(Congannghean.vn)- Quế Sơn là 1 trong 2 đơn vị được huyện miền núi Quế Phong chọn làm xã điểm trong xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, với những cách làm khá đồng bộ, đã huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân, đến nay, xã đã hoàn thành các tiêu chí quan trọng. Câu chuyện về sự thành công bước đầu về nông thôn mới tại xã Quế Sơn được ghi lại lần này làm rõ thêm một minh chứng để thấy rằng, mọi chuyện chỉ khó khi lòng dân chưa thuận.
Buổi đầu gian khó
Hành trình từ TP. Vinh, ngược Quốc lộ 48 chúng tôi đến với xã Quế Sơn của huyện Quế Phong khi sắc xuân còn đậu trên khóm lá. Con đường bê tông kiên cố nối Thị trấn Kim Sơn, xã Mường Nọc đến nơi đây dễ dàng hơn mấy năm trước. Trước kia, đường vào xã và đến tận các xóm, bản hẹp và gập ghềnh, nay đã được nâng cấp, cải tạo và làm mới, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn. Dọc đường dẫn vào Quế Sơn từng tốp người ở các xóm Na Công, Phong Quang, Hải Lâm đang mải miết với những mẻ hồ, xe đá, cát sỏi... xen lẫn tiếng cười, giọng nói trêu đùa rộn lên cả cánh đồng. Hỏi chuyện mới hay, những ngày này, tranh thủ thời gian sau khi thu hoạch mía sau Tết, bà con lại bắt tay vào việc thi công con đường nhánh nối cụm dân cư với vùng nguyên liệu sản xuất từ chương trình nông thôn mới.
Làm đường giao thông nông thôn ở xóm Phong Quang |
Dù nhận thức được rằng, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhằm khơi dậy nội lực của người dân, lấy "sức dân" và chính người dân phải chủ động chung tay đóng góp để xây dựng bản làng, quê hương. Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng và hỗ trợ một phần trong thực hiện 19 tiêu chí, nhưng với Bí thư Đảng ủy Lô Thái Huyết, khi nhắc đến những ngày đầu bắt tay vào nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng NTM ở địa bàn xã, ông vẫn không thể quên được sự gian nan, vất vả.
Với đặc thù là một xã có thành phần dân cư khá phức tạp, có đến 5 dân tộc sinh sống; trong đó dân tộc Thái, Thổ, Nùng, Khơ'mú chiếm đến trên 46%, dân tộc Kinh có 54%, thêm vào đó, "cái lợi" của mỗi bản cũng không giống nhau, có bản thì đường sá đi lại thuận lợi, lại có bản đường sá đến được với họ còn gian nan. Đó là chưa nói đến việc tự bao đời nay (các bản Đai, Cọc, Piếng Mòn), từ năm này qua năm khác với tâm lý thụ động, trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.
Vì thế để làm thay đổi nhận thức của bà con đã khó, chưa nói đến việc bây giờ trước mắt còn bao nhiêu khoản đóng góp, từ nguồn "xã hội hóa" để xây dựng NTM. "Ngày đó, bà con trong xã chẳng ai mặn mà gì với NTM. Nói NTM cho bà con cứ như ở mô xa. Cái nếp nghĩ, cách làm "đã có nhà nước lo" từ các khoản hỗ trợ giống lúa, cây con, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đến con trâu, con bò, cá giống, đàn gia cầm, rồi tiền điện sinh hoạt, chuyện con em học hành... đã ăn sâu vào bà con"- Bí thư Huyết giải thích.
