Kinh tế xã hội
Tạo đà tiến tới
09:45, 26/08/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Nghệ An thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH năm 2020 trong muôn vàn khó khăn, thách thức. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, điều kiện thời tiết cực đoan, song tỉnh ta vẫn nỗ lực triển khai các giải pháp tạo đà phát triển mới. Từ nay đến cuối năm, nhiều kế hoạch, chương trình đang được gấp rút triển khai.
Nghệ An quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH năm 2020 |
Kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII là kỳ họp quan trọng, được tổ chức vào giữa năm 2020. Đây là dịp để lãnh đạo chính quyền và các cấp, người dân nhìn lại chặng đường nửa đầu năm 2020 trong thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH. Đánh giá nghiêm túc những kết quả trên nhiều lĩnh vực, chúng ta nhận thấy rằng, dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến các mặt của đời sống xã hội, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại dẫn đến đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tác động trực tiếp đến các ngành xuất nhập khẩu, hàng không, giáo dục, lao động, việc làm. Thực trạng này không chỉ xảy ra tại Nghệ An mà dịch COVID-19 đã xoay vần toàn bộ nền kinh tế trong nước và thế giới. Dù vậy, tỉnh ta vẫn có những tín hiệu khả quan. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 2,69%. Trong đó, nông nghiệp được xem là trụ đỡ chính, cơ cấu ngành tiếp tục được đẩy mạnh. Các lĩnh vực khác cũng đã có những cách biến chuyển phù hợp giữa “cơn bão” dịch bệnh.
Xác định rõ những khó khăn trong 6 tháng cuối năm, HĐND tỉnh Nghệ An đã quyết định không điều chỉnh mục tiêu phát triển KT-XH năm 2020. Mục tiêu này cho thấy quyết tâm rất lớn của Nghệ An. Quyết tâm phải gắn liền với hành động và giải pháp, không thể là lời nói suông, cũng chẳng thể là sự huyễn hoặc. Chắc chắn, quyết định này đã được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng những tiềm ẩn, thách thức cũng như đánh giá dư địa để kinh tế phục hồi trong trạng thái mới. Dịch COVID-19 sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng chung, song cũng là cơ hội để doanh nghiệp - chủ thể chính trong ngành KT-XH nhìn lại mình và tổ chức điều chỉnh chính sách phù hợp. Chính sự lựa chọn bắt buộc của doanh nghiệp trong thời dịch bệnh đã hình thành nền tảng cho một sự khởi đầu mới ở không ít ngành nghề nói chung và ở doanh nghiệp nói riêng.
Dịch COVID-19 xuất hiện cũng là lúc các doanh nghiệp có cơ hội đánh giá kỹ về thị trường trong tỉnh và trong nước. Thị trường nội địa được xác định là trụ cột trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là sau giai đoạn bình thường mới hiện nay. Do đó, việc ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là giải pháp quan trọng, cần có sự ủng hộ, hưởng ứng từ nhiều phía. Các giải pháp này được kỳ vọng góp phần đưa các hoạt động thương mại trở về trạng thái bình thường như khi chưa xảy ra đại dịch COVID-19; cố gắng đảm bảo thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của năm 2020, từ đó tạo nền tảng tốt cho tăng trưởng ở những giai đoạn tiếp theo. Trên cơ sở những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi các khoản vay, hỗ trợ về thuế… từ những tháng trước sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Trong tổng thể chung, nông nghiệp được xem là trụ đỡ chính. Đây là lĩnh vực ít chịu tác động nhất trong cơ cấu ngành kinh tế khi dịch bệnh ập tới. Vụ đông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, hầu hết diện tích là những loại cây có giá trị kinh tế cao, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Ngành Nông nghiệp Nghệ An đang đồng bộ triển khai các giải pháp để nâng cao năng suất, đồng thời điều chỉnh phù hợp về diện tích gieo trồng, cơ cấu giống…, tạo đà cho thúc đẩy tăng trưởng bên cạnh việc bảo đảm nhu cầu tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu. Nhân rộng các mô hình hiệu quả, các quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển các sản phẩm nông sản lợi thế của từng địa phương gắn với thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.
Thực hiện phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới, Nghệ An đã ban hành và đốc thúc thực hiện hàng loạt chương trình, kế hoạch cho những tháng cuối năm. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai có hiệu quả các hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư, phục hồi các dự án đầu tư công nghiệp trên địa bàn. Những biện pháp quyết liệt, cụ thể đối với doanh nghiệp được tỉnh gấp rút triển khai: Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu thay thế; hoàn thành các tuyến đường giao thông thiết yếu phục vụ vận chuyển hàng hóa, ổn định nguồn điện sản xuất... Doanh nghiệp cũng đổi mới mình, nhiều sự sáng tạo không ngừng về sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu tiêu dùng mới, được thị trường đón nhận và đánh giá cao.
Thiết lập trạng thái bình thường mới, nghĩa là chúng ta phải song hành hai nhiệm vụ vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Thoát khỏi bẫy kinh tế của COVID-19 lúc này là ưu tiên của Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng cũng như của nhiều địa phương khác trong những tháng tới. Tuy nhiên, để khắc phục và vượt qua khó khăn này, các cấp, ngành và địa phương phải bám sát và thực hiện triệt để Nghị quyết số 84/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Và chính “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong hoàn cảnh ngặt nghèo, tư tưởng Hồ Chí Minh và ý chí, khát vọng của những con người trên quê hương của Người càng phải sáng rõ và thể hiện đậm nét hơn bao giờ hết. Tận dụng tốt những cơ hội, vượt lên nhanh, rút ngắn khoảng cách, đĩnh đạc, chủ động vượt qua thách thức, phải như vậy, chúng ta mới vững vàng vượt qua khó khăn. Trái ngọt vẫn đang chờ đó, ở phía trước!
MAI HẬU