Kinh tế xã hội

TP Vinh chủ động phòng, chống thiên tai

16:56, 22/08/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Thiên tai, bão lụt luôn chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ. Hàng năm, TP Vinh là địa bàn luôn chịu ảnh hưởng của mưa bão. Vì vậy, trước mùa mưa bão năm 2020, các cấp chính quyền thành phố đang nỗ lực triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai. Đặc biệt là thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để chủ động phòng, chống và ứng phó với mưa bão, góp phần hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tình trạng sạt lở núi Quyết tại khối 2, phường Trung Đô, TP Vinh
Tình trạng sạt lở núi Quyết tại khối 2, phường Trung Đô, TP Vinh
Xã Hưng Hòa, TP Vinh có 8 xóm dân cư, là địa bàn thấp trũng nên nguy cơ cao xảy ra ngập úng khi có bão lụt. Đặc biệt, xã có xóm Hòa Lam là cụm dân cư duy nhất của TP Vinh nằm ngoài đê Tả Lam ở cuối nguồn sông Lam. Vì vậy, hàng năm xóm luôn chịu ảnh hưởng của mưa lụt. Với hơn 60 hộ, hơn 250 nhân khẩu, xóm Hòa Lam thuộc diện phải di dời tái định cư vào phía trong đê Tả Lam. Thế nhưng, sau gần 10 năm triển khai dự án, đến nay khu quy hoạch di dời tái định cư cho các hộ dân cũng chỉ đang trong giai đoạn san lấp hạ tầng nhưng vẫn còn vướng mắc công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Vì vậy, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, chính quyền xã Hưng Hòa đã xây dựng đề án phòng, chống thiên tai, di dời các hộ dân xóm Hòa Lam đến nơi trú ẩn an toàn. 
 
Ông Trần Cao Cường, Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa cho biết: “Để chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có mưa bão lớn, cuối năm 2019, xã Hưng Hòa đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức diễn tập cứu nạn, cứu hộ cho toàn bộ nhân dân xóm Hòa Lam và các lực lượng chức năng của xã tham gia. Đợt diễn tập nhằm chuyển địa phương vào trạng thái báo động để phòng, chống thiên tai. Huy động lực lượng dân quân tự vệ sử dụng các phương tiện tại chỗ khẩn trương tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên sông Lam. Thông qua đợt diễn tập nhằm trang bị thêm các kiến thức cứu nạn, phòng, chống thiên tai cho người dân và lực lượng liên quan để chủ động ứng phó khi có mưa bão lớn, nhất là khi nước sông Lam bất ngờ dâng cao gây lũ lụt, ngập úng diện rộng”. 
 
Khối 2 và khối 3, phường Trung Đô cũng là địa bàn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Nằm dưới chân lâm viên núi Quyết nên mỗi khi có mưa lớn xảy ra, hơn 100 hộ dân 2 khối 2 và 3 luôn sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ do sạt lở núi Quyết. Mặc dù hàng năm, chính quyền phường Trung Đô đã yêu cầu người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, đề phòng sạt lở núi trong mùa mưa bão nhưng cũng chỉ là biện pháp tạm thời. Ông Trần Quảng Đại, Chủ tịch UBND phường Trung Đô phân trần: “Làm thế nào để di dời các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở đang là vấn đề rất khó đối với chính quyền phường, vì hiện nay khó nhất là đất quy hoạch tái định cư vẫn chưa được phê duyệt; thứ 2 là việc đền bù cũng cần có dự án nào đó vào đầu tư thì mới có tiền, chứ ngân sách Nhà nước thì không đủ để làm được; thứ 3 là một số hộ muốn đi ngay nhưng một số hộ lại muốn bám trụ nên việc di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm hiện vẫn chưa thể làm được”.
 
Không chỉ vùng sông, núi ở các phường, xã vùng ven mà ngay ở các phường trung tâm của thành phố, nguy cơ thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai cũng rất lớn. Trên địa bàn thành phố hiện có 35 khu nhà ở tập thể cũ với hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống trong các ngôi nhà đã xuống cấp nên khi có mưa bão lớn, nguy cơ sập đổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Phường Bến Thủy là địa phương có số lượng nhà ở tập thể cũ nhiều nhất trên địa bàn TP Vinh. Toàn phường hiện còn 6 khu nhà tập thể cấp 4 đã được xây dựng từ thập niên 80 của thế kỷ 20. Sau hơn 30 năm sử dụng, các căn hộ tập thể cũ của hơn 300 hộ dân hiện đang trong tình trạng chằng chống tạm bợ.
 
