Thứ Sáu, 29/01/2021, 08:00 [GMT+7]

Mục tiêu mới, thách thức mới cần giải pháp thích ứng mới

Nhìn tổng thể, năm 2020, năm cuối cùng của giai đoạn 2016-2020, Việt Nam nổi lên là một điểm sáng về khả năng tự chủ, tự cường, thành công trong thực hiện mục tiêu kép; linh hoạt , hiệu quả trong phản ứng chính sách; thúc đẩy chuyển đổi số; tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững. 
Những bàn đạp vững chắc
 
Có thể nói giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn hội tụ cao nhất, toàn diện nhất các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
 
Kinh tế tăng cả về quy mô và chất lượng với GDP bình quân đạt khoảng 5,9%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân là 5,8%/năm… Đến năm 2020, kinh tế Việt Nam có quy mô thứ 40 trên thế giới, thứ tư ASEAN và bình quân GDP đầu người đứng thứ 6 ASEAN.
 
Các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ở mức khoảng 4%/năm giai đoạn 2016-2020. Lạm phát cơ bản giảm từ 13,6% năm 2011 xuống khoảng 2,5% năm 2020. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định; bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung cho lĩnh vực sản xuất, nhất là các ngành ưu tiên…
 
Bội chi ngân sách Nhà nước giảm từ mức bình quân 5,4% GDP giai đoạn 2011-2015 xuống còn 3,5% GDP giai đoạn 2016-2019; riêng năm 2020, tỉ lệ bội chi là 4,99% GDP…
 
Giai đoạn 2011-2020, vốn đầu tư phát triển đạt gần 15 triệu tỷ đồng (tương đương 682 tỷ USD), tăng bình quân 10,6%/năm. Vốn đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước trong nước tăng từ 36,1% năm 2010 lên 45,7% năm 2020. Tổng số vốn FDI đăng ký đạt trên 278 tỷ USD; vốn thực hiện đạt 152,3 tỷ USD, chiếm 22,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
 
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá tăng 3,6 lần và xuất khẩu tăng bình quân khoảng 14%/năm trong suốt giai đoạn 2010-2019. Thị trường xuất khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; nhiều doanh nghiệp tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
 
Giai đoạn 2016-2020 xuất siêu liên tục và năm 2020 đạt trên 19,1 tỷ USD.
 
Việt Nam đã có 7/200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và 5 tỷ phú USD do Forbes Asia 2019 công bố. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có đột phá trong sản xuất và công nghệ, vươn mạnh ra thị trường quốc tế.
 
Năm 2019, Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư, tăng 15 bậc so với năm 2018; năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.
 
Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng 2,91% GDP; được coi là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V, với mức tăng trưởng dự báo từ hơn 6% tới 11,2% trong năm 2021.
 
Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) ca ngợi Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo.
 
Theo Báo cáo phát triển bền vững 2020, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được 5 mục tiêu hành động của LHQ, trong đó có các biện pháp giảm khí thải CO2, thúc đẩy năng lượng tái tạo và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
 
Theo WB, từ năm 2010 đến năm 2020, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam tăng từ 0,66 lên 0,69 và tiếp tục cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập, mặc dù mức chi tiêu công cho y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội thấp hơn.
 
Tỉ lệ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2020 ước khoảng 4,7%, giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ về giảm nghèo.
 
Bên cạnh đó, quan hệ quốc tế mở rộng, vị thế của Việt Nam được củng cố và nâng cao.
 
Nhìn tổng thể, năm 2020, Việt Nam nổi lên là điểm sáng về khả năng tự chủ, tự cường, thành công trong kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19; linh hoạt và hiệu quả trong phản ứng chính sách và phản ứng thị trường hỗ trợ doanh nghiệp; chủ động tham gia tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương; khai thác các cơ hội từ sự dịch chuyển và tái định vị các các chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế, thúc đẩy tái cơ cấu về tổ chức và công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầ và hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững.
 
Mục tiêu, thách thức mới cần giải pháp thích ứng
 
Về triển vọng, Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và đang trong xu hướng phục hồi theo hình chữ V; là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới.
 
Nếu duy trì được đà tăng trưởng như vừa qua thì quy mô GDP của Việt Nam ước sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ USD, còn thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18.000 USD vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước (2045).
 
Định hướng tầm nhìn và khát vọng phát triển cho Việt Nam dựa trên nguyên tắc lấy thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, phản ánh quy luật phát triển ở Việt Nam và khai thác có hiệu quả những thành tựu phát triển của thế giới, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiến bộ của nhân loại về phát triển toàn diện con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, do con người và giải phóng con người,... phù hợp với triết lý phát triển của dân tộc Việt Nam và với bản chất nhân văn cao đẹp của chủ nghĩa xã hội.
 
Động lực và kỳ vọng phát triển kinh tế năm 2021 của Việt Nam trước hết dựa trên những thành tựu chống dịch COVID-19 và đà tăng trưởng kinh tế năm 2020, đồng thời, được củng cố và bổ sung mới từ những đột phá thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh để đưa Việt Nam thuộc số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư.
 
Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển cả về lượng và chất, với nhiều tập đoàn và doanh nghiệp hướng tới đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ, chủ động tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Đầu tư khu vực ngoài Nhà nước tăng nhanh và chiếm khoảng 4/5 tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
 
Động lực tăng trưởng năm 2021 cũng được tiếp nối từ những thành tựu về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là nông nghiệp, du lich và cộng hưởng bởi các thành tựu trong xu hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện hạ tầng viễn thông, chỉ số tích hợp phát triển bưu chính và an toàn, an ninh mạng; trong  xây dựng Chính phủ điện tử và các thành phố thông minh trên toàn quốc...
 
Tuy vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.
 
Theo ADB, Việt Nam cần cảnh giác trước nguy cơ dịch COVID-19 kéo dài; sự gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính; sự suy giảm và thu hẹp thu nhập hộ gia đình, doanh nghiệp trong khi tăng áp lực thất nghiệp và ô nhiễm môi trường, thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu…
 
Đặc biệt, năm 2021, Việt Nam cần chú ý chủ động các kịch bản, giải pháp đối phó với áp lực gia tăng nợ xấu ngân hàng, nợ công gắn với khả năng thanh toán nợ vay và nộp thuế của doanh nghiệp. Một số ngành sẽ tiếp tục gặp khó khăn, như du lịch và vận tải hàng không quốc tế.
 
Với phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, theo chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, năm 2021 cả nước cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”; kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài và đề cao đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
 
Cần nhấn mạnh rằng, mức độ thành công trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam tỉ lệ thuận với tinh thần cách mạng và quyết tâm chính trị trong triển khai đổi mới có hiệu quả tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái, tiêu cực; xây dựng Đảng vững mạnh gắn liền với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo những chuẩn mực quản trị tốt, phục vụ phát triển và có khả năng xử lý, ứng phó linh hoạt với những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn.
 
Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam hiện nay là to lớn chưa từng có, được cộng đồng trong nước và thế giới ghi nhận. Đây là kết quả tổng hợp, thước đo khả năng tự chủ, tự cường của nền kinh tế, khẳng định chất lượng thể chế, hiệu quả phản ứng chính sách và phản ứng thị trường của Đảng, Nhà nước, toàn thể cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam.
 
Tất cả cho phép chúng ta tự tin về động lực và kỳ vọng mới cho năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục nổi lên như một điểm sáng đáng tự hào về phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững hơn, hiệu quả hơn…
Theo Nghị quyết của Quốc hội năm 2021: Phấn đấu GDP tăng khoảng trên 6%. GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 66%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%. Tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm…
.

Nguồn: Chinhphu.vn

.