Thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An, là đơn vị cấp huyện đầu tiên ở khu vực Bắc Trung Bộ đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Huyện nông thôn mới” khi có 6/6 xã trực thuộc đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu lại buổi lễ. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Tối 6/5, tại thị xã Thái Hòa, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã dự lễ đón nhận danh hiệu “Huyện nông thôn mới” và Bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia ghi dấu lần Bác Hồ về thăm nông trường Đông Hiếu (10/12/1961).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết xây dựng nông thôn mới là mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả toàn diện, tích cực. Bộ mặt nông thôn của đất nước khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn với nhiều hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao. Số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.
Đến nay, cả nước đã có 1.835 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm khoảng 18% tổng số xã của cả nước và 23 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
“Xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong cả nước, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Nghệ An, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực khi có 114 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 27% tổng số xã trên địa bàn, cao hơn 9% so với bình quân của cả nước.
“Nghệ An là một trong những địa phương dẫn đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Đặc biệt, thị xã Thái Hòa là địa phương miền núi mới được thành lập (từ năm 2007) nhưng có cách làm nông thôn mới sáng tạo, trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên của cả nước và của Nghệ An có toàn bộ 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, là một trong 23 đơn vị cấp huyện của cả nước đạt chuẩn “Huyện nông thôn mới”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao danh hiệu “Huyện nông thôn mới” và Bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia ghi dấu lần Bác Hồ về thăm nông trường Đông Hiếu. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Phó Thủ tướng cho biết, mục tiêu tới năm 2020, cả nước phải có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là nhiệm vụ nặng nề, có nhiều khó khăn, thách thức. Để góp phần cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Nghệ An nói chung, thị xã Thái Hòa nói riêng nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế; phát huy kết quả đã đạt được; động viên mọi tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương giàu, đẹp, văn minh.
Tỉnh Nghệ An cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách chung vào điều kiện cụ thể của từng địa phương; cùng với việc hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, cần chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo.
Các địa phương trong tỉnh cần tăng cường phát triển sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trên sản phẩm; không huy động quá sức dân trong xây dựng nông thôn mới.
Thị xã Thái Hòa cần có kế hoạch phát triển nông thôn mới gắn với quy hoạch đô thị để sớm trở thành đô thị loại III.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị cấp ủy và chính quyền cùng nhân dân tỉnh Nghệ An và thị xã Thái Hòa gìn giữ và phát huy giá trị của các điểm di tích lịch sử quốc gia Bác Hồ đã về thăm tại nông trường Đông Hiếu; đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả lớn hơn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Cũng tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia ghi dấu lần Bác Hồ về thăm nông trường Đông Hiếu vào ngày 10/12/1961.
Gần 55 năm về trước, tại nông trường Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cấp ủy, chính quyền địa phương phải biết phát huy vai trò chủ thể của người dân, biết khơi dậy được tinh thần yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Lời dạy của Bác cũng là động lực quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới của thị xã trong thời gian qua.
Đối với tỉnh Nghệ An, sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, số tiêu chí của các xã tăng khá với mức tăng 8,66 tiêu chí/xã. Đến nay toàn tỉnh xây dựng được 4.529 mô hình phát triển sản xuất và 60 cách đồng mẫu lớn nâng cao thu nhập cho người dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,5%. Huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện Chương trình trong 5 năm được 20.912,7 tỷ đồng trong đó người dân đóng góp được 6.502,8 tỷ đồng, vận động nhân dân hiến đất được 5.217.919 m2 đất; đóng góp 4.241.884 ngày công và đã xây dựng được hàng trăm công trình phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế. Trong đó, thị xã Thái Hòa đã huy động lồng ghép được tổng kinh phí thực hiện chương trình được 2.305 tỷ đồng trong đó: Nhân dân đóng góp lên tới 412,7 tỷ đồng chiếm gần 20%, ngoài ra người dân trong thị xã đã hiến đất được là 102.593 m2 đất; đóng góp 97.772 ngày công góp phần đưa thị xã trở thành điểm sáng về kinh tế-xã hội-văn hóa-an ninh quốc phòng vùng Tây Bắc của tỉnh và trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ đạt chuẩn nông thôn mới. |