Bên cạnh các cụm dân cư có nguy cơ bị thiệt hại do mưa bão thì hệ thống cây xanh cũng là mối nguy hiểm tiềm ẩn cho người và các phương tiện giao thông khi di chuyển trên các tuyến phố. Dọc các tuyến đường nội thị, một số cây xanh bị nghiêng ngả hoặc những cây ngô đồng cành lá nặng và giòn nên rất dễ đổ gãy khi có mưa gió lớn. 
 
Hàng năm, trước những diễn biến bất thường của thiên tai cũng như tình hình thực tế, chính quyền TP Vinh đã chỉ đạo các phường, xã chuẩn bị tốt phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị phối hợp, tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai, nhất là chống sập đổ và cứu nạn cứu hộ. Cấp ủy, chính quyền các phường, xã triển khai kế hoạch, biện pháp ứng phó; Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn triển khai các nhiệm vụ và xử lý các tình huống cấp bách trước những diễn biến phức tạp của mưa bão. Cùng với đó, theo dõi sát sao diễn biến ngập úng, sạt lở và sập đổ. Tổ chức phương án sơ tán nhân dân ra khỏi vùng trọng điểm, triển khai các phương án ứng cứu và chống sập đổ công trình. Huy động các lực lượng chức năng khẩn trương tham gia di dời, cưỡng chế các hộ dân bị ảnh hưởng mưa bão và có nguy cơ sạt lở, sập đổ ra khỏi vùng nguy hiểm. Thông qua các cuộc diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm nâng cao chuyên môn cho các thành viên Ban chỉ huy, các lực lượng chức năng và người dân trong phòng, chống bão lụt.
 
Theo diễn tiến từ năm 2019 đến nay, thiên tai không diễn ra ồ ạt nhưng diễn biến dị thường, trái quy luật, xảy ra khắp các vùng miền cả nước. Do đó, công tác phòng, chống thiên tai ở TP Vinh hiện gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Dự báo năm 2020 sẽ có khoảng 6 - 8 cơn bão mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, nhất là mưa lũ sau hạn hán cũng sẽ xảy ra phức tạp, khó lường. Vì vậy, việc theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của thiên tai bão lụt và đề phòng các quy luật bất thường của thời tiết sẽ chủ động hơn trong ứng phó với thiên tai. Đặc biệt là chuẩn bị tốt công tác tìm kiếm cứu nạn và bảo đảm an toàn cho người dân trong các vùng có nguy cơ sạt lở, sập đổ công trình là nhiệm vụ trọng yếu. 
 
Ông Lê Sỹ Chiến, Phó Chủ tịch UBND TP Vinh khẳng định: “Để chuẩn bị tốt cho công tác phòng, chống thiên tai năm 2020, thành phố đã kiện toàn Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo kiểm tra công tác phòng, chống bão lụt năm 2020 ở các đơn vị liên quan. Thành phố cũng chỉ đạo công ty cây xanh, các phường, xã rà soát lại hệ thống cây xanh để cắt tỉa, khảo sát các công trình yếu, các khu tập thể để có biện pháp ứng phó cho từng khu vực riêng biệt. Riêng xóm Hòa Lam nằm trong dự án di dời dân do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư nhưng hiện nay chưa di chuyển được, chúng tôi cũng đã có các biện pháp ứng phó thiên tai theo phương án mà thành phố đã phê duyệt”.
 
Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến thời tiết nên thiên tai bão lụt không còn tuân theo quy luật mà có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, việc chủ động phòng, chống thiên tai sẽ hạn chế được các thiệt hại trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như con người của địa phương. Mùa mưa bão đang đến nhưng với sự chủ động và công tác chuẩn bị tốt trong phòng, chống thiên tai theo phương châm: Chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ, hy vọng các cấp chính quyền và người dân TP Vinh sẽ ứng phó và giải quyết kịp thời các vấn đề khi có mưa bão lớn; đảm bảo an toàn và hạn chế thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản do thiên tai bão lụt gây ra.

Hồng Quang

Các tin khác