Giải Nobel Y học năm 2020 thuộc về 3 nhà khoa học Harvey J.Alter, Michael Houghton và Charles M.Rice với công trình nghiên cứu về virus viêm gan C.
Giải Nobel Y học vừa được công bố vào lúc 16h30 ngày 5/10 (theo giờ Việt Nam). Đây là giải Nobel đầu tiên được công bố trong mùa giải Nobel.
Các nhà khoa học này gồm có Harvey J.Alter, Michael Houghton và Charles M.Rice. Trong đó, nhà khoa học Harvey J.Alter làm việc tại Viện Y tế quốc gia thuộc Bộ Y tế và Nhân sinh Mỹ. Ông Michael Houghton là nhà khoa học làm việc tại Đại học Alberta của Canada.
Người thứ ba là Charles M. Rice, chuyên gia về virus học tại Đại học Rockefeller. Tuy nhiên, thời điểm ông Rice có nghiên cứu về virus gây viêm gan C là khi ông làm việc tại Đại học Washington ở St. Louis.
Trong thông báo ngày 5/10, Uỷ ban Nobel thuộc Viện Karolinska của Thụy Điển cho biết, giải thưởng vinh danh 3 nhà khoa học có đóng góp mang tính quyết định trong cuộc chiến chống lại căn bệnh viêm gan truyền qua đường máu, một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng của y tế toàn cầu vì gây ra bệnh xơ gan và ung thư gan ở nhiều người trên khắp thế giới.
Bộ ba nhà khoa học trên đã có những khám phá dẫn đến việc phát hiện virus mới gây bệnh viêm gan C. Trước đó, việc phát hiện ra virus viêm gan A và B đã đạt được những bước tiến quan trọng, song giới khoa học chưa giải thích được nguyên nhân đa số các ca mắc bệnh viêm gan truyền qua máu. Việc phát hiện ra virus viêm gan C đã làm sáng tỏ nguyên nhân các ca mắc bệnh viêm gan mạn tính còn lại, từ đó giúp tìm ra phương pháp xét nghiệm máu và loại thuốc kháng virus mới đem lại hy vọng sống cho hàng triệu người.
Giải thưởng Nobel y học mang ý nghĩa đặc biệt trong năm nay do sự bùng phát của đại dịch COVID-19, nêu bật tầm quan trọng của nghiên cứu y học đối với các xã hội và nền kinh tế trên toàn thế giới.
Giải Nobel Y học đã được trao 110 lần từ năm 1901-2019, trong đó có 12 phụ nữ từng được nhận giải này. Chủ nhân trẻ tuổi nhất của giải Nobel Y học là nhà khoa học người Canada Frederick G. Banting, nhận giải năm 1923 khi mới 32 tuổi, với công trình khám phá ra hormone tuyến tụy insulin điều trị bệnh tiểu đường. Chủ nhân lớn tuổi nhất là bác sỹ Mỹ Peyton Rous, nhận giải năm 1966 khi ông 87 tuổi, với công trình nghiên cứu phát hiện một số virus có thể gây ra ung thư.
Năm nay, mỗi giải thưởng Nobel sẽ được trao 10 triệu krona Thụy Điển (hơn 1.120.000 USD), tăng thêm 1 triệu krona so với năm ngoái. Giải thưởng sẽ được chia đều, nếu có nhiều hơn một người được vinh danh.
Do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, lễ trao các giải Nobel y học, vật lý, hóa học, văn học và kinh tế theo truyền thống ở Stockholm không thể diễn ra. Thay vào đó, sự kiện này sẽ được tổ chức qua cầu truyền hình. Trong khi đó, Viện Nobel Na Uy sẽ thu hẹp quy mô lễ trao giải Nobel Hòa bình dự kiến diễn ra tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào tháng 12 tới do tình hình dịch COVID-19.
Giải Nobel Y học năm ngoái được trao cho 3 nhà khoa học William Kaelin, Peter Ratcliffe và Gregg Semenza vì những khám phá về cách thức các tế bào cảm thụ và thích ứng với môi trường oxygen thay đổi.
.