Kinh tế xã hội

Sát cánh cùng người dân vùng biên

09:13, 28/08/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới của tỉnh đã mang lại diện mạo khởi sắc cho nơi đây. Tuy nhiên, trước những vấn đề tiềm ẩn phức tạp về an ninh chính trị, TTATXH cũng như yêu cầu cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân thì việc nâng cao hơn nữa hiệu quả giúp đỡ đồng bào vùng biên, góp phần phát triển KT-XH, gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới là rất cần thiết. 

Việc hỗ trợ giống, cây, con trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực biên giới phát huy hiệu quả thiết thực
Việc hỗ trợ giống, cây, con trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực biên giới phát huy hiệu quả thiết thực
Nghệ An có 468,281 km đường biên giới đất liền và 82 km bờ biển. Khu vực biên giới (KVBG) có 61 xã (phường) thuộc 11 huyện (thị xã). Trong những năm qua, bức tranh KT-XH vùng biên ghi nhận sự khởi sắc rõ rệt, đời sống vật chất lẫn tinh thần của bà con ngày càng được nâng cao, quốc phòng - an ninh, TTATXH được củng cố và giữ vững. 
 
Góp phần vào kết quả đó là sự chung tay hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để bà con phát triển sản xuất; tu sửa trường, lớp; hỗ trợ gạo cứu đói cho các hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt khó khăn và thiếu ăn trong mùa giáp hạt... Trong đó, dấu ấn đậm nét nhất phải kể đến lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) với việc chủ động tham mưu, phối hợp chặt chẽ, sâu sát với cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ bà con phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo theo phương châm “cầm tay, chỉ việc”; thực hiện tốt “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc), “ba bám” (bám nhân dân; bám địa bàn; bám chủ trương, chính sách).
 
Thực hiện Chỉ thị 681 ngày 8/10/2018 của Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị phân công 575 đảng viên giúp đỡ gần 3.000 hộ gia đình ở KVBG... Có thể thấy, những đổi thay tích cực ở KVBG của tỉnh là điều đáng mừng, song trên thực tế, tốc độ phát triển KT-XH ở vùng biên, nhất là trên tuyến biên giới đất liền vẫn còn chậm. Với gần 22.600 hộ nghèo và cận nghèo, tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở KVBG còn cao so với bình quân toàn tỉnh. Cùng với đó là tình trạng di cư trái phép, tội phạm ma tuý, tình hình an ninh chính trị, TTATXH tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Với vùng biển, tình trạng xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.
 
Trước thực tế trên, vừa qua, UBND tỉnh đã thông qua Đề án “Nâng cao hiệu quả giúp đỡ các hộ gia đình ở KVBG, góp phần phát triển KT-XH, gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”. Mục tiêu đặt ra là 100% hộ gia đình ở KVBG được tuyên truyền, phổ biến, nắm được các nội dung cơ bản của chính sách dân tộc, tôn giáo, xóa đói giảm nghèo; quyền và nghĩa vụ của công dân về nhân thân, về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển đảo và phòng, chống tội phạm; hạn chế thấp nhất tình trạng di cư trái phép. 100% đồn Biên phòng có mô hình giúp dân phát triển kinh tế hộ gia đình phát huy hiệu quả tốt để nhân rộng trên địa bàn. Cùng với đó, phấn đấu góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo ở KVBG của tỉnh mỗi năm trên 3%, phấn đấu không có “điểm nóng” trong KVBG, tăng cường quản lý, giáo dục, cảm hóa những người có mối quan hệ chính trị - xã hội phức tạp, người vi phạm pháp luật.
 
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, cần thực hiện tốt các giải pháp gồm:  Đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; đẩy mạnh các hoạt động hướng về biên giới; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, ngành chức năng sẽ phối hợp rà soát, lập danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo để vận động vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi.
 
Đối với việc xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học; đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi vào phát triển sản xuất và chăn nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết của từng địa bàn. Cùng với đó, hỗ trợ giống, cây, con trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, giúp đỡ bà con triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế. Ngoài ra, các cấp, ngành, địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác vận động, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào KVBG nhằm tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai và nguồn lao động, vừa góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân.  

Hồng Hạnh

Các tin khác