Khoa học - Công Nghệ

Chế độ bảo hành hàng điện tử, điện thoại, gây nhiều bức xúc cho người dùng

15:18, 31/08/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Những nhóm hàng hóa, dịch vụ có lượng người tiêu dùng “tố” bị xâm phạm quyền lợi nhiều gồm có đồ điện tử gia dụng, điện thoại, viễn thông, máy tính, kết nối Internet, thực phẩm nước giải khát, hàng hoá tiêu dùng thường ngày…

Chế độ bảo hành điện thoại nằm trong nhóm bị khách hàng bức xúc nhiều nhất. Ảnh: Internet.
Chế độ bảo hành điện thoại nằm trong nhóm bị khách hàng bức xúc nhiều nhất. Ảnh: Internet.

Nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới, Cục Quản lý cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức vừa công bố kết qủa khảo sát ý kiến được thực hiện trong tháng 3 và tháng 4/2016 với trên 3000 người tiêu dùng, độ tuổi chủ yếu từ 25 - 35 tại một số tỉnh, thành trong cả nước gồm công chức, viên chức, chủ công ty, doanh nghiệp, nhân viên công ty, học sinh, sinh viên, nội trợ…

Theo đó, những nhóm hàng hóa, dịch vụ bị nhiều người tiêu dùng phản ánh đã từng bị xâm phạm quyền lợi trong thời gian qua là đồ điện tử gia dụng (13,05%), điện thoại, viễn thông (9,17%), máy tính, kết nối Internet (5,37%), thực phẩm nước giải khát (19,69%), hàng hoá tiêu dùng thường ngày khác (12,88%)…

Biểu đồ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng phân theo nhóm hàng hoá, dịch vụ.
Biểu đồ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng phân theo nhóm hàng hoá, dịch vụ.

Cục Quản lý Cạnh tranh đánh giá thực tế trên phản ánh đúng thực trạng thị trường tiêu dùng cũng như các khiếu nại chủ yếu của người tiêu dùng hiện nay, trong đó vấn đề về thực phẩm không an toàn, mất vệ sinh, chất lượng, chế độ bảo hành đồ điện tử gia dụng, điện thoại, dịch vụ viễn thông... đang gây nhiều bức xức cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên đáng chú ý, theo Bộ Công thương, dù số lượng người tham gia khảo sát trả lời đã từng bị xâm phạm quyền lợi với tư cách là người tiêu dùng là khá lớn (56%), xảy ra trong nhiều lĩnh vực hàng hoá, dịch vụ khác nhau, nhưng số lượng người quyết định phương án để có thể tự bảo vệ mình như chủ động khiếu nại trực tiếp tới tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc yêu cầu các cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của các cơ quan quản lý nhà nước.

Cụ thể, khi được hỏi “Trong quá trình mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ và xảy ra tranh chấp với tổ chức, cá nhân kinh doanh, thì thường chọn phương án nào?”, có tới 44% số người được hỏi chọn phương án im lặng và bỏ qua vụ việc; 20% chọn phương án yêu cầu hỗ trợ từ cơ quan, tổ chức vệ quyền lợi người tiêu dùng; 36% thực hiện việc khiếu nại đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.

Lý do được người tham gia khảo sát đưa ra cho việc im lặng, bỏ qua vụ việc là vì giá trị tranh chấp nhỏ (chiếm đa số tới 38,56%); vì cho rằng thủ tục khiếu nại, khiếu kiện tới cơ quan có thẩm quyền phức tạp, đơn vị kinh doanh sẽ không giải quyết, vì không biết đến cơ quan, tổ chức hỗ trợ giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng…

Đáng chú ý, có 30,76% người tiêu dùng cho rằng các tổ chức, cá nhân kinh doanh giải quyết chưa tốt các khiếu nại, khiếu kiện của người tiêu dùng. Các lý do chính của việc đưa ra đánh giá chưa tốt đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh là vì rất khó liên hệ để thực hiện khiếu nại (31%), thời gian trả lời/phản hồi yêu cầu của người tiêu dùng quá lâu (23%), cố tình trốn tránh trách nhiệm (22%) và thái độ, cách xử sự không đúng mực, thiếu tôn trọng người tiêu dùng (21%)…

Cũng theo kết quả khảo sát, hầu hết người tiêu dùng cho rằng để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được hiệu quả hơn, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền trên truyền hình (26,01%); thông qua báo điện tử, trang tin, trang mạng xã hội Facebook, Twitter... (17,73%).

Nguồn: ictnews.vn

Các tin khác