Khoa học - Công Nghệ
Đẩy nhanh tốc độ số hóa truyền hình để tiến lên 4G
Theo đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, việc ngừng phát sóng analog trên băng tần 700 MHz đang diễn ra thuận lợi là tiền để để trước năm 2018 Việt Nam hoàn thành số hóa truyền hình tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ, tiến tới giải phóng hoàn toàn băng tần 700 MHz vào năm 2020 để doanh nghiệp viễn thông được tiếp cận triển khai 4G.
MobiFone, VinaPhone, Viettel đang triển khai thử nghiệm 4G. |
Theo thông tin được ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) đưa ra tại hội thảo “Phát triển tiềm năng 4G LTE hướng tới kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật” ngày 18/8, các doanh nghiệp viễn thông đang “sốt ruột” chờ đợi băng tần 700 Mhz để triển khai 4G do đây là băng tần cho tốc độ truyền dẫn cao, vùng phủ sóng rộng.
Trong thực tế, băng tần 700 MHz vốn được sử dụng để phát các kênh truyền hình analog. Tuy nhiên, thực hiện lộ trình số hóa, Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi công nghệ truyền hình analog sang truyền hình số để giải phóng băng tần 700MHz.
Băng tần 700 MHz dần được giải phóng do truyền hình analog có hạn chế là một kênh tần số chỉ phát được một chương trình truyền hình, trong khi đó với truyền hình số mặt đất theo công nghệ DVB-T2, một kênh tần số có thể phát được tới 20 chương trình.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, từ 0h ngày 16/8 vừa qua, 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng đã ngừng phát sóng truyền hình tương tự. Việc ngừng phát sóng diễn ra thuận lợi, là tiền để để trước năm 2018 khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ có thể hoàn thành số hóa truyền hình, tiến tới giải phóng hoàn toàn băng tần 700 MHz vào năm 2020. Khi đó, lượng băng tần này sẽ được cấp phát cho doanh nghiệp viễn thông để triển khai 4G.
Công nghệ 4G đang hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp viễn thông. |
Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện đánh giá, vấn đề tài nguyên tần số để triển khai 4G tại Việt Nam đang tương đối thuận lợi. Ngoài băng tần 2.600 MHz, Bộ TT&TT đã cho phép các doanh nghiệp như VinaPhone, MobiFone, Viettel triển khai thử nghiệm 4G trên băng tần 1.800 MHz.
“Các doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục xin cấp phép 4G sử dụng băng tần 1800 MHz. Dự kiến muộn nhất đến quý 4/2016 sẽ cấp phép chính thức triển khai công nghệ 4G sau khi các doanh nghiệp viễn thông hoàn tất báo cáo kết quả thử nghiệm”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Cũng theo thông tin từ Cục Tần số vô tuyến điện, thời gian gần đây đã xuất hiện một số công nghệ mới đòi hỏi cần được sớm cập nhật chính sách quản lý như smartphone sử dụng công nghệ sạc pin không dây trên băng tần KHz, sự phát triển của Internet of Things (như thiết bị cho smarthome, thiết bị đo công tơ điện...)…
Về vấn đề này, Cục Tần số vô tuyến điện đang nghiên cứu và tham mưu cho Bộ TT&TT để xây dựng chính sách quản lý phù hợp.
Cùng đó, liên quan đến Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, mới đây, ngày 10/8/2016, Cục Tần số vô tuyến điện đã tổ chức hội thảo về sửa đổi, bổ sung Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 71/2013 của Thủ tướng Chính phủ, là cơ sở pháp pháp lý để xây dựng, ban hành các quy hoạch chi tiết như quy hoạch băng tần, quy hoạch phân kênh tần số, quy hoạch sử dụng kênh tần số tại Việt Nam.
Dự thảo nội dung bổ sung, sửa đổi Quy hoạch phổ tần số quốc gia của Việt Nam do Cục Tần số Vô tuyến điện đề xuất gồm cập nhật các sửa đổi của khu vực 3 của Liên minh Viễn thông quốc tế và sửa đổi, bổ sung các quy định của Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu gồm thông tin di động, hàng không, hàng hải và thông tin vệ tinh.
Đối với thông tin di động, bổ sung phân chia các băng tần mới 694-806 MHz, 1427-1518 MHz, 2300-2400 MHz, 2500-2690 MHz, 3300-3400 MHz, 4800-4990 MHz và mở rộng băng tần 1900-2010MHz, 2110-2200 MHz dành cho thông tin di động toàn cầu IMT (International Mobile Telecommunication).
Đối với lĩnh vực thông tin vệ tinh, bổ sung phân chia băng tần 7190-7250MHz; 9200-9300MHz; 9900-10000MHz; 10-10,4GHz cho nghiệp vụ thăm dò trái đất qua vệ tinh theo kết quả của WRC-15 đáp ứng nhu cầu trong nước và phù hợp xu hướng công nghệ trên thế giới.
Đối với lĩnh vực hàng không, bổ sung phân chia băng tần 1087,7 – 1092,3 MHz cho hệ thống giám sát bay toàn cầu qua vệ tinh; bổ sung phân chia băng tần 4200 – 4400 MHz cho hệ thống thông tin nội bộ tàu bay đáp ứng nhu cầu vô tuyến hóa các hệ thống kết nối hữu tuyến để giảm tải trọng; bổ sung phân chia băng tần 5030 – 5091 MHz cho hệ thống điều khiển máy bay không người lái từ mặt đất.
Ngoài các lĩnh vực trên, đối với phát thanh truyền hình, dự thảo cũng đưa vào quy định ưu tiên hệ thống truyền thanh không dây trên băng tần 54 – 68 MHz và không phát triển mới các hệ thống truyền thanh không dây trên băng tần 87-108 MHz…
Nguồn: ictnews.vn