Kinh tế xã hội
Tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn
10:40, 29/08/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Qua 5 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho người lao động gắn với giải quyết việc làm và phát triển tiểu thủ công nghiệp - làng nghề tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020, những kết quả đạt được đã góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ.
Đề án đào tạo nghề cho người lao động gắn với giải quyết việc làm và phát triển tiểu thủ công nghiệp - làng nghề tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 là đề án chú trọng vào đối tượng yếu thế ở khu vực nông thôn, với mục tiêu góp phần tạo thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho người dân khu vực nông thôn.
Các sản phẩm nông nghiệp nông thôn của người lao động qua đào tạo nghề được thị trường đón nhận tích cực |
Trong 5 năm triển khai thực hiện Đề án, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 206.698 lao động nông thôn. Bình quân hàng năm, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 3.545 người, góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của cả tỉnh từ 48% (năm 2015) lên 55% (năm 2020). Các hình thức đào tạo nghề được tổ chức với nhiều hình thức linh hoạt, đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu người học như: Đào tạo chính quy; đào tạo tại các cơ sở dạy nghề; đào tạo lưu động tại các xã, thôn, bản với 10 nhóm nghề chủ yếu như mây tre đan, dệt thổ cẩm, thêu ren, mộc mỹ nghệ, chế biến hải sản, trồng nấm... Điều đáng ghi nhận là, chất lượng đào tạo nghề được nâng cao rõ rệt. Hàng năm, tỉ lệ học viên trung cấp nghề tốt nghiệp đạt trên 95%, trong đó loại khá giỏi chiếm 30%; tỉ lệ lao động sau khi học nghề biết nghề là 100%; thạo nghề là 65%; giỏi nghề là 15%. 70 - 80% lao động sau đào tạo nghề đều có việc làm và đảm bảo thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Thực hiện Đề án, chính sách khuyến khích phát triển dạy nghề được mở rộng đến các cơ sở dạy nghề ngoài công lập, các doanh nghiệp, làng nghề... Thông qua công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã xây dựng và công nhận thêm được 26 làng nghề (đạt 100% so với chỉ tiêu quy hoạch). Tính đến nay, toàn tỉnh có 165 làng nghề. Các làng nghề đã tạo việc làm cho 19.835 lao động, đảm bảo thu nhập bình quân 40,6 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất từ nghề của làng nghề chiếm 54% giá trị sản xuất của làng; giá trị thu nhập từ nghề của làng nghề chiếm 55% giá trị thu nhập của làng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo nghề theo Đề án đào tạo nghề cho người lao động gắn với giải quyết việc làm và phát triển tiểu thủ công nghiệp - làng nghề tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020 vẫn còn một số hạn chế như công tác lựa chọn nghề đào tạo gắn với nhu cầu thị trường chưa thật sự rõ nét, công tác xã hội hóa trong thực hiện đào tạo nghề còn thấp. Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng với những biến đổi của thị trường lao động, theo yêu cầu của đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, công tác đào tạo nghề cần có sự chuyển hướng mạnh mẽ từ theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu của người lao động và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng ngành và từng địa phương nhằm đảm bảo phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có.
Bên cạnh đó, nhằm mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ quan, địa phương cần huy động các nguồn lực địa phương, liên doanh liên kết, nguồn lực của doanh nghiệp. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề phát triển tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề đảm bảo phù hợp với thực tế, qua đó tạo điều kiện cho người lao động khu vực nông thôn học nghề gắn với giải quyết việc làm ổn định tại chỗ; quan tâm tham mưu bổ sung kinh phí và định mức dự toán kinh phí sự nghiệp đào tạo nghề.
Liên quan đến vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nông thôn, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, doanh nghiệp... để làm đầu mối cung ứng dịch vụ, vật tư nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó tạo cơ sở ổn định thu hút, giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo.
Thùy Dương