Từ những trở ngại đó đã khiến trong một thời gian khá dài, từ Ban chỉ đạo (do Bí thư làm Trưởng ban) đến Ban quản lý (do Chủ tịch làm Trưởng ban) và các ban ngành, bộ phận giúp việc, đôn thúc chỉ đạo các xóm, bản tuyên truyền vận động bằng hệ thống phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu tại các trục đường, các cụm đông dân cư, rồi các cuộc họp xóm, đến tận nhà nhưng chẳng đem lại kết quả, làm cho bản thân Bí thư, Chủ tịch phải mất ăn mất ngủ. "Khó ăn khó nói với người dân đã đành chứ còn với cấp trên, trong khi xã mình lại được Ban chỉ đạo huyện chọn làm xã điểm để thực hiện, đánh giá kinh nghiệm, bài học, rồi "làm gương" nhân rộng ra trên toàn huyện. Tuyên truyền bằng mọi cách không ngấm vào đâu. Nhà thì lấy lý do kinh tế khó khăn, người thì lấy cớ bận phải đi làm ăn xa, khiến chính mình có lúc cũng phân tâm"- Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
"Đường thoáng khi say...khỏi ngã"
Từ việc làm chuyển biến ý thức của người dân trong xây dựng nông thôn mới lúc đầu xem ra bế tắc, có nguy cơ phải "trả xã điểm" cho huyện, buộc cấp ủy, chính quyền ngồi lại với nhau để bàn bạc, tháo gỡ. Sau nhiều cuộc họp của Ban chỉ đạo, Ban quản lý đến việc phân công chỉ đạo các thành viên xuống các xóm, bản họp để tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, góp tiền làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, từ các ý kiến đề xuất đã đưa xã vạch ra phương án mới với phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Nhà văn hóa xóm 2 được xây dựng từ nguồn "Nhà nước và nhân dân cùng làm" |
Không như suy nghĩ ban đầu, khi trực tiếp vào triển khai ở các xóm, bản đã phát sinh một thực tế: Ở các bản có đồng bào dân tộc thiểu số hầu hết họ đã hợp tác, còn đối với người dân "dưới xuôi" có một số lại chưa tin. Lý do được đưa ra mổ xẻ cũng có chính kiến riêng, bởi đối tượng đồng ý thì việc huy động kinh phí để làm đường, làm thủy lợi... rất khó vì bản thân họ còn chưa đủ cái ăn, nói gì đến ủng hộ tiền; còn đối tượng phản đối, dù một lý do gì đi nữa thì việc họ tham gia đóng góp cũng dễ dàng hơn, vì mức sống cũng như thu nhập cao hơn mặt bằng chung.
Việc dân chưa "thông", nghĩa là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền trong việc làm chuyển biến nhận thức, tư tưởng cũng chưa hoàn thành, buộc Ban chỉ đạo phải thông qua các chi bộ xóm, bản để ban hành nghị quyết chuyên đề, rồi thống nhất trong đảng viên sau đó lấy ý kiến của các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội. Thực hiện trong một thời gian khá dài, sau 2- 3 cuộc họp trưng cầu ý kiến của cán bộ và nhân dân mới đi đến một phương án thống nhất, đó là quán triệt, yêu cầu tất cả các đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc triển khai các tiêu chí của NTM. Cùng với đó là quan tâm đến công tác tuyên truyền về mục đích cũng như lợi ích của phong trào trên địa bàn xã cho các trưởng bản và những người uy tín.
"Nói đi đôi với làm", sau khi các tổ chức, đoàn thể có nghị quyết chuyên đề, kế hoạch riêng cho ngành mình về chương trình xây dựng NTM, lãnh đạo địa phương từ cán bộ cốt cán đết các trưởng ban, ngành đoàn thể và ban cán sự các xóm, bản vừa trực tiếp chỉ đạo, vừa làm gương vận động vợ con, anh em họ hàng hiến đất làm tường rào, góp ngày công, nhân lực làm đường theo phương châm "cán bộ đi trước, làng nước theo sau". Xã Quế Sơn xác định tập trung mọi biện pháp để hoàn thành trục đường chính nối các bản, các tuyến liên bản, liên gia và xây dựng hệ thống thủy lợi kiên cố, đảm bảo tưới tiêu nước phục vụ sản xuất các mùa vụ trong năm.
