Thứ Năm, 29/10/2020, 09:36 [GMT+7]

Khẩn trương rà soát các quy hoạch sử dụng rừng và đất lâm nghiệp

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp tại các Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo yêu cầu của UBND tỉnh, cần khẩn trương rà soát các quy hoạch sử dụng rừng và đất lâm nghiệp nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai.

Cần khẩn trương rà soát hiện trạng sử dụng rừng và đất          lâm nghiệp để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững
Cần khẩn trương rà soát hiện trạng sử dụng rừng và đất lâm nghiệp để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững
 
Theo thống kê, diện tích, trữ lượng và độ che phủ rừng trên địa bàn các đơn vị được giao quản lý cơ bản được giữ vững và tăng lên; tình hình vi phạm lâm luật  từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ một số tồn tại như số lượng quy hoạch 3 loại rừng hiện còn bất cập nhưng chưa được điều chỉnh. Công tác chống chặt phá rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh trữ lượng gỗ cao còn diễn biến phức tạp với nhiều nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến an ninh rừng. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm đất rừng, chặt phá rừng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Các chủ rừng đang quản lý diện tích đất, rừng được Nhà nước giao chưa chặt chẽ, hầu hết chưa thực hiện được việc xác định ranh giới quản lý, cắm mốc ngoài thực địa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất theo quy định.
 
Trước thực tế trên, tại Thông báo số 258 ngày 16/9/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu yêu cầu các BQL rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chủ động, phối hợp với chính quyền cấp huyện, xã, khẩn trương thực hiện rà soát hiện trạng sử dụng đất và rừng của đơn vị, thống nhất diện tích, ranh giới trên bản đồ và ngoài thực địa; báo cáo các sở, ngành thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh. Trên cơ sở ranh giới, diện tích rừng và đất lâm nghiệp thống nhất báo cáo các sở, ngành thẩm định, giao các BQL rừng phòng hộ, rừng đặc dụng khẩn trương xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
 
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ trì, chỉ đạo các BQL rừng phòng hộ, đặc dụng rà soát, xác định ranh giới ngoài thực địa; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, kiểm tra, thẩm định, tham mưu UBND tỉnh xem xét điều chỉnh các nội dung đã được giao tại các quyết định thành lập của các đơn vị cho phù hợp với thực tiễn và quy định của Luật Lâm nghiệp; hướng dẫn, chỉ đạo các chủ rừng hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý về lập hồ sơ giao đất gắn với giao rừng theo quy định của pháp luật. Đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn đăng ký biến động đất đai, cắm mốc ranh giới ngoài thực địa đối với các diện tích rừng của các BQL rừng phòng hộ, đặc dụng sau khi được điều chỉnh quỹ đất lâm nghiệp theo quy định; chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan rà soát các quy hoạch sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của các doanh nghiệp và của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển cao su trên địa bàn các huyện, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định. 
 
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết các khó khăn, tồn tại về vấn đề đất đai của các BQL rừng phòng hộ, đặc dụng, hướng dẫn, đôn đốc việc rà soát, thống nhất diện tích, ranh giới đất lâm nghiệp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh quỹ đất cho đơn vị quản lý sử dụng phù hợp với tình hình thực tế đang quản lý. Đồng thời, chủ trì, hướng dẫn các chủ rừng lập hồ sơ đăng ký biến động đất đai, lập hồ sơ giao đất, cấp GCNQSD đất và tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp GCNQSD đất lâm nghiệp theo quy định cho các chủ rừng; hướng dẫn chính quyền địa phương, các chủ rừng xử lý đối với diện tích đất lâm nghiệp đã thống nhất bàn giao về địa phương quản lý; tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc thu hồi đất đối với diện tích đất do các chủ rừng thống nhất bàn giao về địa phương. 
 
Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trong lâm nghiệp. Đối với UBND cấp huyện, phối hợp kịp thời với các đơn vị chủ rừng rà soát hiện trạng sử dụng đất, rừng, ranh giới quản lý, thống nhất trên hồ sơ và ngoài thực địa làm cơ sở để các chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; tạo điều kiện để các chủ rừng lập hồ sơ giao đất, giao rừng, cấp GCNQSD đất theo quy định. Xem xét, đánh giá việc thực hiện các quy hoạch sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của các doanh nghiệp, các công ty trồng rừng trên địa bàn, có ý kiến hủy bỏ quy hoạch hoặc đề xuất điều chỉnh các quy hoạch nếu các doanh nghiệp, công ty không thực hiện việc đầu tư trồng rừng hoặc có diện tích rừng tự nhiên không được chuyển đổi theo Chỉ thị số 13 ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư và Luật Lâm nghiệp để giao lại cho địa phương thực hiện việc giao khoán cho người dân và các hộ gia đình quản lý theo quy định.
.

Thùy Dương

.