyền địa phương “hỏi thăm”. Một số “cô”, “thầy” luôn vỗ ngực xưng danh mình có “duyên” với người âm nên được phú cái lộc trời cho, coi đâu trúng đó. Khiến không ít người tốn tiền mà lại còn chuốc lo lắng tới mất ăn mất ngủ.
Nghe tiếng bà Luyện trước kia từng làm nghề nông nghiệp, nay có duyên với... người âm nên chuyển sang coi bói, chúng tôi tìm đến nhà bà Luyện ở xã Chi Khê (Con Cuông), thế nhưng nghe đâu giờ đây bà lại chuyển về xã Bồng Khê (Con Cuông) thuê một phòng trọ để hành nghề. Dù nằm trong lối sâu nhưng những ngày đầu năm, nhà “bà” Luyện vẫn tấp nập người ra, kẻ vào.
Dáng người cao đậm, giọng nói ồ ồ, “bà” Luyện ngồi bệt trên chiếu rồi lần lượt phán cho từng người. Với những bạn gái chưa có người yêu, bà thúc giục làm lễ "cắt tiền duyên" để mong có anh cao to, nghề nghiệp đàng hoàng để mắt đến. Những chị, em đã yên bề gia thất thì được bà “xui” làm lễ để sinh con trai, chồng thăng chức… Mỗi lần nhờ cậy đến bà, số tiền được gọi là “tùy tâm” không ít.
Thế nhưng, những ai đặt ít tiền bà chỉ nói rất nhanh, cụt lủn rồi đuổi khéo vì “hết giờ”. Muốn bà “chỉ giáo” thêm, các chị, em phải biết ý “chồng” thêm tiền. Một chiêu móc túi khôn ngoan của bà nữa là hầu như ai bà cũng phán “năm ni anh, chị có hạn phải đến đây tôi giải hạn cho, mà không phải giải một lần phải 2 đến 3 lần mới hết hạn được”.
Nhiều người đi xem bói vừa mất tiền lại chuốc lo vào người vì những lời “thầy” phán
Sau một hồi chờ đợi, chị H. trú ở xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) khép nép bước đến hỏi “bà” Luyện về vận số của mình. Bà bói nhìn chị H. rồi phán: “Năm nay con sẽ có tiền, năm sau chắc chắn sẽ giàu to. Chồng con đẹp và thương con nhiều hơn”.
Dạ, nhưng bà cho con hỏi, năm trước bà nói nhà con sẽ có lộc lớn nhưng đến giờ vẫn không thấy? - chị H. nhắc lại lời “bà” Luyện đã phán lần trước. “Tôi chưa nói hết cô đã nhảy vào miệng rồi. Trước sau gì thì lộc cũng đến, không năm này thì năm khác, đường hậu vận của con sáng lắm”.
Nghe hết lời phán, chị H. hớn hở lấy 100.000 đồng bỏ vào chiếc đĩa trước mặt. Nhiều học sinh, sinh viên được “bà” phán là bị nạn trong thi cử, học hành, tình duyên, cần được giải mới hết nạn, mỗi lần giải tốn tiền trăm cho những tờ giấy vẽ giun, vẽ dế bằng mực xạ đỏ, uống những thứ nước bằng tro giấy và tàn nhang.
Chưa hết, nhiều người đến coi bói tại bà Luyện còn gặp phải dạng giang hồ hơn cả các tay “anh chị” ở bến chợ, nhà ga. Bà vừa bói vừa chửi, giọng sặc mùi giang hồ: Tin hay không thì tùy, trả lệ xong rồi... phắn! Nếu ai đó dám ho he, liền bị “bà” lăng mạ bằng đủ thứ dơ bẩn nhất trên đời với những từ tục tĩu mà chỉ nghe thôi đã xấu hổ.
Rời khỏi nhà bà Luyện, chúng tôi có mặt tại nhà cô Tứ, trú ở xã Hội Sơn (Anh Sơn). Cô cũng thuộc trường hợp không nghề nghiệp, làm nhiều nghề đều thất bại và bỗng được “lộc trời” cho nên bói đâu trúng đó, tiền vô như nước. Để tìm hiểu thêm, tôi cũng thử xem quẻ có như lời quảng cáo của cô.
Nào ngờ nghe cô nói với tôi: “Con sống rất thật thà, nhưng thiệt thòi cho con đấy. Ở đời đừng có thật thà quá, nghe chưa. Xã hội bây giờ thật thà có mà ăn cám! Số con hậu vận tốt, đến 60 tuổi thì cuộc sống sẽ rất nhàn”. Coi xong, cô bảo bỏ đĩa 100.000 đồng là giá hữu nghị, chứ vật giá leo thang, phải 200.000 đồng mới xứng.
Điều đáng lưu ý là rất nhiều thầy bói nhận cúng giải hạn cho người có nạn, với giá “mềm” cũng gần cả triệu đồng, vì thế tại các điểm chúng tôi đến coi, số người được các thầy bói phán là gặp nạn nhiều vô kể, đa số người nào cũng gặp rủi ro cần phải giải nạn. Như ở xã Tam Sơn, Thành Sơn, Bình Sơn (Anh Sơn) lâu nay tình trạng thầy bói dạo luôn xuất hiện.
Hễ vào nhà nào mà bắt được mùi gia đình nọ mê tín là phán quyết của thầy đều nghe theo, nhiều gia đình đang nằm trong diện hộ nghèo đói, khi gặp thầy phán nếu muốn thoát nghèo, làm ăn phát đạt phải làm lễ cúng đuổi con ma ranh ở trong nhà, thế là chạy vạy tiền để làm lễ…
Việc rút quẻ và cầu phúc là tín ngưỡng dân gian có từ lâu nhằm thể hiện mong muốn được may mắn, thành đạt nhưng giờ đây nó đã biến tướng và bị các ông “thầy”, bà “cô” lợi dụng để làm tiền. Hơn nữa, nhiều người quá mê tín vào những lời nhảm nhí của "thầy" bói phán để chuốc lấy hoang mang, lo lắng, mất thời gian, phí tiền bạc thì không nên chút nào. Phúc hay họa đều do mình cả.
Nguyễn Đình
.