Chỉ trong thời gian ngắn, có 9/12 xóm, bản đã đăng ký tham gia làm đường giao thông nông thôn. Riêng xóm 2 và xóm Na Công đã tổ chức hiến được hơn 20.000m2; hơn 900m kênh mương nội đồng nối 2 xã Quế Sơn và Mường Nọc cũng đã hoàn thiện, tạo cho bộ mặt các xóm trông hệt như những ô bàn cờ, khang trang, sạch đẹp. Ở xóm 2, sau khi công trình Nhà văn hóa được xây dựng, để đảm bảo không gian vui chơi, sinh hoạt, người dân sinh sống xung quanh đã hiến đất để làm sân bãi, sân bóng chuyền và tổ chức trồng cây xanh tạo bóng mát với giá trị về kinh tế hơn 30 triệu đồng.
Hệ thống kênh mương tưới tiêu khá đồng bộ ở xã Quế Sơn |
Tại xóm Phong Quang, Tổ trưởng dân cư số 1 ông Hoàng Xuân Tịnh phấn khởi: "Mấy ngày nay, sau khi thu hoạch xong mía nguyên liệu, bà con trong xóm ở các tổ đã ra quân xóm làm đường giao thông với khối lương và chiều dài trên 700m. Nhà nào nhà nấy đều phấn khởi, vui như ngày hội".
Riêng ở xóm 2, có những nhà ở gần nhau, ban đầu phản đối việc hiến đất làm đường, xây bờ rào, sau nhiều lần tuyên truyền vận động không những nghe theo hiến hàng chục mét vuông mà còn đóng góp tiền mặt để ủng hộ phong trào NTM, như hộ bà Thi, ông Phú, ông Đoàn nhà nhiều 1 triệu, hộ ít từ 400- 600 ngàn đồng. Cùng với đó, các mô hình phát triển kinh tế hợp tác xã, các trang trại như HTX sản xuất, chế biến lùng, nứa; HTX cây, giống, con và nông nghiệp xã; HTX trồng hoa, rau an toàn xóm Hải Lâm và 26 mô hình kinh tế trang trại được UBND huyện công nhận... đã được triển khai hiệu quả, có vai trò rất lớn của các đảng viên.
Bí thư Đảng ủy Lô Thái Huyết cho biết thêm: Sau khi được các xóm có mức sống cao hơn ủng hộ dù cho trước đó họ chưa hài lòng, đến khi triển khai ở các bản nghèo có đồng bào dân tộc thiểu số quả thực rất khó khăn. Đơn cử như ở bản Piếng Mòn, là bản có 100% đồng bào dân tộc Khơ'mú với nhiều tập tục lạc hậu. Hôm đoàn của Ban chỉ đạo xã xuống vận động nhân dân hiến đất mở đường, họ phản đối quyết liệt. Đến nước cuối họ không nghe, chỉ còn cách bằng phương pháp dân vận.
Khi nghe đồng chí Chủ tịch xã dẫn chứng các hộ ở "dưới xuôi" tự nguyện bỏ hàng chục m2 hiến làm đường, có người trong bản còn "vặn" hỏi lại là có thật thế không. Chứng minh xong họ nghe theo thì vị Trưởng bản mới giải thích bằng những lời cụ thể, giản dị cho bà con lợi ích từ việc hiến đất: "Ta mở rộng thêm đường đi, trước hết là để cho chính bản thân mình. Đường sá xa, lỡ khi có say rượu thì cũng không bị ngã. Nghe xong bà con cười ồ lên, thế mà họ tin và sau đó không ai bảo ai sẵn sàng chặt phá cây cối, bờ rào để hiến đất làm đường"- Bí thư Huyết nhớ lại.
