(Congannghean.vn)-Là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, dân số đông, miền núi nhiều, hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, sản xuất nhỏ lẻ, sau hơn 1 thập kỷ triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, diện mạo kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn của tỉnh Nghệ An đã có những thay đổi căn bản, toàn diện. Nông thôn mới không chỉ dừng lại ở một chương trình phát triển kinh tế - xã hội mà trở thành phong trào, lôi cuốn sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cấp ủy, chính quyền và người dân xứ Nghệ.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, Nghệ An bước vào quá trình xây dựng nông thôn mới với quyết tâm chính trị lớn. Xác định rõ xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, trong khi nguồn lực hỗ trợ thực hiện chương trình còn hạn chế, nhận thức của một số bộ phận cán bộ và người dân còn chưa đầy đủ, xem chương trình như một dự án lớn do Nhà nước đầu tư, các doanh nghiệp còn chưa quan tâm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn..., Nghệ An đã chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ hàng loạt chương trình, kế hoạch, chính sách nhằm tạo sức bật cho xây dựng nông thôn mới ở tất cả miền quê.
Hội đồng thẩm định NTM tỉnh Nghệ An do đồng chí Nguyễn Văn Hằng, Phó chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh làm Trưởng đoàn tổ chức thẩm định xã đạt chuẩn NTM 2020 tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc |
Ban chỉ đạo tỉnh sớm được thành lập do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, các đồng chí là lãnh đạo các sở, ban, ngành, một số ban Đảng, Mặt trận tổ quốc, lãnh đạo các đoàn thể tham gia Ban chỉ đạo tỉnh. Nghệ An cũng ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới cấp thôn, bản và chỉ đạo thực hiện ở địa bàn khó khăn miền núi. Tỉnh cũng đã hình thành bộ máy chỉ đạo và tham mưu giúp việc đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, là nòng cốt tổ chức thực hiện chương trình với hiệu quả cao, chất lượng. Đội ngũ vận hành chương trình, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở đã có tiến bộ rõ rệt, nhận thức đầy đủ hơn và chỉ đạo chương trình có hiệu quả hơn.
Bên cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng bộ máy quản lý, nhằm huy động sự tham gia tích cực, Nghệ An còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; huy động sự đóng góp của nhân dân, tạo được sự đồng tình của nhân dân trong cách tổ chức thực hiện. Nhiều địa phương đã cụ thể hóa các chính sách của tỉnh, của Trung ương, chủ động ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương. Và trên thực tế, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với cả nước, công tác xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An đã thực sự trở thành sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, được cả hệ thống chính trị đồng lòng, chung sức vào cuộc. Từ các cụ cao niên, lão thành cách mạng, người cao tuổi, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đến các chức sắc, chức việc, nhà tu hành cho đến các cháu thiếu nhi cũng có nhiều việc làm thiết thực chung tay xây dựng nông thôn mới.
Không chỉ đầu tư nguồn lực và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân để chung sức dựng xây nông thôn mới, Nghệ An còn hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, có giá trị bền vững. Theo đó, tỉnh đã dành nguồn lực để xây dựng huyện Nam Đàn thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục ban hành cơ chế để triển khai có hiệu quả chương trình mỗi xã 1 sản phẩm OCOP của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh cũng tranh thủ được nguồn lực từ ngân sách Trung ương để bảo tồn các di sản cấp quốc gia; tiếp tục phát huy di sản văn hóa trong cộng đồng. Nghệ An còn đạt một số thành tích nổi bật trên lĩnh vực tương ứng với các nhóm tiêu chí về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới, thiết chế văn hóa, xây dựng khu dân cư văn minh, gia đình văn hóa.
Cơ sở vật chất tại các làng quê được đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại |
Tính đến 30/11/2020 đã có thêm 23 xã được tỉnh thẩm định, trong đó 1 xã đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến nay lên 246 xã, chiếm gần 59,8% số xã, có 2 xã được thẩm định đạt chuẩn nâng cao, 6 xã thuộc huyện nghèo 30a và 2 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới; 4 đơn vị cấp huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020, Nghệ An huy động được 10.637 tỉ đồng để xây dựng nông thôn mới. Hiện, toàn tỉnh có 283/411 xã đạt 19 tiêu chí, chiếm 68,85% và 841 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong giai đoạn vừa qua, Nghệ An được Trung ương ghi nhận là có sáng tạo trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới khi ban hành tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, qua đó khích lệ phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa bàn vùng sâu, vùng xa khó khăn; dành nguồn lực để triển khai xây dựng nông thôn mới tại 27 xã biên giới; tiếp tục xây dựng cơ chế hỗ trợ động viên các xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, xây dựng vườn mẫu, vườn chuẩn. Và điều quan trọng nhất, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Nghệ An đã làm chuyển đổi nhận thức của đa số cán bộ và người dân, lôi cuốn họ vào xây dựng nông thôn mới.
Từ chỗ số đông còn thụ động, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng lòng hưởng ứng với nhiều phong trào thi đua tích cực, sáng tạo, phù hợp với từng địa phương, đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, như mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”, các “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Thắp sáng đường quê”... qua các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, người dân đã thấy được tầm quan trọng và lợi ích thiết thực, từ đó tích cực ủng hộ vật chất, ngày công, hiến đất... để làm cầu, đường, các công trình phúc lợi cho bộ mặt nông thôn khởi sắc. Với những nỗ lực, sự kiên trì, đồng tâm hợp lực của cấp ủy, chính quyền và nhất là sự tham gia, hưởng ứng tích cực của người dân, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 tại Nam Định, Nghệ An đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Nghệ An xác định mục tiêu đến năm 2025 là xây dựng nông thôn Nghệ An có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại kết nối đồng bộ với đô thị, kinh tế phát triển, cảnh quan và môi trường sạch đẹp, xã hội văn minh, đồng thời giữ gìn được bản sắc tốt đẹp của nông thôn Nghệ An. Người dân ở nông thôn có thu nhập khá, ổn định, có điều kiện sống văn minh; kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao. Có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 1 huyện đạt chuẩn nâng cao, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiễu mẫu.
Mục tiêu đặt ra đã rõ, quyết tâm chính trị rất lớn, để hoàn thành kế hoạch trên, vai trò của người đứng đầu cấp ủy chính quyền là rất quan trọng. Bởi nơi nào người đứng đầu quan tâm, xem trọng xây dựng nông thôn mới thì nơi đó đạt được kết quả tốt. Cần ý thức rõ, xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Những thành công và cả những điều cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới vừa qua ở các địa phương chính là những bài học quý để chúng ta triển khai trên cấp độ cao hơn, bền vững hơn, nhằm góp phần nâng cao đời sống của người nông dân và phát triển nông thôn trở thành những vùng quê kiểu mẫu, đáng sống.
.