Giá xe ô tô tại Việt Nam được coi là "siêu đắt" so với các quốc gia cùng khu vực, một trong các nguyên nhân chính là do thuế và phí của nước ta cao.
Vì sao giá ô tô ở Việt Nam siêu đắt? |
Giá xe bị "đội" lên bởi thuế, phí
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Mức giá xe ô tô tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan và Indonesia), và con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe ô tô ở mức cao là do thuế và phí của nước ta cao, đồng thời sản lượng tích lũy trong nước thấp (các doanh nghiệp đang sản xuất dưới rất xa so với công suất thiết kế). Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn không bằng xe nhập khẩu.
Bộ Công Thương cũng thừa nhận thất bại trong việc nâng tỷ lệ nội địa hóa xe dưới 9 chỗ. Mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%. Trong đó Thaco đạt 15 - 18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.
Ngoài thuế và phí, báo cáo của Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, một số sản phẩm nhựa. Trong số 400 doanh nghiệp, chỉ một số rất ít đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.
"Mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi 60% vào năm 2010 đã hoàn toàn thất bại", báo cáo thừa nhận khi thực tế cho đến nay, tỷ lệ này mới chỉ đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó cao nhất là Toyota Việt Nam với riêng dòng Inova, đạt 37%", báo cáo nêu rõ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam cũng chưa tạo ra được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá trong sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất phụ tùng, linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, tính đến năm 2016, ngành sản xuất ô tô trong nước có khoảng 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, trong đó 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở. Đa phần các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Sắp "cởi trói" cho ô tô nhập khẩu
Mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Cụ thể, theo dự thảo này, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phù hợp với loại ô tô nhập khẩu; chịu trách nhiệm triệu hồi ô tô khi bị lỗi kỹ thuật, vi phạm quy định, quy chuẩn và chi trả chi phí cho việc triệu hồi...
Nếu đáp ứng được những điều kiện này, doanh nghiệp, thương nhân sẽ được Bộ Công Thương cấp mã số nhập khẩu ô tô.
Như vậy, nếu dự thảo này được thông qua thì việc nhập khẩu ô tô, đặc biệt là loại ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sẽ không còn khó khăn nữa đối với các thương nhân muốn tham gia lĩnh vực này. Bởi các điều kiện trên theo một số ý kiến của nhà kinh doanh ô tô là không khó.
Điểm đáng chú ý là dự thảo nghị định cũng không ràng buộc doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải là chủ sở hữu cơ sở bảo hành bảo dưỡng hoàn toàn mà còn áp dụng ở 2 phương án khác là chỉ cần sở hữu tối thiểu 30% của doanh nghiệp hoặc có thể ký hợp đồng thuê cơ sở bảo hành, bảo dưỡng với một doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.
Một số doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng đã bắt đầu tỏ ra lo ngại trước quy định của dự thảo này. Một số ý kiến cho rằng, nếu áp dụng quy định này thì quyền lợi người tiêu dùng khó đảm bảo khi bảo hành, bảo dưỡng, đặc biệt là vấn đề triệu hồi xe khi sự cố kỹ thuật xảy ra.
Ngoài ra, một số ý kiến còn lo ngại ô tô nhập khẩu không chính hãng sẽ ồ ạt vào Việt Nam và cạnh tranh về giá bán với các nhà nhập khẩu chính hãng độc quyền lâu nay./.