Với tinh thần của dân, do dân và vì dân. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi bản làng, khu dân cư đều đồng lòng nhất trí cao, có cùng suy nghĩ và hành động vì cộng đồng và vì chính mình. Khi một xóm thực hiện sẽ có nhiều xóm khác noi theo, một địa phương làm được thì sẽ có những địa phương khác làm tốt hơn, trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Từ một bản, phong trào được các xóm hưởng ứng mạnh mẽ, trong đó phải kể đến vai trò của những trưởng bản, bí thư chi bộ, các đảng viên và những người uy tín. Tiêu biểu như bí thư chi bộ xóm 2 Ngô Quang Nội, xóm trưởng Nguyễn Văn Đường, xóm trưởng (cũ) Nguyễn Văn Hải; xóm trưởng Na Công nay là Chỉ huy trưởng Quân sự xã Lô Văn Đên, bí thư Lô Xuân Quê; đảng viên gương mẫu như Lương Văn Thân, dù tuổi đời còn trẻ nhưng đã có những cách nghĩ, nếp làm mới về chuyển đổi cây trồng, làm ngô vụ 3 trên ruộng lúa.
Hay như hộ ông Võ Văn Xá ở xóm Phong Quang, là một trong những hộ khó khăn nhất trong vận động. Ban đầu thuyết phục kiểu gì cũng không nghe. Hôm gặp chúng tôi, ông Xá bảo: Thấy cán bộ xã xuống vận động xây dựng NTM ai cũng nữa tin nữa ngờ. Vậy mà sau nhiều lần bàn bạc gia đình đã thống nhất và quyết tâm hiến 5 mét đất bám mặt đường. Mới ngày nào đó mà nay đường đi lối lại đã khác hẳn, đi lại thuận tiện, khang trang, bây giờ mới hiểu mình đã sai...
Một mục tiêu, nhiều giải pháp
Đến với xã Quế Sơn vào những ngày này, khắp các nẻo đường, trên các xóm, bản đường sá đi lại thuận lợi, không còn phải cảnh gồ ghề, lầy lội như trước kia. Trên những thửa ruộng, nơi mà trước kia chỉ canh tác lúa hai vụ thì nay đã xuất hiện những cánh đồng ngô, rau màu xanh ngút ngát. Dù rằng diện tích còn khiêm tốn, số hộ tham gia vào các mô hình, các hợp tác xã chưa nhiều nhưng điều lớn hơn hết thảy đó là, từ nay nếp nghĩ, cách làm của đại đa số người dân đã được chuyển biến, đổi mới, không còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nhà nước. Mỗi một người dân đã chủ động tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tìm kiếm những giống lúa, cây, con phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để đưa vào những cánh đồng, thửa đất, làm chủ được các sản phẩm của chính bàn tay, khối óc vào trong công cuộc xây dựng NTM, bởi họ hiểu rằng chính mình mới là chủ nhân để hưởng lợi của những thành quả đó.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Dũng tự hào: Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Quế Sơn đã đạt được 8/19 tiêu chí. Bình quân hộ nghèo giai đoạn 2010 đến 2012 giảm 10%/ năm, từ 2012- 2013 giảm 3%/ năm. Đến đầu năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 25,44%, thu nhập bình quân đạt gần 14 triệu đồng/người/năm. Hiện, xã đang tập trung nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới về: nhà ở dân cư, chợ nông thôn, môi trường, thu nhập đầu người cũng như tiêu chí về cơ cấu lao động...
Trong câu chuyện xoay quanh về chủ trương xây dựng NTM, những người đứng đầu địa phương đã khẳng định, cùng với sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước, thì người dân nơi đây đã chủ động chung tay góp sức với cấp ủy, chính quyền, hăng hái thi đua, lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy, sự đổi thay của Quế Sơn như hôm nay, không chỉ bắt đầu từ chủ trương, đường lối mà xuất phát từ trong cách nghĩ, cách làm của người dân. Bí thư Đảng ủy Lô Thái Huyết lời nói như gan ruột với giọng đầy khả quan: Xóa đói giảm nghèo ở đất Quế Sơn thật không đơn giản chút nào. Giữ được cho cái nghèo không quay trở lại càng khó khăn gấp bội phần, nhưng không có gì là không thể mà phải quyết làm bằng được. Xa xa, tiếng í ới của bà con đang rủ nhau đi làm đường giao thông lại vang lên.