(Congannghean.vn)-Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 06 ngày 14/12/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2025, hoạt động KH-CN đã có bước chuyển với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.
Nhiều sản phẩm ứng dụng KH-CN của tỉnh (trà, gạo lứt, cà gai leo…) ngày càng được đông đảo người dân tin dùng |
Minh chứng cho điều đó là việc đóng góp của KH-CN trong tăng trưởng kinh tế đo bằng chỉ số TFP đã đạt 34,9%/35% so với mục tiêu của Nghị quyết 6 đến năm 2020. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp (DN) sản xuất các sản phẩm chủ yếu của tỉnh đạt 15%/10-15% so với mục tiêu Nghị quyết đến năm 2020.
Theo đó, thời gian qua, hoạt động KH-CN đã lấy DN làm chủ thể, hiện có 80 - 90% dự án KH-CN do DN chủ trì triển khai. Hoạt động KH-CN cũng được tác động theo chuỗi giá trị với một số sản phẩm cam, bưởi và nay là 30 sản phẩm có truy xuất nguồn gốc. Hiện, toàn tỉnh đã có 70 sản phẩm có tác động KH-CN ở từng khâu, 46 sản phẩm được tác động toàn diện, từ khâu giống, trồng, chế biến, sở hữu trí tuệ, nhãn mác, tham gia hội chợ. KH-CN cũng đã tập trung nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các nguồn gen quý hiếm như trà hoa vàng, sâm Puxailaileng… Hoạt động KH-CN trong lĩnh vực khoa học, xã hội và nhân văn cũng tạo ra một số sản phẩm, trên cơ sở đó để tỉnh đưa ra các chủ trương, nghị quyết như về chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh; giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo ở miền Tây; nghiên cứu chữ Thái…
Riêng về hoạt động KH-CN cấp huyện cũng có nhiều đổi mới; đóng góp thiết thực vào sự phát triển KT-XH địa phương. Năm 2019, Sở KH&CN đã phê duyệt để các huyện xây dựng 22 mô hình ứng dụng các tiến bộ KH-CN với ngân sách hơn 1 tỉ 865 triệu đồng. Đến nay, đã có 22/22 mô hình được triển khai, đạt 100% kế hoạch.
Cũng trong năm 2019, các huyện đã xây dựng 155 mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN từ nhiều nguồn với tổng kinh phí gần 19 tỉ đồng. Đơn cử như huyện Hưng Nguyên (20 mô hình), Anh Sơn (16 mô hình), Diễn Châu (16 mô hình), Quế Phong (13 mô hình), Tương Dương (9 mô hình)… Tuy nhiên, trên thực tế, các ứng dụng tiến bộ KH-CN trên địa bàn các huyện vẫn còn chồng chéo, phân tán, không theo chuỗi sản phẩm nên chưa tạo được những đột phá mang tính quyết định để các sản phẩm chủ lực có giá trị trở thành sản phẩm hàng hóa...
Không chỉ riêng tại các địa phương, so với yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, hoạt động KH-CN của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đáng lưu tâm là trình độ công nghệ của các DN phần lớn ở mức trung bình, dẫn đến chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường chưa cao. Công tác huy động nguồn lực xã hội trong lĩnh vực KH-CN chưa cao; trong khi đó nguồn ngân sách đầu tư cho KH-CN hạn chế, chưa đảm bảo 2% tổng nguồn chi ngân sách theo Luật KH-CN (hiện tại chưa đầy 0,5%). Tính mất cân đối về đội ngũ KH-CN chủ yếu tập trung vào ngành nông nghiệp, giáo dục và thiếu đội ngũ chuyên gia, chuyên sâu về quản lý kinh tế, KHCN dược, công nghệ chế biến, công nghệ sinh học…
Để đưa Nghệ An trở thành trung tâm KH-CN vùng Bắc Trung Bộ, theo ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH&CN, cần có 3 yếu tố: Hình thành đội ngũ định hướng, tư vấn KH-CN mạnh; hình thành trung tâm khởi nghiệp KH-CN; hình thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực KH-CN. Bên cạnh đó, như đã đề cập ở trên, vấn đề đáng quan tâm nữa là đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ trong các DN, để các DN trở thành đơn vị triển khai ứng dụng, đổi mới KH-CN mạnh mẽ; gắn phát triển nhiều DN KH-CN và DN công nghệ cao. Cùng với đó, chú trọng đẩy mạnh, nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ cao; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH-CN trong các lĩnh vực cấp thiết của tỉnh, như quản lý đất đai, xử lý rác thải… Quan trọng hơn cả, theo chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn, Sở KH&CN cần quan tâm xây dựng đội ngũ làm khoa học; nghiên cứu, đổi mới cơ chế quản lý KH-CN phù hợp với cơ chế thị trường nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang đặt ra, thúc đẩy KH-CN của tỉnh phát triển.